Thỏa thuận hòa bình ‘‘Minsk 2’’: Hy vọng và nghi ngờ

Tờ Le Figaro của Pháp có cái nhìn thận trọng về tình hính Ukraine với nhiều bi quan: "Ukraine : ông Putin nhường lại một cơ hội hòa bình mong manh". Tờ báo đưa nội dung chính cho chủ đề này qua bài "Thỏa thuận hòa bình ‘‘Minsk 2", giữa hy vọng và nghi ngờ".
Dư luận phương Tây lo ngại Tổng thống Putin tiếp tục hậu thuẫn phe nổi dậy. Trong ảnh, một cuộc biểu tình tại Matxcơva ủng lực lượng ly khai thân Nga ở vùng Donbass (đông Ukraina). Ảnh REUTERS/Maxim Zmeyev
Dư luận phương Tây lo ngại Tổng thống Putin tiếp tục hậu thuẫn phe nổi dậy. Trong ảnh, một cuộc biểu tình tại Matxcơva ủng lực lượng ly khai thân Nga ở vùng Donbass (đông Ukraina). Ảnh REUTERS/Maxim Zmeyev

Điểm duy nhất mà Le Figaro đánh giá tích cực trong thỏa thuận Minsk 2 là hai bên xung đột chấp nhận ngừng bắn, mang lại hy vọng về một khoảng thời gian tạm ngưng xung đột, "phần còn lại – tờ báo nhận xét – đây là một thỏa thuận mong manh và không hoàn chỉnh, mà bên hưởng lợi là phe ly khai thân Nga".

Cụ thể là, cho dù thừa nhận chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, Minsk 2 không hề nhắc đến việc kiểm soát phần biên giới, hiện nằm trong lãnh thổ phe ly khai chiếm giữ.

Le Figaro đưa hình ảnh "một trái bom nổ chậm" trong lòng Ukraine để ví với thực tế này. Vấn đề biên giới, theo thỏa hiệp vừa qua, sẽ chỉ được đề cập đến vào cuối năm 2015, sau khi tất cả các vấn đề cơ bản khác được giải quyết. Cụ thể là việc rút binh sĩ nước ngoài và vũ khí hạng nặng, bầu cử địa phương, quy chế của vùng Donbass...

Không có kiểm soát, thì trên thực tế kể như đường biên giới bị « xóa bỏ ». Đối với lãnh đạo lực lượng nổi dậy « nước Cộng hòa Donetsk » tự phong đây là « một thắng lớn lớn ».

Vẫn theo Le Figaro, nếu thỏa thuận ngừng bắn được tôn trọng, tương lai của miền Đông Ukraine có thể là « một xung đột đóng băng », giống như các khu vực thân Nga Transnistrie tại Molodva và, Abkhazia và Nam Ossetia ở Gruzia. Quy chế này gây khó khăn cho chính quyền trung ương trong chủ trương xích lại gần Phương Tây.

Tuy nhiên, Le Figaro cũng lưu ý, tương lai của hòa bình tại Ukraine không chỉ phụ thuộc vào Nga, mà còn vào Phương Tây.

Về thỏa thuận được ký tại Minsk ngày hôm qua, báo Libération có xã luận với đầu đề ngắn gọn: "Lợi thế". Libération cho rằng Moscow đã giành được lợi thế sau cuộc thương lượng việt dã. Phần lớn nội dung văn bản ký ngày 12/02 dựa trên thỏa thuận đã ký trước đó, cũng tại Minsk, hồi tháng 09/2014 và chưa bao giờ được tôn trọng một cách nghiêm túc.

Thỏa thuận ngày 12/02 không một câu chữ nào nói đến Crimea, bị Nga sáp nhập. Thỏa thuận cũng không nói đến Liên bang Ukraine, nhưng vấn đề này vẫn hiện diện trong tâm trí của tất cả các bên tham dự đàm phán, trước một thực tế là sườn phía đông Ukraine nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga. Như vậy, theo Libération, tương quan lực lượng nghiêng về phía ông Putin.

Libération kết luận : Liệu thỏa thuận Minsk có giống như hiệp ước Munich năm 1938, với việc từ bỏ Tiệp Khắc cho Đức? Tương lai sẽ trả lời.

Hiệp ước Munich năm 1938 được ký kết giữa một bên là nước Đức của Hitler và bên kia là Pháp, Anh, Ý. Hiệp định chấp nhận từ bỏ nước Tiệp Khắc độc lập, để cho Hitler sáp nhập các vùng của Tiệp Khắc, nơi có đông dân Đức sinh sống.

Moscow đã phải nhân nhượng?

Bên cạnh những quan điểm nhấn mạnh đến lợi thế của Nga và phe nổi dậy miền Đông, Libération chú ý đến một cách nhìn khác. Trả lời tờ báo, nhà chính trị học Marie Mendras – một chuyên gia về Nga (Trung tâm nghiên cứu quốc tế Siences-po) – nhận xét "Moscow đã có những nhân nhượng". Bài phỏng vấn mang tựa đề "Chúng ta phải không ngừng kiểm soát Putin".

Theo nhà chính trị học Pháp, Tổng thống Nga trên thực tế "đã bị cô lập trước mặt trận chung thống nhất của Châu Âu và Ukraine. Ông ta đã phải lắng nghe các đối thủ và buộc phải đối mặt với những bằng chứng không thể chối cãi được về sự hiện diện quân sự Nga tại Ukraine".

Theo: BizLive