‘Đế chế” Bim Group của đại gia Đoàn Quốc Việt mạnh cỡ nào? |
Tháng 5/2020, Công ty cổ phần BEHS (BEHS) – pháp nhân khi đó mới tròn 1 tuần tuổi - bất ngờ chi nửa nghìn tỉ đồng để trở thành cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Xây lắp điện 1 (Mã CK: PC1). Thương vụ mang bóng dáng của BIM Group nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư.
Khi ấy, BIM Group đã và đang nổi lên là một trong những ‘tay chơi’ tham vọng bậc nhất trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Tập đoàn của ‘đại gia’ Đoàn Quốc Việt, vào tháng 8/2019, đã đưa vào vận hành cụm dự án điện mặt trời 330 MW có tổng vốn đầu tư lên tới 7.000 tỉ đồng tại Ninh Thuận.
‘Đếm tiền’ từ nắng và gió
Chỉ sau vài tháng cụm nhà máy điện mặt trời nêu trên đi vào hoạt động, dữ liệu của VietTimes cho thấy, CTCP Năng lượng tái tạo BIM (BIM Energy) đã có lãi và mức lãi cũng rất ấn tượng.
Cụ thể, năm 2019, lợi nhuận thuần của BIM Enery đạt mức 343,5 tỉ đồng, cao gấp 59,6 lần so với năm 2018, tương ứng với biên lợi nhuận lên tới 48,8%.
BIM Energy được thành lập vào tháng 9/2017, bởi hai thành viên lâu năm trong hệ sinh thái BIM Group là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển sản xuất Hạ Long (Bim Hạ Long) và CTCP Muối Cà Ná Ninh Thuận, cùng ông Đoàn Quốc Huy (SN 1984) – con trai của Chủ tịch Bim Group Đoàn Quốc Việt.
Đến tháng 8/2018, trong cơ cấu của BIM Energy bắt đầu ghi nhận sự góp mặt của AC Energy Vietnam Investments Pte Ltd. Thành viên của tập đoàn năng lượng Ayala (Philippines) sau đó liên tục tăng tỉ lệ sở hữu tại BIM Energy, lên mức 47% vốn vào cuối năm 2019. Và đến tháng 1/2021, tỉ lệ sở hữu của pháp nhân này tại BIM Energy đã nâng lên mức 49%.
‘Quả ngọt’ đến từ lĩnh vực năng lượng tái tạo phần nào củng cố thêm vị thế và tiềm lực cho ‘đế chế’ BIM Group - vốn đã đồ sộ nhưng không kém phần hiệu quả - của vị doanh nhân sinh năm 1955.
‘Đế chế’ Bim Group lớn cỡ nào?
Doanh nhân Đoàn Quốc Việt khởi đầu hành trình kinh doanh từ việc buôn bán máy tính tại Ba Lan và Nga. Hồi hương, ông Việt bắt tay gây dựng 'đế chế' BIM Group với dự án khách sạn hạng sang Hạ Long Plaza.
Một số thành viên trong hệ sinh thái BIM Group |
Tới nay, BIM Group cho biết đã phát triển quỹ đất rộng hơn 5,6 triệu m2 tại Hạ Long, Phú Quốc, Hà Nội, Lào.
Tại Quảng Ninh, ngoài dự án Hạ Long Plaza, BIM Group là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Halong Marina (248ha) với nhiều dự án thành phần, bao gồm: Grand Bay Halong (6,6 ha), Green Bay Village (10 ha), Royal Lotus Resort & Villas (4 ha), Little Vietnam (3,3 ha),…
Bên cạnh đó, BIM Group cũng là chủ đầu tư dự án Khu đô thị dịch vụ Hùng Thắng, được phát triển trên quỹ đất được UBND tỉnh Quảng Ninh thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đường bao biển Hùng Thắng.
Tháng 3/2019, BIM Group đề xuất lập quy hoạch 1/500, dự tính chia dự án KĐT dịch vụ Hùng Thắng thành các dự án thành phần, bao gồm: Khu Đa giác số 1; Khu Đa giác số 2; Khu hỗn hợp chung cư, dịch vụ và biệt thự nghỉ dưỡng tại bán đảo số 2.
Tháng 8/2019, BIM Group đã được UBND Tp. Uông Bí (Quảng Ninh) đồng ý về chủ trương để doanh nghiệp này nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư phát triển xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp rộng 2.000ha trên địa bàn thành phố.
Xuôi về phía Nam, BIM Group cũng phát triển nhiều dự án bất động sản đáng nể tại ‘đảo ngọc’ Phú Quốc như: Phu Quoc Marina (155ha), Park Hyatt Phu Quoc, Palm Garden Shop Villas Phu Quoc (7ha), InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort (9,2ha).
Ngoài ra, ông Đoàn Quốc Việt còn đứng tên tại loạt doanh nghiệp mang thương hiệu ‘Syrena’ hoạt động trong lĩnh vực địa ốc như CTCP Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam, CTCP Bất động sản Syrena Hạ Long, Công ty TNHH Liên doanh Hạ Long Plaza.
BIM Group còn hợp tác cùng Tập đoàn Aeon Mall đầu tư dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông có giá trị đầu tư hơn 190 triệu USD (tương đương hơn 4.000 tỷ đồng) tại Hà Nội.
Trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm, BIM Group sở hữu Khu nuôi tôm Minh Thành diện tích hơn 251ha, sản lượng trung bình 2.000 tấn/năm; Khu nuôi hàu Thái Bình Dương trên vịnh Bái Tử Long quy mô 1.000ha; Khu nuôi tôm Đồng Hoà quy mô 1.234ha; Trung tâm đầu tư và phát triển nguồn giống Phú Quốc.
Bên cạnh đó, tập đoàn này còn sở hữu cánh đồng muối rộng 2.500ha tại Quán Thẻ, tỉnh Ninh Thuận. Đây cũng là lợi thế không nhỏ để BIM Group phát triển dự án các năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận trong tương lai, nếu tập đoàn này thực sự nghiêm túc và quyết tâm triển khai.
Như đã đề cập ở đầu bài viết, CTCP Muối Cà Ná Ninh Thuận là cổ đông sáng lập của BIM Energy, và nắm 9,667% vốn CTCP Điện gió BIM (tính đến tháng 6/2020).
Theo tìm hiểu của VietTimes, lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm của BIM Group mang đậm dấu ấn của bà Khổng Thị Hiền – phu nhân của ông Đoàn Quốc Việt.
Bà Hiền là Chủ tịch HĐQT CTCP Xay xát và Chế biến Gạo BIM (chủ đầu tư dự án Nhà máy xay xát và chế biến gạo Hòn Đất) đại diện phần vốn góp của doanh nghiệp này tại CTCP Sản xuất và chế biến muối BIM. Nữ doanh nhân sinh năm 1955 cũng đại diện cho phần vốn góp (99,9%) của CTCP Sản xuất và chế biến muối BIM tại CTCP Muối Cà Ná Ninh Thuận (chủ dự án muối Quán Thẻ tại Ninh Thuận).
Trong lĩnh vực dịch vụ thương mại, thông qua CTCP Life Style Việt Nam, BIM Group sở hữu chuỗi phòng tập Elite Fitness, kinh doanh độc quyền thương hiệu Zpizza. Thêm nữa, CTCP Life Style Việt Nam thông qua công ty con là CTCP Thương mại Dịch vụ Thiếu Nhi Mới sở hữu mô hình sân chơi Giáo – Trí mang thương hiệu "tiNiWorld".
Sơ phác tài chính BIM Group
Thể hiện vai trò trụ cột trong ‘đế chế’ kinh doanh của ông Đoàn Quốc Việt, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp địa ốc các năm gần đây cũng rất ấn tượng, với biên lợi nhuận ở mức cao.
Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2019, biên lợi nhuận của CTCP Đầu tư Phát triển Syrena Việt Nam liên tục được cải thiện. Riêng năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu và lợi nhuận thuần lần lượt đạt 531,5 tỉ và 242 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận đạt 45,5%.
CTCP Bất động sản BIM (BIM Land) ghi nhận kết quả kinh doanh nhiều biến động hơn. Năm 2018, doanh nghiệp này bất ngờ báo lãi 1.099,7 tỉ đồng, trong khi năm 2017 báo lỗ 0,2 tỉ đồng. Bước sang năm 2019, BIM Land báo lãi đạt 699 tỉ đồng, giảm 36,4% so với năm trước.
BIM Hạ Long cũng ghi nhận những kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2019 với doanh thu và lợi nhuận thuần lần lượt đạt mức 1.722,1 tỉ đồng và 754,3 tỉ đồng.
Công ty này được thành lập từ tháng 9/1994, ghi dấu trong quá trình phát triển của BIM Group khi nắm giữ lượng lớn cổ phần ở nhiều thành viên khác trong hệ sinh thái.
Đối với lĩnh vực năng lượng, như đã đề cập ở đầu bài viết, cụm dự án điện mặt trời 330MW sau khi đi vào hoạt động đang đem lại doanh thu và lợi nhuận tích cực cho BIM Group.
Tháng 7/2018, Công ty TNHH Tập đoàn BIM được thành lập bởi vợ chồng doanh nhân Đoàn Quốc Việt – Khổng Thị Hiền, đánh dấu quá trình tái cơ cấu của tập đoàn.
Công ty TNHH Tập đoàn BIM nhiều khả năng đóng vai trò quản lý các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo và thuỷ sản. Pháp nhân này hiện nắm 23,667% vốn CTCP Điện gió BIM; 68,452% vốn của CTCP Tập đoàn Năng lượng BIM (BIM Energy Holding) và 99,954% vốn CTCP Thuỷ sản BIM (BIM Seafood).
Ngay trong năm đầu thành lập, Công ty TNHH Tập đoàn BIM (công ty mẹ) đã báo lãi 1.141,9 tỉ đồng, quy mô tổng tài sản đến cuối năm 2018 đạt mức 6.342,2 tỉ đồng. Bước sang năm 2019, lợi nhuận thuần của công ty đạt 785 tỉ đồng, giảm 31,2% so với năm trước.
Trên bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Công ty TNHH Tập đoàn BIM lần lượt đạt 7.342,6 tỉ đồng và 5.129 tỉ đồng.
Trong khi đó, CTCP Thực phẩm BIM lại có kết quả kinh doanh kém sắc so với các thành viên khác. Liên tiếp trong các năm 2018 và 2019, công ty này báo lỗ lần lượt 32,1 tỉ đồng và 339,5 tỉ đồng.
Hàng không cũng là một trong những nốt trầm hiếm hoi trong ‘đế chế’ kinh doanh của ông Đoàn Quốc Việt. Sau khi Air Mekong ngừng bay (tháng 3/2013), chia sẻ với truyền thông, ông Việt cho biết quyết định ngừng bay đã đến sau một đêm thức trắng, vì ‘càng bay càng thấy lỗ’. Tới nay, trang chủ của BIM Group không còn giới thiệu về lĩnh vực này./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu