Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự hội nghị triển khai kế hoạch công tác và tập huấn phương án điều tra doanh nghiệp năm 2020, vừa được tổ chức sáng nay (6/1).
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận thống kê là ngành vất vả, xác lập vai trò quan trọng đối với đất nước. “Nói có sách, mách có chứng”, phải có số liệu thống kê để hoạch định chính sách, đường lối phát triển có cơ sở khoa học, như vậy chính sách mới đi vào cuộc sống.
Về định hướng năm 2020, năm có nhiều sự kiện quan trọng đối với đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh ngành thống kê cần làm tốt 2 nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thống kê để phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành,
“Tiếng nói báo động của các đồng chí rất quan trọng trong điều hành kế hoạch hằng năm, 1 quý và cả 5 năm”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thứ hai là cung cấp đầy đủ thông tin kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng lấy ví dụ về việc thống kê số lợn chết, bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi để có quyết sách bù đắp sản lượng thịt, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và không để tăng CPI. Hay, qua thống kê tình hình công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế - để có giải pháp chỉ đạo tốt hơn, sát hơn.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin thống kê, đặc biệt công tác phân tích, dự báo.
“Chúng tôi muốn ngày càng nhiều hơn các báo cáo chuyên đề thông tin, tư liệu tình hình quốc tế, trong nước, phục vụ kịp thời, hiệu quả hơn công tác chỉ đạo”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam và các đề án lớn của ngành, nhất là Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.
Trước đó, theo báo cáo của lãnh đạo Tổng cục Thống kê, một trong những điểm nổi bật của ngành năm 2019 là hoàn thành việc đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017.
“Việc đánh giá lại quy mô GDP đã phản ánh bức tranh kinh tế của đất nước xác thực và rõ nét hơn, nâng cao vị thế kinh tế của đất nước trong khu vực và thế giới, phản ánh thay đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu tiêu dùng. Kết quả đánh giá lại GDP giúp Chính phủ có chính sách sát thực hơn, hiệu quả hơn, từ đó người dân sẽ được hưởng lợi từ chính sách đúng”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết.