Đây là những số liệu được nêu trong báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày trước Quốc hội chiều 23/10/2021.
72.000 là tổng số tỉ đồng phải thi hành án, 34.000 là số tỉ đồng đang được tổ chức thi hành và 4.000 là số tỉ đồng đã thu hồi được. Một sự chênh lệch quá lớn.
Một thông tin khác cũng khiến dư luận băn khoăn. Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) cho biết: “Năm 2020, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt hơn 40% nhưng năm 2021 chỉ đạt trên 5%”.(1)
Những con số nói trên cho thấy công cuộc phòng chống tham nhũng tuy rất quyết liệt nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Chúng ta đã chỉ mặt đặt tên, lôi ra ánh sáng nhiều kẻ tham nhũng, định danh được tội trạng, mức xử phạt nhưng phần quan trọng nhất là thu hồi tài sản tham nhũng thì còn quá ít so với số tiền và tài sản mà họ chiếm đoạt, gây thất thoát, lãng phí.
Vì sao kết quả thu hồi tài sản tham nhũng lại bất cập đến như vậy? Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng ý kiến sau đây của bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp thật đáng lưu ý: "Pháp luật đang quy định là sau khi khởi tố vụ án mới áp dụng kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các bị cáo. Trong thời gian thanh tra, kiểm toán, kể cả khi có tin báo tội phạm cũng không áp dụng biện pháp ngăn chặn kê biên tài sản nên các bị cáo có thời gian để tẩu tán."(2)
Tại sao lại không áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản ngay từ đầu khi phát hiện tội phạm tham nhũng? Có lẽ đây là lỗ hổng pháp lý lớn nhất khiến việc thu hồi tài sản trở nên khó khăn, nhỏ giọt và đặc biệt không có tác dụng răn đe mặc dù lò thiêu tham nhũng vẫn cháy đùng đùng, bất kể kẻ tham nhũng là ai.
Theo dõi các vụ án kinh tế những năm gần đây thì thấy, để lôi được tội phạm tham nhũng ra ánh sáng công lý, thường phải mất rất nhiều thời gian, từ khi phát hiện, qua các bước xử lý, điều tra, khởi tố. Có vụ từ lúc phát hiện cho đến khi ra quyết định truy tố kéo dài cả năm trời, thậm chí là vài năm.
Sự chậm trễ, mặc dù không cố ý, đã tạo điều kiện cho tội phạm có dư thời gian để tẩu tán tài sản và chạy tội. Dư luận gọi đấy là “đánh động”. Cho nên, không có gì lạ khi nhiều vụ đại án, mức độ phạm tội được cho là nghiêm trọng, thậm chí là đặc biệt nghiêm trọng nhưng rốt cuộc, bản án lại nhẹ hều. Kết quả, tài sản nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát, thu hồi chẳng được bao nhiêu, còn kẻ tham nhũng tuy chỉ chịu án dăm ba năm tù nhưng vẫn trẹo mồm kêu “oan”.
Điều nghịch lý này người dân biết rất rõ nhưng luật pháp và các cơ quan chức năng dường như... bó tay. Đó là tài sản kếch xù của kẻ tham nhũng “ai cũng biết chỉ ít người không biết” như biệt thự, đất đai, xe cộ, cổ phiếu v.v. đứng tên cha mẹ, vợ con, người thân, họ hàng. Một lối thoát ngoạn mục – thoát tội hoặc giảm tội, thoát kê biên, tịch thu tài sản. Nghi vấn “họ đều là công chức mà sao vợ con, người nhà lại giàu sang đến thế” dường như không một ai, không một cơ quan có trách nhiệm nào giải đáp được. Cho nên cũng thật dễ hiểu, là hàng năm có trên 1 triệu cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản nhưng chỉ phát hiện ra vài trường hợp có vấn đề. Nghĩa là gần như trăm phần trăm cán bộ đạt chuẩn an toàn để đảm nhiệm chức vụ được phân công. Thế cho nên khi “cháy nhà ra mặt…” họ vẫn thuộc diện “nghèo”. Có ông gây tổn hại ngân sách hàng ngàn tỉ đồng từ hàng loạt dự án lớn nhưng tài sản kê biên chỉ có một căn hộ chung cư của hai vợ chồng. Chưa từng thấy một quan chức cấp cao nào dính án kinh tế hàng loạt mà lại “nghèo” đến thế.
Nếu không hoàn thiện hệ thống pháp lý để ngăn chặn hiệu quả việc tẩu tán tài sản của những bị cáo thì chống tham nhũng, tiêu cực dù có quyết liệt đến mấy cũng không khiến cho những kẻ rắp tâm nhúng chàm chùn tay, họ sẵn sàng đánh đổi liêm sỉ để gia đình vợ con, cháu chắt được sống trong nhung lụa suốt đời bằng khối tài sản, tiền bạc do tham nhũng, hối lộ mà có.
Ở thời điểm hiện tại, tham nhũng một vài tỉ đồng chỉ là trò vặt vãnh, phải hàng trăm, hàng ngàn tỉ mới thỏa chí quan tham. Và với cách thu hồi tài sản tham nhũng như hiện nay, câu “hy sinh đời bố, củng cố đời con” đang là đích “phấn đấu” của không ít kẻ nắm trong tay quyền lực, bất chấp lò thiêu tham nhũng vẫn cháy đùng đùng.
________________________________
Tham khảo: [1] https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/da-thu-hoi-duoc-tai-san-tham-nhung-tri-gia-hon-4-000-ty-dong-675192
[2] https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/vi-sao-tien-tham-nhung-khong-duoc-thu-hoi-748704.html
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu