Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye lại bị pháo kích, quốc tế lo ngại về nguy cơ thảm họa hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau vụ việc ngày 7/8, nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye ở Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga hôm 11/8 tiếp tục bị pháo kích. Nga và Ukraine lại cáo buộc nhau, dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân.
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi đề nghị cho phép các nhân viên thanh sát hạt nhân đến Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye để kiểm tra (Ảnh: IAEA).
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi đề nghị cho phép các nhân viên thanh sát hạt nhân đến Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye để kiểm tra (Ảnh: IAEA).

Theo hãng tin Anh Reuters, ngày 11/8, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Nga và Ukraine chấm dứt các hoạt động quân sự xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye và thiết lập khu phi quân sự xung quanh nhà máy để đảm bảo an toàn cho khu vực. .

Vào tối cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong một bài phát biểu video rằng “chỉ có rút hoàn toàn quân đội Nga khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye và khôi phục quyền kiểm soát của Ukraine tại khu vực này mới có thể đảm bảo khôi phục an ninh hạt nhân trên toàn châu Âu.”

Tuy nhiên, nhiều bên bao gồm Mỹ, Nga, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Liên Hợp Quốc đều bày tỏ cần sắp xếp đưa các nhân viên của IAEA đến nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye để thanh sát.

Mảnh vỡ của tên lửa Nga cho là của Quân đội Ukraine bắn vào bên trong Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye hôm 7/8 (Ảnh: QQ).

Mảnh vỡ của tên lửa Nga cho là của Quân đội Ukraine bắn vào bên trong Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye hôm 7/8 (Ảnh: QQ).

Theo tin của Reuters và Đài Al Jazeera, các cuộc tấn công vào nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu trong những ngày qua đã khiến thế giới bên ngoài lo ngại về sự xuất hiện một thảm họa hạt nhân mới.

Vào ngày 11/8, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres đã công khai thúc giục Nga và Ukraine rút các nhân viên quân sự và thiết bị khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, đồng thời kêu gọi hai bên không nên coi nơi này và khu vực xung quanh là mục tiêu quân sự.

Ông Guterres nói: “Cơ sở này không nên được coi là một phần của bất kỳ hoạt động quân sự nào. Trái lại, hai bên (Nga và Ukraine) cần đạt được thỏa thuận khẩn cấp về hoạch định ranh giới một khu phi quân sự an toàn để đảm bảo an toàn cho khu vực này."

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres đề nghị thiết lập khu phi quân sự xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye (Ảnh: Sputnik).

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres đề nghị thiết lập khu phi quân sự xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye (Ảnh: Sputnik).

Ông Bonnie Jenkins, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế, nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng Hoa Kỳ ủng hộ lời kêu gọi thiết lập một khu phi quân sự xung quanh nhà máy và IAEA nên đến Zaporozhye để kiểm tra càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Zelensky đã tuyên bố trong một bài phát biểu video được phát hành vào đêm cùng ngày 11/8 rằng “Nga đang sử dụng nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye để đe dọa toàn thế giới" và "mọi người trên thế giới nên phản ứng ngay lập tức và đuổi cổ những kẻ chiếm đóng khỏi lãnh thổ của Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye”.

Tổng thống Ukraine Zelensky đòi "trục xuất quân Nga" khỏi Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Ukraine Zelensky đòi "trục xuất quân Nga" khỏi Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye (Ảnh: Reuters).

Theo bản tin trước đó của RIA Novosti, hãng này cho biết kể từ tháng 3 đến nay, nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye và các khu vực lân cận nằm trong sự kiểm soát của quân đội Nga, nhưng cơ sở này vẫn do Công ty Điện lực Quốc gia Ukraine quản lý và vận hành với các chuyên gia Ukraine làm việc tại đây.

Ông Zelensky cũng tuyên bố rằng việc giải quyết vấn đề của nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye không chỉ là nhu cầu của Ukraine, mà còn là "lợi ích toàn cầu", chỉ có thể đạt được bằng cách rút hoàn toàn quân đội Nga khỏi nhà máy và khôi phục quyền kiểm soát của Ukraine đối với khu vực này; chỉ có như thế mới đảm bảo được khôi phục an ninh hạt nhân trên toàn châu Âu.

Cũng trong ngày 11/8, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng ông sẵn sàng dẫn đầu một phái đoàn của IAEA tới nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye và kêu gọi Nga và Ukraine hợp tác để các thanh sát viên có thể đến đó sớm nhất có thể.

Quân đội Nga canh gác Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye (Ảnh: Reuters).

Quân đội Nga canh gác Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye (Ảnh: Reuters).

"IAEA đã chuẩn bị cho nhiệm vụ này từ tháng 6, khi tất cả chúng tôi đã sẵn sàng. Thật không may, do các yếu tố chính trị và những cân nhắc khác, nhiệm vụ này đã không thể thực hiện được vào thời điểm đó". Ông Grossi nói, tất cả các hoạt động quân sự xung quanh nhà máy cần phải được chấm dứt.

Ông Vasily Nebenzya, Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc đã chỉ ra rằng chính các quan chức an ninh Liên Hợp Quốc đã tự hủy bỏ thỏa thuận về chuyến thăm đạt được giữa Nga và IAEA hồi tháng 6.

"Chúng tôi cho rằng các đại diện của IAEA có lý do để nhanh chóng đến nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye ... thậm chí có thể trước cuối tháng 8". Ông Nebenzya nói trước Hội đồng Bảo an: “Thế giới đang bị đẩy đến bờ vực của một thảm họa hạt nhân có quy mô tương đương với thảm họa Chernobyl".

Ông Dujarric, người phát ngôn Liên Hợp Quốc cho biết tổ chức quốc tế lớn nhất này cam kết làm mọi thứ có thể để cử các kỹ thuật viên của IAEA tới nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye.

Ngày 11/8 theo giờ địa phương, các quan chức địa phương ở Zaporozhye tuyên bố rằng các lực lượng vũ trang Ukraine tiếp tục nã pháo vào nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye và các cơ sở xung quanh. Vụ pháo kích cũng đã làm hỏng các đường dây cao áp tại trạm biến áp Kakhovskaya. Ít nhất ba quả đạn pháo được ghi nhận rơi gần cơ sở lưu trữ các thanh nhiên liệu, các nhân viên tại chỗ đã được di chuyển đến nơi an toàn. Hiện tại, không có rò rỉ nào được phát hiện tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, và cường độ bức xạ vẫn ở mức bình thường.

Nhân viên người Ukraine hiện vẫn vận hành Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye hoạt động bình thường (Ảnh: QQ).

Nhân viên người Ukraine hiện vẫn vận hành Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye hoạt động bình thường (Ảnh: QQ).

Ngày 11/8/2022 giờ địa phương, theo yêu cầu của phái đoàn Nga, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức cuộc họp tạm thời về tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye ở Ukraine.

Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi đã tham dự cuộc họp từ xa và có bài phát biểu. Ông Grossi cho biết IAEA đang đánh giá tình trạng của các cơ sở hạt nhân của Ukraine, và tình hình xuống cấp nhanh chóng tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye là đáng báo động. Ông nhắc lại rằng ngay cả mức độ thấp nhất của hành động quân sự cũng sẽ làm suy yếu an ninh hạt nhân và các hành động chống lại các cơ sở hạt nhân phải chấm dứt ngay lập tức, các hành động này sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng. Ông kêu gọi cả Nga và Ukraine hợp tác với IAEA và cố gắng cho phép một nhóm chuyên gia vào nhà máy điện hạt nhân để tiến hành đánh giá tại chỗ cơ sở này.