Tình báo Nga cáo buộc Ukraine cất giấu vũ khí tại các nhà máy điện hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 23/1 theo giờ địa phương, Cục Tình báo đối ngoại Nga (SVR) đã ra tuyên bố cáo buộc Ukraine tàng trữ vũ khí do các nước phương Tây cung cấp tại các nhà máy điện hạt nhân trên cả nước.
Nhà máy điện hạt nhân Rivne, nơi Cục Tình báo Đối ngoại Nga tố cáo buộc bị Ukraine sử dụng làm nơi cất giấu vũ khí của phương Tây (Ảnh: Guancha).
Nhà máy điện hạt nhân Rivne, nơi Cục Tình báo Đối ngoại Nga tố cáo buộc bị Ukraine sử dụng làm nơi cất giấu vũ khí của phương Tây (Ảnh: Guancha).

Tuyên bố của SVR nói, các loại vũ khí do Mỹ cung cấp như tên lửa M142 HIMARS, hệ thống phòng không và đạn pháo đã được chuyển đến Nhà máy điện hạt nhân Rivne ở tây bắc Ukraine. "Các lực lượng vũ trang Ukraine hiện đang cất giữ vũ khí và đạn dược do các nước phương Tây cung cấp tại nhà máy điện hạt nhân này"; tuyên bố nói thêm, vào tháng 12 năm ngoái đã có xe lửa chuyển một lô vũ khí đến Nhà máy điện hạt nhân Rivne.

Tuyên bố cũng nói, ý đồ của Ukraine trong động thái này là rất rõ ràng, nước này giấu vũ khí, đạn dược ở phía sau và sử dụng các lò phản ứng hạt nhân để che giấu vì cho rằng nếu tên lửa do Ukraine phóng đi khiến kho đạn và nhà máy điện hạt nhân bị nổ, thì thảm kịch này sẽ mãi mãi quy trách nhiệm cho quân đội Nga. "Xét thấy phương Tây đã ngầm đồng tình với việc Ukraine pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, nên chính quyền Kiev hoàn toàn tin tưởng vào điều này."

Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye (Ảnh: Sohu).

Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye (Ảnh: Sohu).

Reuters cũng đưa tin, ông Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga kiêm người phát ngôn Điện Kremlin ngày 23/1 khi được hỏi về thông tin này đã nói rằng những tuyên bố này cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Tuy nhiên, ông cũng cho biết hiện chưa có kế hoạch tổ chức hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi.

Theo Reuters, kể từ khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine, nhiều nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine đã trở thành tâm điểm chú ý. Quân đội Nga đã nắm quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl chỉ chưa đầy 48 giờ sau khi xung đột nổ ra và nắm quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột.

Hãng tin Anh Reuters đưa tin về tuyên bố của SCR.

Hãng tin Anh Reuters đưa tin về tuyên bố của SCR.

Nga cho rằng, Ukraine đang cố gắng chiếm lĩnh thế thượng phong của dư luận với sự hợp tác của các cơ quan truyền thông phương Tây. Vào tháng 3 năm 2022, truyền thông phương Tây dẫn lời ông Andriy Tuz, người phát ngôn của Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye của Ukraine, đưa tin Nga đã nã pháo vào nhà máy điện hạt nhân này.

Vào thời điểm đó ông Andriy Tuz tuyên bố, quân đội Nga đã pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye và các quả đạn đã rơi vào bên trong khu vực nhà máy của nhà máy điện hạt nhân này. Tin này đã được các các cơ quan truyền thông phương Tây bao gồm BBC của Anh, APVOA của Mỹ trích dẫn.

Tuyên bố của Cục Tình báo Đối ngoại Nga SVR.

Tuyên bố của Cục Tình báo Đối ngoại Nga SVR.

Nhưng vào tháng 6/2012, Andriy Tuz đã đăng một đoạn video nói rằng thông tin mà ông đưa ra trước đó về việc quân đội Nga bắn phá Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye là sai sự thật. Ông nói: "Đó là nói theo ý của BBC, ông Igor Murashov, Tổng giám đốc Nhà máy điện hạt nhân, đã ra lệnh cho tôi nói như vậy."

Kiev và Moscow đã cáo buộc lẫn nhau xung quanh vấn đề nhà máy điện hạt nhân kéo dài cho đến cuối năm. Vào ngày 23/11/2022, ông Rafael Grossi, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, tuyên bố rằng “rất khó xác định ai đang pháo kích nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye”. Ngày hôm sau, ông Mikhail Ulyanov, Đại diện thường trực của Nga tại các Tổ chức Quốc tế ở Vienna, tuyên bố rằng “các nhân viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vào đóng tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye biết rất rõ bên nào phải chịu trách nhiệm về vụ pháo kích, nhưng Tổng giám đốc Grossi quyền hạn hạn chế nên không thể lên tiếng nói thẳng nói thật”.

Đạn pháo rơi gần tổ máy số 2 của Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye (Ảnh: Zhihu).

Đạn pháo rơi gần tổ máy số 2 của Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye

(Ảnh: Zhihu).

Ngày 25/12/2022, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitri Medvedev đã đăng một bài báo trên tờ Rossiyskaya Gazeta, nêu rõ Nga sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn Thế chiến III bùng nổ và thảm họa hạt nhân xảy ra. Ông viết trong bài báo: "Liệu có phải phương Tây sẵn sàng sử dụng bàn tay của Kiev để phát động một cuộc chiến tranh tổng lực chống lại chúng tôi, bao gồm cả chiến tranh hạt nhân? Các chính trị gia phương Tây đã chuyển hướng sự chú ý của họ và không muốn đưa ra câu trả lời chân thành. Tuy nhiên, nếu hỏi các cư dân gần Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye ở Enerhodar sẽ biết rằng nhà máy này đã bị tấn công và các mảnh vỡ đã suýt trúng vào các đại diện của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Các vụ pháo kích vẫn tiếp tục cho đến ngày nay."

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, cuộc khủng hoảng thậm chí còn có dấu hiệu leo ​​thang. Vào ngày 30/12, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế thông báo rằng do bị pháo kích vào đêm hôm trước, đường dây cung cấp điện dự phòng của Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye đã bị hư hại và nhà máy phải khẩn cấp ngừng hoạt động.

Mặc dù cáo buộc của phía Nga lần này không phải về Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, vốn là tâm điểm trong hơn 6 tháng qua, nhưng nếu quả thực Ukraine có vũ khí tại Nhà máy điện hạt nhân Rivne thì sẽ khiến nguy cơ xảy ra khủng hoảng hạt nhân tăng lên rất nhiều.