Tháng 4/2016, người dân và truyền thông Việt rúng động về việc hàng loạt cá chết từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) kéo dài suốt dải miền trung, mà nguyên nhân ban đầu được phỏng đoán là do hóa chất thải ra từ khu công nghiệp Formosa. Trả lời phỏng vấn báo chí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn khẳng định: "Yên tâm ăn cá, tắm biển ở Vũng Áng”, nhưng chưa ai thấy ông thực hiện hành động này, trong khi chim trời cũng chết cạnh xác cá.
Trong cuộc họp báo đầu tiên công bố nguyên nhân cá chết, do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì đã đưa ra nguyên ban đầu có thể là do hiện tượng thủy triều đỏ, lập luận này đã bị nhiều chuyên gia phản bác ngay sau đó, khiến người dân hoang mang. Nguyên nhân thực sự của vấn đề vẫn đang được xem xét.
Trên mạng xã hội Facebook đã có nhiều bài chia sẻ về cách xử lý của cơ quan chính phủ các nước trong những thảm họa đến môi trường, một trong những tấm ảnh được đăng tải nhiều nhất, đó là hình ảnh thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe tay cầm một con cá được đánh bắt ở tỉnh Fukushima, nơi đặt tổ hợp nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản.
Đằng sau tấm ảnh là một câu chuyện dài, bắt đầu từ thảm họa động đất và sóng thần của Nhật Bản vào năm 2011, quật ngã nhà máy điện hạt nhân của tập đoàn Tokyo Electric Power Co (Tepco) đặt tại Fukushima, gây ra một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.
Ngay khi có sự cố, các biện pháp ngăn chặn rò rỉ phóng xạ và thanh lọc nguồn nước này đã được áp dụng khẩn cấp, cùng với đó là những việc làm để đem lại sự trong sạch cho các nguồn lợi nông, lâm, ngư nghiệp quanh Fukushima.
Mặc dù vậy, những lệnh cấm nhập khẩu hải sản xuất xứ Nhật Bản từ các nước vẫn kéo dài từ năm 2011. Hãng thông tấn Reuters đưa tin, ngày 6/9/2014, Hàn Quốc thậm chí đã mở rộng lệnh cấm nhập khẩu hải sản của Nhật Bản xuất xứ từ một khu vực lớn xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Theo lệnh cấm, sản xuất xứ từ 8 tỉnh của Nhật Bản bao gồm Fukushima bị chặn đứng con đường để vào Hàn Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã cấm nhập khẩu các sản phẩm từ sữa, rau và hải sản từ ít nhất là năm tỉnh của Nhật Bản, kể từ khi xảy ra thảm họa Fukushima.
Chính quyền của thủ tướng Shinzi Abe tiếp tục gặp thêm áp lực, khi Nhật Bản là nước chủ nhà sẽ đăng cai Thế vận hội Mùa hè Olympic 2020, Nhật Bản cần chứng minh được rằng, đất nước này an toàn đối với các vận động viên và du khách.
Phát ngôn viên của chính phủ Nhật Bản, ông Yoshihide Suga đã đưa ra lời trấn an, nhấn mạnh rằng hải sản được bán trên thị trường có xuất xứ Nhật Bản là an toàn, với quy trình kiểm tra tại chỗ, nguồn nước độc hại đã bị hạn chế trong một vịnh nhỏ tại Fukushima. “Thậm chí, bức xạ ở khu vực đó cũng nằm trong mức cho phép”, ông Yoshihide nói.
Trong bối cảnh cần phải giải quyết nhiều bài toán liên quan đến vấn đề môi trường, thực phẩm, ngày 2/12/2014, ông Shinzo Abe đã tới cảng cá Soma Haragama ở tỉnh Fukushima để khởi động chiến dịch vận động tranh cử chính thức cho cuộc bầu cử Hạ Viện vào 2 tuần sau đó, ông đã không ngần ngại ăn cá nướng của địa phương trước đông đảo người dân.
Hành động an dân mang đầy tính thuyết phục này đã thu hút được sự ủng hộ sâu sắc của người dân Fukushima, khi cầm con cá giơ lên và ăn tại chỗ, trên trang phục của ông có dòng chữ: “không có cách nào khác ngoài con đường khôi phục kinh tế”.
Hình ảnh ông Thủ tướng với dòng chữ và con cá, như mang tính đại diện cho sự lựa chọn, con cá, môi trường trong sạch chính là điều kiện để kinh tế Nhật hồi phục sau thảm hoạ tồi tệ đã xẩy ra.
Đây là một con cá đặc sản của vùng Fukushima. Ảnh: Twitter
Cử tri Nhật Bản cổ vũ nhiệt liệt hành động ăn cá của ông Abe. Ảnh: Twitter |
Người đứng đầu nhà nước Nhật có động thái an dân đầy thuyết phục. Ảnh: Twitter |
Năm 2007, ông Abe từng từ chức Thủ tướng của Nhật Bản, nhưng hiện nay ông đã tiếp tục được ủng hộ và nắm giữ cương vị này. Ảnh: Twitter |
Theo ICT News