Tiền tư nhân rầm rộ chảy ra nước ngoài

Không còn bó hẹp ở khu vực các doanh nghiệp nhà nước, danh sách cá nhân, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần đầu tư ra nước ngoài ngày càng tăng nhằm tận dùng nguồn nguyên liệu, lợi thế thị trường của các nước.
Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức đang tiến mạnh ra nước ngoài
Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức đang tiến mạnh ra nước ngoài

Tuy nhiên đầu tư ra nước ngoài vẫn mang đậm tính tự phát từ phía các nhà đầu tư.

Doanh nghiệp tư nhân ngoại tiến

Những ngày giáp Tết cổ truyền rồi, Vissan đã lần lượt tung ra thị trường trong nước loại thịt bò tơ Úc - sản phẩm nằm trong lứa bò thịt đầu tiên hợp tác giữa Vissan và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Theo ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch tập đoàn HAGL, sản phẩm mới này là bò Úc có độ tuổi từ 18 tháng trở lên, có trọng lượng 200 – 250 kg/con, được lựa chọn, nhập về Việt Nam, sau đó tiếp tục nuôi, vỗ béo lên 500 – 550 kg tại các trang trại của Hoàng Anh Gia Lai tại  Lào, Campuchia và Việt Nam.

Theo kế hoạch, trong năm nay HAGL dự kiến phát triển đàn bò thịt lên 100.000 con bò và tiến tới trong năm 2016 số lượng này sẽ là 200.000 con phục vụ cho thị trường trong nước đang phải nhập khẩu nhiều hiện nay.

Đây là thành quả ban đầu của dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt và xây dựng nhà máy chế biến giữa HAGL, Nutifood và Vissan được ký kết hợp tác đầu tư vào giữa năm ngoái. Dự án hợp tác này có mức vốn đầu tư khoảng 11.000 - 12.000 tỉ đồng, trong đó riêng dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt do HAGL làm chủ đầu tư có số vốn khoảng 6.300 tỉ đồng, khi hoàn thành vào năm 2015, sẽ có tổng đàn bò thịt và bò sữa là 236.000 con (120.000 con bò sữa và 116.000 con bò thịt).

Trong khi đó, Nova Group, một công ty chuyên xây dựng các dự án bất động sản lớn tại TPHCM, đang hợp tác với tập đoàn Kerry (Ireland) để phát triển dự án tại Ireland nhằm cung cấp sản phẩm sữa bột công thức dinh dưỡng cho trẻ em trong nước.

Theo ông Nguyễn Hiếu Liêm, Phó chủ tịch Nova Group, Nova sẽ đầu tư trên 50 triệu đô la Mỹ, bao gồm hợp tác xây dựng chuỗi quản lý trang trại bò hiện đại tại Ireland, nơi có lợi thế cạnh tranh về chất lượng sữa nhờ điều kiện tự nhiên về thổ nhưỡng và khí hậu tốt, và xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm.

Ngoài ra, Nova cùng Kerry tập trung đầu tư xây dựng quy trình và hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm: từ khâu nguyên liệu, sản xuất đến thành phẩm cuối cùng tại Ireland rồi mang về tiêu thụ ở thị trường trong nước. Theo ông Liêm, việc sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ cùng nhà máy sản xuất hiện đại của đối tác nước ngoài sẽ đảm bảo sản phẩm làm ra đạt chất lượng dinh dưỡng cao hơn so với đưa nguyên liệu về Việt Nam sản xuất.

Còn đối với nhà phân phối xe sang Audi trong nước, nhìn thấy thị trường Campuchia chưa có nhà phân phối chính thức vào đầu năm ngoái Audi Việt Nam thành lập cơ sở kinh doanh tại nước này và vào tháng 9 rồi Audi Việt Nam đã chính thức khai trương chi nhánh đầu tiên của hãng ở thị trường Campuchia.

Với tổng đầu tư lên trên 2 triệu đô la Mỹ, showroom Audi ở thủ đô Phnom Penh có diện tích hơn 2.200 m2 bao gồm đầy đủ các chức năng trưng bày và bán xe, xưởng dịch vụ và kho phụ tùng phục vụ khách sang nước này.

HAGL, Nova Group hay Audi Việt Nam chỉ là ba trong số hàng trăm doanh nghiệp tư nhân, cá nhân đã và đang tăng cường đầu tư ra nước ngoài tìm hướng đầu tư làm ăn, hoặc tận dùng lợi thế nước bạn để khai thác tài nguyên, nguyên liệu, thổ dưỡng, khí hậu… sản xuất kinh doanh.

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong năm qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận 153 hồ sơ dự án đầu tư ra nước ngoài và đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 109 dự án đầu tư sang 28 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký của phía Việt Nam góp là trên 1,047 tỉ đô la Mỹ và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 22 dự án với tổng vốn tăng thêm đạt 739 triệu đô la Mỹ. Tính chung tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài (gồm cả cấp mới và tăng vốn) trong năm qua đạt trên 1,786 tỉ đô la Mỹ. Theo FIA, so với kết quả năm trước, số lượng dự án trong năm qua tăng 10%.

Điểm đáng chú ý theo FIA là bên cạnh dòng vốn đầu tư của Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, đầu tư của khối tư nhân, đặc biệt là của cá nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp FDI ngày càng tăng. Cụ thể trong năm 2014, chỉ có 11,5% dự án đầu tư ra nước ngoài là vốn của doanh nghiệp nhà nước, số còn lại là của doanh nghiệp tư nhân gồm 12,5% là của nhà đầu tư cá nhân, 76% dự án của các công ty tư nhân.

Sẽ tiếp tục tăng

Theo các doanh nghiệp, đầu tư ra nước ngoài ngoài việc mở rộng thị trường, tăng doanh thu, lợi nhuận họ còn có điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh, khai thác tài nguyên và các nguồn lực khác tại nước ngoài khi mà các điều kiện trong nước ngày càng trở nên hạn chế. Do đó, xu hướng tiếp tục mở rộng kinh doanh ở thị trường nước ngoài trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam sẽ không dừng lại mà sẽ tiếp tục tăng cao.

Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương cũng là doanh nghiệp đã có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài trong thời gian qua. Lãnh đạo công ty này cho biết đã đạt được thỏa thuận với đối tác Nga về việc xây dựng nhà máy chế biến thủy sản và kho lạnh tại Moscow với mức đầu tư khoảng 30 triệu đô la Mỹ. Nếu thuận buồm xuôi gió thì trong năm nay, công ty sẽ bắt đầu triển khai dự án. Đây được xem là khoản đầu tư đầu tiên của Hùng Vương ra nước ngoài dù trước đó công ty cũng đã tiết lộ về kế hoạch đầu tư ở Indonesia thông qua việc hợp tác với đối tác Singapore.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) sẽ tiếp tục mở rộng quy mô bằng đẩy nhanh các dự án đầu tư ra nước ngoài. Đầu tư ra nước ngoài với các dòng sản phẩm chiến lược, gia tăng năng lực cung ứng, đa dạng hóa sản phẩm là nhiệm vụ được Vinamilk đưa vào trọng tâm lớn trong năm 2015 và những năm kế tiếp. Do đó ngoài các dự án đã đầu tư ở các nước như Ba Lan, New Zealand,… Vinamilk đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhà máy 23 triệu đô la Mỹ tại Campuchia mà Vinamilk nắm giữ 51% vốn (Công ty Angkor Dairy Product của Campuchia đóng góp 49%). Nhà máy tại Campuchia có công suất 19 triệu lít sữa nước, 64 triệu hộp sữa chua và 80 triệu túi sữa đặc có đường, sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.

Hoa Sen Group (HSG) thì cũng định hướng đầu tư ra nước ngoài như một hướng phát triển mới trong đó công ty đang ngắm hướng đến đầu tư ở g quốc gia như Myanmar, Indonesia và Thái Lan.

Khẳng định tầm vóc, nhưng...

Tính lũy kế đến hết năm 2014, Việt Nam có 930 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư Việt Nam là 19,78 tỉ đô la Mỹ. Và kế hoạch mở thị trường mới vẫn đang tiếp tục, khi nhiều nhà đầu tư Việt, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đang nỗ lực đi tìm những vùng đất mới, nối dài cánh tay ở thị trường ngoại.

Danh sách càng dài, vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam càng lớn. Giới phân tích cho rằng, việc các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài đã góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Theo các chuyên gia, điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã trở nên “mạnh hơn”. Từ một quốc gia chỉ biết nhận đầu tư, thậm chí là nhận đầu tư bằng mọi giá trước đây, giờ đây doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước vươn ra thị trường quốc tế.

Tuy vậy, thực tế cho thấy, dù đầu tư ra nước ngoài đã bắt đầu thu trái ngọt khi một số doanh nghiệp những năm qua đã chuyển lợi nhuận về nước, song hiệu quả của nhiều dự án còn chưa được khẳng định, thậm chí có doanh nghiệp phải trắng tay về nước.

Theo các doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài tiềm ẩn những yếu tố rủi ro, không chỉ liên quan tới vốn hay nhu cầu, giá cả trên thị trường.

Một số khó khăn có thể có ảnh hưởng sống còn đối với một dự án đầu tư được cac doanh nghiệp chỉ ra là giá thuê đất bị đẩy lên, sự khác biệt về chính sách quản lý và thủ tục đầu tư, khác biệt văn hóa, luật pháp, rào cản ngôn ngữ, trình độ nguồn nhân lực...

Ngoài ra, còn có những hạn chế và bất cập trong quản lý nhà nước. Một số doanh nghiệp cho rằng sự tham gia của các cơ quan đại diện nhà nước ở nước ngoài như đại sứ quán, tổng lãnh sự quán hay cơ quan thương vụ chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt trong việc hỗ trợ xúc tiến đầu tư dự án. Có thể nói đây là nguyên nhân căn bản khiến các nhà đầu tư thấy mình lâm vào tình cảnh lạc lõng, đơn lẻ khi phải giải quyết những khó khăn trong quá trình triển khai dự án nơi xứ người.

Còn theo FIA, việc đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế như một số dự án đầu tư vốn tư nhân không triển khai được hoặc chấm dứt trước hạn, một số dự án sử dụng vốn nhà nước chậm tiến độ do những biến động của môi trường đầu tư, thời điểm đầu tư, do kinh doanh thua lỗ, không hiệu quả. Ngoài ra một số dự án phát sinh các khó khăn nội tại trong việc huy động vốn đầu tư, thu xếp các nguồn lực để thực hiện dự án đầu tư...

Theo TBKTSG