Chiến lược miễn dịch cộng đồng có hiệu quả?
Thủ tướng Lofven - người có tỷ lệ ủng hộ tăng sau khi quyết định rằng Thụy Điển sẽ không áp dụng lệnh phong tỏa bất chấp số ca tử vong do COVID-19 gia tăng - nói rằng ông vẫn nghĩ "chiến lược này là đúng, và tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi điều đó"; theo cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo Aftonbladet.
Bình luận trên được đưa ra sau khi có nhiều tín hiệu cho thấy, mặc dù tỷ lệ nhiễm virus corona chủng mới ở Thụy Điển tăng cao hơn so với nhiều nước khác, trong khi "miễn dịch cộng đồng" vẫn chưa thấy đâu. Trong khi, tỷ lệ tử vong tính trên 100.000 người của Thụy Điển hiện cao hơn cả Mỹ.
Hiện Thụy Điển là nước có số người xét nghiệm dương tính với COVID-19 cao hơn bất cứ nước nào trong khu vực Bắc Âu. Và chính phủ nước này dường như còn lâu mới đạt được cái gọi là "miễn dịch cộng đồng"; theo các dữ liệu thống kê mới nhất.
"Chúng tôi biết rằng nhiều khu vực dân cư lớn đang không được bảo vệ, và họ vẫn chưa bị nhiễm" - bà Karin Tegmark Wisell, người đứng đầu bộ phận virus học thuộc Cơ quan Y tế công Thụy Điển, nói và thêm rằng điều này có nghĩa là "một bộ phận lớn người dân có khả năng bị nhiễm".
Dữ liệu mà Cơ quan Y tế công Thụy Điển công bố trong tháng 6 vừa qua chỉ ra rằng, có khoảng 10% người dân ở Stockholm - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất do dịch COVID-19 ở Thụy Điển - đã phát triển kháng thể với COVID-19. Trong 4 tuần vừa qua, 17,6% trong tổng số hơn 140.000 người đăng ký xét nghiệm kháng thể miễn phí ở thủ đô có kết quả dương tính.
Một số dữ liệu thống kê cho thấy một người bị nhiễm virus corona đã phát triển một mức độ kháng thể nhất định sau khi khỏi bệnh, mặc dù rất khó để chắc chắn; theo bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật chống COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận định.
"Chúng tôi có kỳ vọng rằng những người bị nhiễm sẽ sản sinh ra phản ứng miễn dịch ở một mức độ nào đó" - bà Kerkhove nói trong một cuộc họp báo hôm 13/7 - "Nhưng chúng tôi không biết chắc phản ứng đó kéo dài bao lâu và có đủ mạnh để bảo vệ cơ thể".
Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc ĐH King phát hiện ra rằng mức độ miễn dịch giảm mạnh chỉ trong 3 tháng sau khi một người bị nhiễm COVID-19.
"Đương nhiên, đó là điều không may" - bà Tegmark Wisell nói về kết quả nghiên cứu này - "Nó chỉ ra rằng sự bảo vệ nhờ kháng thể không tồn tại quá lâu, nhưng có nhiều phần khác của hệ miễn dịch cung cấp sự bảo vệ, ví dụ như phản ứng của tế bào T (T-cell) và miễn dịch tế bào".
Vẫn tiếp tục gây tranh cãi
Ông Tegnell, "kiến trúc sư" đằng sau chiến lược miễn dịch cộng đồng gây tranh cãi của Thụy Điển (Ảnh: AFP)
|
Khái niệm "miễn dịch cộng đồng" vốn đã gây tranh cãi, và giới chuyên gia y tế công Thụy Điển trước nay vẫn liên tiếp bác bỏ rằng đạt được miễn dịch cộng đồng là mục tiêu của chính phủ nước này.
Tuần trước, 23 học giả được xem là những tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ nhất chiến lược chống COVID-19 của Thụy Điển đã viết một bài bình luận để lên án cách tiếp cận của nước này. Họ đặt nghi vấn về việc "miễn dịch cộng đồng" chưa từng là mục tiêu của chính phủ, gọi nó là "chiến lược lén lút", khi mà chính quyền các cấp tìm cách cho một số lượng lớn người dân nhiễm virus corona chủng mới.
Những nhà phê bình này - rất nhiều trong số họ ủng hộ áp dụng lệnh phong tỏa - nói rằng Thụy Điển bây giờ cần phản cân nhắc về hàng loạt biện pháp để cứu sinh mạng người dân. Những biện pháp đó bao gồm cách ly những người nhiễm không triệu chứng, những người từng tiếp xúc với người nhiễm COVID-19, và khuyến cáo đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Câu hỏi về đeo khẩu trang đặc biệt gây tranh cãi ở Thụy Điển, trong đó chuyên gia bệnh dịch học hàng đầu Anders Tegnell đã bác bỏ tính hiệu quả của đeo khẩu trang từ giai đoạn đầu của dịch COVID-19. Gần đây nhất, ông Tegnell dường như đã nhẹ giọng hơn, nhưng vẫn không khuyến cáo người dân đeo khẩu trang.
Quá muộn để áp lệnh phong tỏa
Người dân thủ đô Stockholm không đeo khẩu trang, tập trung đông người bên một bờ sông để tránh nóng (Ảnh: EPA)
|
Giờ đây khẩu trang đã được WHO khuyến khích sử dụng, và chính quyền ở Mỹ cũng như Anh cũng đã khuyên người dân đeo khẩu trang ở những nơi khó thực hiện giãn cách xã hội.
"Sự lây lan không xuất hiện triệu chứng và khẩu trang là những cụm từ đang bị bêu xấu, và chúng ta cần phải bỏ ngay điều đó" - Bjorn Olsen, Giáo sư về bệnh truyền nhiễm, người nằm trong nhóm 23 nhà phê bình, cho hay.
Ông Olsen thêm rằng, chứng kiến ông Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ - đeo khẩu trang trước công chúng đã gửi đi "một tín hiệu rất rõ ràng, và Thụy Điển không nên tin rằng chúng ta có thông tin tốt hơn là ông ấy".
Ông Tegnell từng tranh luận rằng bằng chứng chứng minh tác dụng của đeo khẩu trang là rất ít, thêm rằng việc sử dụng chúng thậm chí còn tạo cảm giác an toàn giả, khiến người dân phớt lờ các biện pháp quan trọng hơn để chặn dịch COVID-19 như rửa tay và giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, một bản đánh giá 172 nghiên cứu mà WHO tài trợ đã đưa ra kết luận rằng, đeo khẩu trang bảo vệ người dân khỏi sự truyền nhiễm của COVID-19.
Bà Tegmark Wisell nói rằng giãn cách xã hội vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn đà lây lan của COVID-19. Nhưng bà cũng nói rằng cơ quan của bà có kế hoạch xem xét lại cách thức kiểm soát tình hình hiện nay, khi mà giãn cách xã hội không còn là một lựa chọn, và xem xem "liệu đeo khẩu trang có hiệu quả hay không".
Ông Olsen, một nhà phê bình chiến lược chống COVID-19 của Thụy Điển, thì lo ngại rằng dù cho miễn dịch cộng đồng có xuất hiện ở một mức độ nào đó, dịch COVID-19 vẫn sẽ kéo dài ở đất nước này. Mặc dù lệnh phong tỏa là điều cần phải thực hiện khi virus corona bùng phát, nhưng ông nói rằng giờ đã quá muộn để áp dụng.