Thông điệp liên bang của ông Donald Trump đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng về đối nội, đối ngoại gây nên sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
|
Trang tin Đa Chiều (DWNews) cho biết, trong bài Thông điệp liên bang lần thứ 2 kể từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng này, ông Trump đã nói về các vấn đề đang “nóng” như vấn đề ngân sách để xây dựng bức tường biên giới với Mexico, tình trạng chia rẽ chính trị hiện nay ở Mỹ (giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa), vấn đề dân nhập cư, việc điều tra ông về quan hệ với Nga, Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, quan hệ Mỹ - Triều Tiên và cuộc gặp gỡ cấp cao với nhà lãnh đạo Kim Jong Un... Ngồi ngay phía sau ông là Phó Tổng thống Mike Pence và Chủ tịch Hạ nghị viện Nancy Pelosi.
Một số nội dung chính trong bản Thông điệp liên bang
Lẽ ra, bài Thông điệp liên bang này đã được ông Trump phát biểu hôm 29.1, nhưng trong thời gian chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa 35 ngày vì vấn đề tài chính, bà Nancy Pelosi đã viết thư cho ông, nói do xem xét vấn đề an toàn, đề nghị ông hoãn lại đến khi chính phủ mở cửa trở lại hãy xem xét phát biểu, hoặc có thể đổi thành một văn bản gửi quốc hội. Cuối cùng, ông Trump đã quyết định lui ngày giờ phát biểu trước quốc hội tới ngày 5.2 sau khi đạt được một thỏa thuận với quốc hội về vấn đề ngân sách. Chủ đề bài phát biểu mà ông Trump chọn là “Lựa chọn vĩ đại” và mục tiêu là “đoàn kết”.
Ông Trump phát biểu trước các nghị sỹ quốc hội và 13 khách mời với Phó Tổng thống Mike Pence và Chủ tịch quốc hội Nancy Pelosi đứng phía sau.
|
Một điều gây chú ý đặc biệt là tại phòng họp nơi diễn ra, 100 nữ hạ nghị sỹ đã mặc đồng phục màu trắng tượng trưng cho “nữ quyền, độc lập và đoàn kết”, rất bắt mắt. Trong khi đó Đệ nhất phu nhân Melania Trump trong buổi phát biểu thông điệp liên bang lần trước mặc đồ trắng thì lần này lại bận đồ màu đen.
Trong bài phát biểu, ông Trump khẳng định lại cam kết sẽ xây dựng bức tường biên giới ở phía Nam. Trước đây, do ông và quốc hội không đạt được thỏa thuận với chính phủ về vấn đề ngân sách để xây dựng bức tường đã dẫn đến việc chính phủ phải đóng cửa tới 35 ngày. Nay ông tiếp tục gây sức ép để quốc hội thông qua kế hoạch xây dựng tường rào biên giới trị giá 5,7 tỷ USD.
Ông nhắc đến các gia đình có người thân bị những người nhập cư bất hợp pháp sát hại để nhấn mạnh tính cần thiết của việc xây dựng bức tường biên giới với Mexico và nói: “Trong quá khứ, hầu hết những người có mặt trong căn phòng này bỏ phiếu cho một bức tường, nhưng bức tường như vậy đã không bao giờ được xây dựng. Tôi sẽ dựng bức tường đó....Nó sẽ được triển khai tại các khu vực mà lực lượng bảo vệ biên giới cho là cần thiết nhất và các sĩ quan này sẽ cho mọi người biết rằng nơi bức tường được dựng lên sẽ là nơi số người vượt biên bất hợp pháp giảm xuống”.
Ông đốc thúc quốc hội thông qua lập pháp để đối phó với “cuộc khủng hoảng quốc gia khẩn cấp” ở biên giới phía Nam, nhắc nhở quốc hội chỉ còn 10 ngày nữa là đến hạn cuối cùng cho việc thông qua kế hoạch xây dựng tường rào biên giới trị giá 5,7 tỷ USD, vốn là bất đồng lớn giữa Nhà Trắng và quốc hội, khiến chính phủ Mỹ bị đóng cửa. Ông yêu cầu quốc hội cần phải "cấp tiền cho chính phủ để bảo vệ quốc gia và giữ gìn biên cương phía Nam". Trước đó, Nhà Trắng đã cảnh báo: nếu đến ngày 15.2 mà không đạt được hiệp nghị về việc quốc hội cấp tiền để xây dựng bức tường thì ông Trump sẽ đóng cửa chính phủ lần thứ hai.
100 nữ nghị sỹ mặc áo trắng gây thành cảnh tượng độc đáo trong phòng họp.
|
Ông Trump cũng đề cập đến việc nỗ lực đẩy nhanh việc rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria và Afghanistan: “Đã đến lúc rút các chiến binh dũng cảm của chúng ta ở Syria và chào đón họ về nhà”. Ông nhắc đến các cuộc đàm phán hòa bình ở Afghanistan nhằm kết thúc cuộc chiến dài nhất của Mỹ, ông đang đẩy nhanh việc đàm phán nhằm đạt được việc giải quyết chính trị: “Đã đến lúc nước Mỹ ít nhất cũng phải thử tìm cách đạt được một phương án giải quyết hòa bình và bây giờ chính là thời điểm đó”.
Tổng thống Donald Trump, Đệ nhất phu nhân Melania Trump và 535 thành viên của quốc hội Mỹ được phép mời khách đến dự bài phát biểu Thông điệp Liên bang. Năm nay bà Melania Trump mời cậu bé Joshua Trump, 11 tuổi, đến từ Wilmington, Delaware. Tháng 12.2018, Joshua bị bắt nạt và đánh trên xe buýt của trường và trong lớp thể dục chỉ vì cậu trùng họ với Trump.
Ngoài Joshua, ông Trump và phu nhân còn mời người thân của Gerald và Sharon David, cặp vợ chồng già được cho là bị người nhập cư trái phép sát hại hồi tháng một. Một khách mời khác là Alice Johnson, người bị phạt 21 năm tù vì buôn ma túy nhưng bà đã cho rằng mình chỉ là người đưa tin chứ không bán ma túy. Tháng 6.2018, sau khi cô người mẫu Kim Kardashian tới Nhà Trắng gặp Donald Trump, ông đã giảm án cho bà. Ngoài ra còn có Herman Zeitchik – một cựu binh trong Thế chiến II.
Trong bài phát biểu, ông Trump cũng đề cập đến vấn đề mậu dịch với Trung Quốc, cho biết đang thương lượng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để đưa ra một bản thỏa thuận mới nhằm giảm thâm hụt thương mại kinh niên giữa hai nước. Bất chấp việc áp thuế, thâm hụt thương mại Mỹ hồi tháng 10/2018 tăng lên 55,5 tỷ USD, mức kỷ lục trong vòng 10 năm. Trump cũng nhắc đến việc đánh thuế nhập khẩu lên các mặt hàng Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD. Năm ngoái, Tổng thống Trump phát động cuộc chiến tranh thương mại với nhiều quốc gia, đặc biệt nhắm đến Trung Quốc. Ông nói, Mỹ đã nói rõ với Trung Quốc: đã đến lúc chấm dứt các hành động nhắm mục tiêu tới công nghiệp Mỹ và sau khi đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, còn cướp lấy cơ hội việc làm của người Mỹ cùng của cải của nước Mỹ.
Chú bé Joshua Trump và bạn - những khách mời ít tuổi nhất được mời tham dự hội nghị
|
Ông nói: “Tôi rất tôn trọng chủ tịch Tập, chúng tôi đang cùng nỗ lực cho một hiệp nghị mậu dịch mới; nhưng nó (bản hiệp nghị) phải bao gồm việc thực sự chấm dứt hành vi mậu dịch không công bằng, cải cách kết cấu, giảm thiểu sự chênh lệch mậu dịch giữa hai bên trong thời gian dài và bảo hộ việc làm cho người Mỹ”. Tuy trong bài phát biểu ông Trump không tuyên bố về thời gian và địa điểm diễn ra cuộc gặp gỡ giữa ông với ông Tập Cận Bình, nhưng trước đó ông đã nói với MC truyền hình có kế hoạch gặp mặt ông Tập khi đi ra nước ngoài vào cuối tháng. Trang web POLITICO chuyên về tin tức chính trị của Mỹ cho biết,hiện vẫn chưa rõ cuộc gặp Donald Trump - Tập Cận Bình có diễn ra tại Việt Nam hay không, dù trước đó nhiều cơ quan truyền thông đã đưa tin hai vị nguyên thủ có thể sẽ gặp nhau ở Việt Nam. Tờ SCMP của Hongkong hôm 4.2 dẫn một nguồn thạo tin nói cuộc gặp mặt này sẽ diễn ra cuối tháng 2 tại Đà Nẵng thay vì đảo Hải Nam như phía Trung Quốc đề nghị.
Trump cũng kêu gọi quốc hội trao cho ông thêm nhiều quyền tự do áp đặt các biện pháp đánh thuế và chính sách thương mại cứng rắn hơn với Trung Quốc, cũng như thông qua hiệp định thương mại USMCA ký với Canada và Mexico.
Việt Nam được chọn làm nơi diễn ra cuộc gặp Donald Trump - Kim Jong Un
Về vấn đề quan hệ với Triều Tiên hiện đang được đặc biệt quan tâm, ông Trump nói: “Là một phần trong chính sách ngoại giao mới táo bạo, chúng ta đang tiếp tục nỗ lực có tính lịch sử cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Những công dân Mỹ từng bị Triều Tiên giữ làm con tin đã trở về nhà. Các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân đã dừng lại và không có thêm một cuộc phóng thử tên lửa nào trong hơn 15 tháng qua”. Ông khẳng định: “Nếu như tôi không được bầu làm Tổng thống Mỹ, tôi cho rằng bây giờ chúng ta đang trong cuộc chiến tranh lớn với Triều Tiên khiến hàng triệu người có thể thiệt mạng”. Ông tuyên bố: “Còn rất nhiều việc vẫn cần phải tiếp tục làm, nhưng quan hệ giữa tôi và Kim Jong Un đang rất tốt đẹp. Tôi và Chủ tịch Kim sẽ gặp nhau lần nữa vào ngày 27.2 và 28.2 ở Việt Nam”.
Việc Việt Nam được chọn làm nơi diễn ra cuộc gặp gỡ Donald Trump - Kim Jong Un lần thứ 2 trở thành tiêu điểm được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm.
|
Việc Việt Nam được chọn làm nơi diễn ra cuộc gặp gỡ Donald Trump - Kim Jong Un lần thứ 2 đã trở thành tiêu điểm được nói tới trên báo chí quốc tế. USA Today phân tích: Việt Nam có quan hệ ngoại giao với cả Triều Tiên và Mỹ. Việc lựa chọn Việt Nam làm địa điểm gặp gỡ có lợi cho cả hai nhà lãnh đạo. Đối với ông Kim Jong Un, Việt Nam là một chặng bay ngắn nhẹ nhõm; đối với ông Donald Trump, từ sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, quốc gia Xã hội chủ nghĩa này đã cải thiện mối quan hệ với Mỹ.
The Japan Times cho biết, phía Mỹ đã đưa ra đề nghị lựa chọn Việt Nam làm địa điểm cho cuộc gặp gỡ để phá vỡ tình trạng bế tắc cho cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hiện nay.
Tờ Chungyang Ilbo của Hàn Quốc trước đó đã đưa tin, ông Mark Lambert, quan chức cao cấp phụ trách vấn đề Triều Tiên của chính phủ Mỹ tháng trước đã tới Việt Nam, khi đó đã có người đưa ra phỏng đoán vì trùng hợp với chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên.
Bình luận viên Tống Bình của Đài Phượng Hoàng, Hongkong phát biểu với mạng Tin tức tham khảo của Trung Quốc: Việt Nam rất nhiệt tình với việc tổ chức cuộc gặp gỡ này, “Điều này sẽ khiến Việt Nam trở nên được quốc tế đặc biệt quan tâm. Việt Nam có những giao lưu nhất định với cả Mỹ và Triều Tiên. Việt Nam là nước có quan hệ với Triều Tiên và gần đây quan hệ với Mỹ không ngừng ấm lên, lại thêm vị trí địa lý cũng phù hợp với yêu cầu của cả hai nước Mỹ, Triều Tiên nên đã trở thành ứng cử viên có ưu thế nhất được lựa chọn làm nơi tổ chức cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2”.
Tống Bình nói, trước đây đã có báo tiết lộ, Triều Tiên rất hứng thú đối với công cuộc đổi mới mở cửa của Việt Nam sau Đại hội Đảng 6 năm 1986. Kinh nghiệm phát triển kinh tế của Việt Nam có lẽ là một trong những nguyên nhân thu hút nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn tới đây.
Tở Tin tức tham khảo của Trung Quốc cho rằng, không chỉ muốn thu hút sự chú ý của thế giới qua việc tổ chức cuộc gặp gỡ Donald Trump - Kim Jong Un, sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mấy năm qua cũng có thành tích nhất định. Ngày 27.12.2018, Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố số liệu cho thấy, năm 2018 tăng trưởng GDP của Việt Nam cao tới 7,08% - mức cao nhất kể từ năm 2008. Không chỉ như thế, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc còn nêu khẩu hiệu “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, Việt Nam hy vọng thay đổi hình ảnh “gia công cho người khác” trong nhiều lĩnh vực sản xuất ô tô, sản phẩm điện tử...Nhân sĩ am hiểu về sự phát triển của Việt Nam cho rằng, sự phát triển kinh tế của Việt Nam bắt nguồn từ chính những ưu thế riêng của họ...