Thủ tướng Campuchia Hunsen ra lệnh “tiêu hủy hoặc xếp xó mọi thứ vũ khí Mỹ”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Truyền thông Campuchia đưa tin, Thủ tướng Campuchia, Samdek Hunsen đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang nước này tổng kiểm tra, tìm để tiêu hủy và xếp xó tất cả các loại vũ khí Mỹ hiện có.
Thủ tướng Hunsen ngày 10/12 ra lệnh cho Lực lượng vũ trang Campuchia tìm, tiêu hủy và xếp xó mọi vũ khí, trang bị của Mỹ (Ảnh: Khmer Times).
Thủ tướng Hunsen ngày 10/12 ra lệnh cho Lực lượng vũ trang Campuchia tìm, tiêu hủy và xếp xó mọi vũ khí, trang bị của Mỹ (Ảnh: Khmer Times).

Theo Khmer Times, cơ quan truyền thông tiếng Anh chính thức của Campuchia và nhiều cơ quan truyền thông địa phương khác ngày 10/12, trước việc Chính phủ Mỹ thông báo đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí với Campuchia, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cùng ngày đã ra lệnh cho tất cả các lực lượng vũ trang của nước này "ném vào kho hoặc tiêu hủy trực tiếp các thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất nếu tìm thấy."

Trang web của Bộ Thương mại Mỹ ngày 8/12 đã đã đưa ra một tuyên bố: “Do Campuchia cho phép Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự ở nước này” và tồn tại “vấn đề tham nhũng” và “nhân quyền” trong nước nên Mỹ tuyên bố áp đặt các biện pháp hạn chế mới đối với việc xuất khẩu và tái xuất khẩu các mặt hàng nhạy cảm đối với Campuchia. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố thực thi cấm vận vũ khí đối với Campuchia.

Bộ Thương mại Mỹ áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với Campuchia

Bộ Thương mại Mỹ áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với Campuchia

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tuyên bố: “Mỹ vẫn hoàn toàn cam kết (duy trì) độc lập và chủ quyền của nhân dân Campuchia. Chúng tôi thúc giục Chính phủ Campuchia đạt được những tiến triển có ý nghĩa trong việc giải quyết vấn đề tham nhũng và nhân quyền; đồng thời nỗ lực giảm bớt ảnh hưởng của quân đội Trung Quốc đối với Campuchia, vì điều này đe dọa an ninh khu vực và toàn cầu."

Một số cơ quan truyền thông Mỹ phân tích, cho rằng “Campuchia đã trở thành đồng minh quan trọng nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á và những hành động này của Mỹ phản ánh nỗ lực nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.”

Khmer Times ngày 9/12 cho biết, Campuchia hiện nay không nhập khẩu bất kỳ vũ khí nào từ Mỹ, vì vậy lệnh cấm của Washington là vô nghĩa. Thủ tướng Hun Sen cùng ngày đã nói: "Tôi không quan tâm" và cho rằng Mỹ đã đe dọa Campuchia vì các lý do khác nhau.

Khmer Times đưa tin Thủ tướng Hunsen ra lệnh tìm, tiêu hủy và xếp xó các vũ khí Mỹ.

Khmer Times đưa tin Thủ tướng Hunsen ra lệnh tìm, tiêu hủy và xếp xó các vũ khí Mỹ.

Truyền thông Campuchia ngày 10/12 cũng đưa tin ông Hun Sen không những không tức giận về việc Mỹ viện cớ áp đặt các biện pháp hạn chế và cấm vận vũ khí đối với Campuchia, thay vào đó, ông Hun Sen lại muốn “cảm ơn Mỹ”. Ông tuyên bố trên mạng xã hội rằng vào năm 1994, ông quyết định không tiếp nhận vũ khí và trang thiết bị của Mỹ, cũng như không coi Mỹ là nước cung cấp chính cho hệ thống vũ khí và thiết bị của Campuchia. “Bây giờ, có thể chứng minh rằng quyết định của tôi khi đó là rất đúng đắn."

Ông Hun Sen cũng ra lệnh cho tất cả các lực lượng vũ trang của Campuchia kiểm tra các kho vũ khí và thu thập tất cả vũ khí, trang thiết bị do Mỹ sản xuất. "Nếu tìm thấy thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất, hãy ném nó vào kho hoặc trực tiếp tiêu hủy."

Ảnh Thủ tướng Hunsen gặp ông Donald Trump được ông Hunsen công bố trên mạng xã hội (Ảnh: Guancha).

Ảnh Thủ tướng Hunsen gặp ông Donald Trump được ông Hunsen công bố trên mạng xã hội (Ảnh: Guancha).

Ông nói rằng nhiều quốc gia hoặc khu vực sử dụng vũ khí và thiết bị của Mỹ đang phải đối mặt với "thảm họa". Ví dụ, trong những năm 1970, chính quyền Lon Nol đã sử dụng vũ khí, trang thiết bị của Mỹ, nhập khẩu một số lượng lớn vũ khí từ Mỹ, dẫn đến việc Campuchia đến nay vẫn còn mắc một “món nợ đen”. Hun Sen nói, ngày nay một số quốc gia hoặc khu vực vẫn sử dụng vũ khí và thiết bị của Mỹ, và Afghanistan đã bị đánh bại vì điều này.

Ông Hun Sen nhấn mạnh, “Tôi tin tưởng hơn vào lòng dũng cảm và tinh thần chiến đấu của các binh sĩ của chúng ta để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ chứ không chỉ là vũ khí.”

Ngoài ra, ông Hun Sen cũng một lần nữa cảm ơn chính phủ Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Campuchia.

Sau khi bày tỏ quan điểm của mình trên mạng xã hội, ông Hun Sen cũng cho đăng thêm hai bức ảnh chụp ông và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Về những hạn chế mới mà Mỹ áp đặt và thực hiện lệnh cấm vận vũ khí đối với Campuchia, ông Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 9/12 tuyên bố: “Trong thời gian gần đây, Mỹ đã liên tục cường điệu và bôi nhọ các hoạt động trao đổi và hợp tác bình thường giữa Trung Quốc và Campuchia; đe dọa, gây sức ép và trừng phạt Campuchia. Đây là một hành động điển hình của chủ nghĩa bá quyền và bắt nạt, đi ngược lại các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế, Trung Quốc kiên quyết phản đối.”

Pháo phản lực 40 nòng Trung Quốc viện trợ cho Campuchia (Ảnh: Phnompenh Post).

Pháo phản lực 40 nòng Trung Quốc viện trợ cho Campuchia (Ảnh: Phnompenh Post).

Uông Văn Bân nói rằng “Trung Quốc kiên quyết ủng hộ Campuchia trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và phẩm giá quốc gia, sẽ luôn sát cánh cùng nhân dân Campuchia”.

Bàn về việc Mỹ chỉ trích quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Campuchia, nói Campuchia cho Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự tại cảng Ream, trang Guancha (Nhà quan sát) của Trung Quốc ngày 11/12 đã đăng bài, cho rằng: “Điều trớ trêu là, sau Thế chiến II các căn cứ quân sự của Mỹ có mặt hầu như ở khắp nơi trên thế giới. Mỹ đã thiết lập hơn 5.000 căn cứ trên khắp thế giới (gần một nửa trong số đó là ở nước ngoài). Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, số lượng các căn cứ quân sự của Mỹ đã giảm bớt. Mặc dù vậy, Đài Al Jazeera hồi tháng 10 dẫn lời giáo sư khoa học chính trị David Vine của Đại học Mỹ (American University) cho biết, tính đến tháng 7/2021, Mỹ có khoảng 750 căn cứ tại ít nhất 80 quốc gia và khu vực. Do Lầu Năm Góc không công bố tất cả thông tin nên con số thực tế có thể còn nhiều hơn.”