Làn sóng đầu tư vào điện mặt trời trong thời gian gần đây liên tục thu hút thêm sự tham gia của các “tay chơi” tư nhân mới, cùng sự hỗ trợ đắc lực của dòng vốn ngân hàng.
Tuy nhiên, bên cạnh các dự án được phát triển một cách bài bản bởi các nhà đầu tư uy tín trong nước, thì có không ít trường hợp, sau khi xin được giấy phép, chủ đầu tư nội địa sớm chuyển nhượng cho các đối tác nước ngoài.
Một trong những ví dụ mà VietTimes từng đề cập là việc tập đoàn Super Energy Corporation (Thái Lan) ngỏ ý muốn mua cụm dự án điện mặt trời Lộc Ninh của Tập đoàn Hưng Hải, hay mới đây là thương vụ M&A của Eastern Power Group (Thái Lan) tại cụm dự án nhà máy điện gió Hướng Linh 3 và Hướng Linh 4 (Quảng Trị) từ Tập đoàn Tân Hoàn Cầu của vị doanh nhân Mai Văn Huế (SN 1975).
Theo đó, hai dự án kể trên được cấp phép đầu tư trong năm 2019, với tổng vốn đầu tư lần lượt là 1.530 tỷ đồng và 1.119 tỷ đồng. Các doanh nghiệp dự án là CTCP Điện gió Hướng Linh 3 (Hướng Linh 3) và CTCP Điện gió Hướng Linh 4 (Hướng Linh 4).
Với quy mô lớn, tổng vốn đầu tư gần 2.650 tỷ đồng, 2 dự án nhà máy điện gió tại này được kỳ vọng sẽ đóng góp nguồn thu cho ngân sách địa phương, giải quyết nhu cầu lao động cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Kỳ vọng này càng có cơ sở khi cả 2 doanh nghiệp dự án đều là những thành viên của Tập đoàn Tân Hoàn Cầu.
Cụ thể, Hướng Linh 3 được thành lập vào tháng 12/2017 với vốn điều lệ ban đầu 679 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất là CTCP Thủy điện Trường Sơn Bình Phước (Trường Sơn Bình Phước) với tỷ lệ sở hữu 96% vốn. Phần còn lại được chia đều cho 2 cổ đông cá nhân là bà Trần Thị Hải Châu và ông Nguyễn Trung Thành, mỗi người nắm giữ 2% vốn.
Hướng Linh 4 được thành lập vào tháng 12/2017 với vốn điều lệ ban đầu 512 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn là CTCP Đầu tư Thanh Hoa (Thanh Hoa) cũng sở hữu 96% vốn. Phần còn lại được chia đều cho 2 cổ đông cá nhân là bà Lê Thị Dung (2%) và bà Trần Thị Hải Châu (2%).
Cập nhật đến ngày 27/5/2020, Hướng Linh 3 và Hướng Linh 4 cùng giảm vốn điều lệ xuống lần lượt 162 tỷ đồng và 144 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không đổi.
Bán dự án cho doanh nghiệp Thái Lan
Ngày 19/6, HĐQT Tập đoàn Eastern Power Group của Thái Lan đã thông qua phương án mua 99,8% cổ phần của 2 dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 3 và Hướng Linh 4 với tổng giá phí 9,6 triệu USD, tương đương khoảng 220 tỷ đồng.
Theo đó, tập đoàn này sẽ mua 100% cổ phần CTCP Phát triển Năng lượng sạch Hướng Linh với mức giá 4,8 triệu USD, qua đó sở hữu 99,8% vốn Hướng Linh 3; và mua 100% cổ phần CTCP Phát triển Năng lượng tái tạo Hướng Linh cũng với giá 4,8 triệu USD, qua đó sở hữu 99,8% cổ phần Hướng Linh 4.
Quá trình mua cổ phần sẽ được chia làm 5 giai đoạn. Báo cáo tài chính của Eastern Power Group cho thấy, tập đoàn này đã chuyển 3 triệu USD mua cổ phần theo cam kết đợt 1 vào ngày 24/6/2020.
Tại cuối kỳ tài chính Quý 2/2020, tập đoàn Thái đã hoàn tất sở hữu 31,25% trong CTCP Phát triển Năng lượng sạch Hướng Linh và CTCP Phát triển Năng lượng tái tạo Hướng Linh, qua đó gián tiếp nắm giữ 31,19% tại 2 doanh nghiệp dự án Hướng Linh 3 và Hướng Linh 4.
Lưu ý rằng, đây chỉ là thông tin từ phía Eastern Power Group, chưa được xác nhận bởi Tân Hoàn Cầu Group. Đồng thời, thương vụ bán dự án nếu đang diễn ra, cũng chưa rõ đã được chấp thuận bởi cơ quan chức năng trong nước hay chưa.
Theo dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tới thời điểm hiện tại chưa có sự thay đổi về cơ cấu cổ đông cũng như báo cáo tỷ lệ sở hữu nước ngoài của cả 4 pháp nhân CTCP Phát triển Năng lượng sạch Hướng Linh, CTCP Phát triển Năng lượng tái tạo Hướng Linh, Hướng Linh 3 và Hướng Linh 4.
Về phần mình, đây là thương vụ M&A thứ hai của Eastern Power Group chỉ trong ít tháng tại Việt Nam. Ngày 7/8 vừa qua, tập đoàn này cũng thông qua chủ trương chi hơn 16,6 triệu USD để sở hữu cổ phần chi phối tại 2 doanh nghiệp dự án điện gió ở Gia Lai từ nhóm nhà đầu tư của “đại gia” phố núi Nguyễn Thị Sen (SN 1956).
Năng lực của chủ đầu tư
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, kể từ khi thành lập (12/2017), cả Hướng Linh 3 và Hướng Linh 4 đều chưa phát sinh doanh thu, lợi nhuận, đồng thời tổng tài sản luôn bằng vốn chủ sở hữu. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi 2 doanh nghiệp này vẫn đang trong quá trình phát triển dự án.
Trong khi đó, 2 pháp nhân đứng ra thành lập bộ đôi dự án điện gió tại Hướng Linh, Hướng Hóa lại có kết quả kinh doanh không mấy tích cực.
Cụ thể, trong 3 năm trở lại đây, Thanh Hoa liên tục báo lỗ vài tỷ đồng mỗi năm. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản công ty đạt 199 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 85,7 tỷ đồng, giảm lần lượt 5,34% và 7,85% so với thời điểm đầu năm.
Có thể thấy, khoản lỗ thuần liên tục trong 3 năm là nguyên nhân chính khiến tài sản và vốn chủ sở hữu Thanh Hoa suy giảm. Được biết, Thanh Hoa còn là chủ đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Khe Giông, công suất 4,5 MW (bản Tà Rùng, xã Húc, Hướng Hóa, Quảng Trị).
Đối với Trường Sơn Bình Phước, chưa có dữ liệu cập nhật về doanh thu và lợi nhuận. Gần nhất, doanh nghiệp này báo lỗ vào năm 2016, với 525 triệu đồng.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Trường Sơn Bình Phước đạt 1.930,7 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 923 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 25% và 29% so với thời điểm đầu năm.
Trường Sơn Bình Phước còn là chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện Đức Thành công suất 42 MW (huyện Bù Đăng, Bình Phước và huyện Cát Tiên, Lâm Đồng).
Như VietTimes từng đề cập, đóng vai trò hạt nhân trong “hệ sinh thái” của vị doanh nhân Mai Văn Huế là CTCP Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu (Tân Hoàn Cầu). Kết quả kinh doanh của công ty này nhận được nhiều sự chú ý hơn cả.
Trong 4 năm trở lại đây, Tân Hoàn Cầu chỉ ghi nhận khoản lãi thuần duy nhất vào năm 2016 với mức lãi vỏn vẹn 25,43 triệu đồng, các năm sau đó lỗ hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Năm 2019, doanh thu thuần của Tân Hoàn Cầu đạt 234 tỷ đồng, giảm 59% so với năm trước; lỗ thuần ở mức20 tỷ đồng, trong khi năm 2018 lỗ 38 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Tân Hoàn Cầu đạt 5.588 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 2.500 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 28% và 14% so với thời điểm đầu năm.
Tân Hoàn Cầu là chủ đầu tư dự án điện gió Hướng Linh 1 (công suất 30 MW, tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng) và Hướng Linh 2 (công suất 30 MW, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng), cùng được đầu tư xây dựng tại Hướng Hóa, Quảng Trị.
Ngoài các doanh nghiệp kể trên, “hệ sinh thái” của vị doanh nhân Mai Văn Huế còn loạt pháp nhân khác có thể kể đến như CTCP Tân Hoàn Cầu Bến Tre, CTCP Đầu tư Xây dựng XCO Thăng Long, CTCP Năng lượng Quảng Trị, CTCP Thủy điện Trường Sơn, …
Trong đó, CTCP Năng lượng Quảng Trị là chủ đầu tư dự án thủy điện Hướng Phùng (xã Hướng Phùng và thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị) có tổng công suất 18 MW, tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng và Nhà máy thủy điện Khe Nghi (Hướng Hóa, Quảng Trị) với công suất 8 MW, tổng vốn đầu tư 172 tỷ đồng.
Còn CTCP Thủy điện Trường Sơn là chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện Đakrông 3 (xã Tà Long, Đakrông, Quảng Trị). Dự án này có công suất 8 MW, tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng.
Cũng như Tân Hoàn Cầu và các thành viên khác, cả CTCP Năng lượng Quảng Trị và CTCP Thủy điện Trường Sơn đều có kết quả kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm./.