Tình báo Mỹ “Gia Cát Dự” Trung Quốc sẽ hỗn loạn chính trị và kinh tế

Công ty tình báo tư nhân Dự báo Chiến lược Stratfor dự báo trong 10 năm sắp tới, Trung Quốc sẽ rơi vào hỗn loạn chính trị và sụt giảm trầm trọng về kinh tế, những nguyên nhân cơ bản dẫn đến rối loạn nội bộ đất nước và nguy cơ chiến tranh.
Tình báo Mỹ “Gia Cát Dự” Trung Quốc sẽ hỗn loạn chính trị và kinh tế

Trung Quốc đối mặt với hàng loạt bất ổn lớn

Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với một thập kỷ đầy khó khăn, kinh tế sẽ bắt đầu tăng trưởng chậm lại, khó khăn trong thương mại quốc tế sẽ dẫn đến sự bất mãn lan rộng chống lại nhà nước và đảng cầm quyền. Nhưng đảng sẽ không tự do hóa, lựa chọn duy nhất của chính quyền và đảng nhằm kiểm soát sự hỗn loạn trong khi vẫn nắm quyền lực vẫn là trấn áp mọi phần tử có xu hướng chống lại cơ cấu tổ chức nhà nước Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng phải đối mặt với một vấn đề khác, lớn hơn vấn đề tăng trưởng. Sự phát triển kinh tế theo địa lý bị phân phối không đều. Các thành phố ven biển phát triển rất mạnh, nhưng những khu vực ở sâu trong nội địa, các thành phố do không có điều kiện tiếp cận thị trường quốc tế sẽ sụt giảm thu nhập, trở nên nghèo hơn và có xu hướng đi xuống. Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn nếu tiếp tục đô thị hóa, một tiến trình tự nhiên không thể ngăn cản.

Kỳ vọng về các vùng sâu trong nội địa — ngoài những khu vực được đô thị hóa bên bờ sông Dương Tử — sẽ phát triển nhanh chóng như các vùng ven biển đã hoàn toàn tiêu tan do không có được điều kiện sản xuất và thương mại. Sự chênh lệch về phát triển đô thị giữa các vùng ven biển và nội địa trở nên sâu sắc và có sự chia tách ngày càng rõ nét và đáng ngại hơn.

Sự chia tách khu vực sẽ trở thành động lực cho sự hỗn loạn chính trị trong suốt chiều dài lịch sử của Trung Quốc. Điều này có thể khó xảy ra nhưng “kết quả vẫn có thể tưởng tượng được khi vì lợi ích chính trị, các khu vực dọc theo bờ biển sẽ chống lại các chính sách của Bắc Kinh nhằm chuyển giao tài sản vào sâu trong nội địa, điều đó gây nên sự bất ổn chính trị".

Sẽ có sự chênh lệch về đời sống sinh hoạt giữa các vùng ven biển và các vùng nội địa tạo nên làn sóng di cư tự do ra phía biển đồng thời gây ra mầm mống sự phản kháng từ trong nội địa. Nhưng chính sách phát triển kinh tế sẽ bất cập nghiêm trọng về năng lực, điều kiện tài chính đảm bảo, dân số và những vấn đề xã hội khác. Sự khác biệt chia rẽ các vùng có thể hình thành các quan điểm cục bộ địa phương, dấu hiệu ban đầu của bất ổn chính trị.

Biển Đông tập trung sự chú ý của toàn thế giới

Các cường quốc khu vực sẽ quyết định rằng những tranh chấp trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam không có đủ giá trị để trở thành một cuộc leo thang đối đầu quân sự, nhưng những mâu thuẫn là dấu hiệu cho những động thái sức mạnh đầy nguy hiểm.

"Đối đầu quân sự quanh những hòn đảo đang tranh chấp, không có giá trị cao và không có lợi nhuận không phải là vấn đề chủ chốt trong khu vực.

Thay vào đó sẽ là trò chơi truyền thống ba bên của các siêu cường. Nước Nga đang suy giảm lực lượng hải quân của họ, sẽ mất đi quyền kiểm soát những lợi ích hàng hải của chính mình. Trung Quốc và Nhật Bản sẽ đặc biệt quan tâm và nỗ lực kiểm soát những lợi ích hàng hải này và tiếp tục phòng ngự lẫn nhau, ngăn ngừa nguy cơ “xung đột vũ trang không chủ ý”.

Nguồn động lực nguy hiểm nhất đang xuất hiện trở lại trong khu vực Đông Nam Á, nhưng sẽ rất khó để động lực này dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang ở Biển Đông hay Biển Hoa Đông.

16 nước cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, năng lực sản xuất cũng sẽ suy giảm rõ rệt. Đó thực sự là tin tốt lành cho một số quốc gia. Những công việc sản xuất sơ cấp ban đầu mà Trung Quốc sử dụng để phát triển nhanh chóng sẽ chuyển đến 16 nền kinh tế mới nổi với tổng dân số là 1,15 tỷ người.

Như vậy tăng trưởng Trung Quốc sẽ chững lại, dẫn đến những hậu quả chính trị và kinh tế không lường trước được. Các nước có nền kinh tế đang phát triển như Mexico, Nicaragua, Cộng hòa Dominican, Peru, Ethiopia, Uganda, Kenya, Tanzania, Bangladesh, Myanmar, Sri Lanka, Lào, Việt Nam, Campuchia, Philippines, và Indonesia có thể tiếp nhận từ nước ngoài các công việc sản xuất các sản phẩm ban đầu, coi đây là cơ hội cải thiện năng lực sản xuất và nền công nghiệp phụ trợ của mình.

Như vậy, 16 nền kinh tế mới nổi sẽ từng bước chiếm lấy những lĩnh vực sản xuất mà Trung Quốc đang thống trị hiện nay như công xưởng của thế giới. Điều này sẽ dẫn đến sự dư thừa sức lao động trong quốc gia có gần 1,4 tỷ người.

Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự phân tầng sâu sắc các lớp người lao động khác nhau, điều này sẽ dẫn đến sự phân chia quyền lực vùng miền và có thể làm suy yếu khả năng quản lý từ cấp trung ương. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến rối loạn nội bộ đất nước và nguy cơ chiến tranh.

Trịnh Thái Bằng, theo: QPAN