Thổ Nhĩ Kỳ viện trợ cho người Tatar phong tỏa bán đảo Crimea

Lenur Islyamov, một trong những người tổ chức chiến dịch phong tỏa bán đảo Crimea cho biết, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu cung cấp viện trợ quân sự cho tiểu đoàn tình nguyện mang tên Noman Çelebicihan đang được thành lập ở Ukraine, gồm nhiều thành viên là người Tatar Crimea.
Nhóm của Lenur Islyamov đã phá hoại dường dây dẫn điện tới Crimea
Nhóm của Lenur Islyamov đã phá hoại dường dây dẫn điện tới Crimea

Trong một cuộc phỏng vấn với "Trung tâm truyền thông khủng hoảng Odessa", được RIA dẫn lại, ông Islyamov cho biết rằng, nguồn tài trợ chính đến từ các tình nguyện viên người Tatar thiểu số, còn Ankara cung cấp trang thiết bị cho tiểu đoàn.

Theo ông Islyamov dự kiến trong tương lai gần quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cung cấp quân phục và giày bốt cho tiểu đoàn Noman Çelebicihan.

Quân số tiểu đoàn Noman Çelebicihan gồm 560 người, đến ngày 15.1.2016 nó sẽ được Ukraine cấp phiên chế như một đơn vị quân đội để "lách luật" không vi phạm thỏa thuận Minsk.

Mục tiêu chính của đơn vị này là bảo vệ "Crimea từ bên trong của Crimea". Islyamov cũng ám chỉ rằng, ông nhìn thấy mục đích chính của tiểu đoàn là "giáng đòn vào những mục tiêu mà chỉ có chúng tôi mới được biết".

Lenur Islyamov, là người tổ chức các chiến dịch phong tỏa năng lượng và thực phẩm cung cấp từ Ukraine cho bán đảo Crimea, quả quyết rằng, cần phải tiếp tục chiến dịch này và mở rộng phong tỏa thực phẩm ở Crimea.

Ông khẳng định rằng, có thể dùng "thuyền nhỏ để tấn công tàu chở hàng tới Crimea" dù đây là một biện pháp cực đoan, ngoài ra còn có những "phương pháp thú vị hơn" để phong tỏa bờ biển của bán đảo.

Nga đã phải xây dựng một "cầu năng lượng", chỉ trong một tuần sau khi nhóm của Lenur Islyamov phá hoại đường dây dẫn điện từ Ukraine đến bán đảo hôm 22.11. Crimea đã mất điện hoàn toàn sau vụ phá hoại này và phải ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời dừng hoạt động của các nhà máy để tiết kiệm điện.

Crimea đã sáp nhập vào Nga hồi tháng 3.2014, bất chấp sự phản đối của phương Tây và Ukraine. Tuy nhiên, bán đảo này vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguồn nước, năng lượng và thực phẩm từ Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang gia tăng căng thẳng ngoại giao sau khi một máy bay ném bom Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hôm 24.11. Trong lịch sử, bán đảo Crimea cũng là nơi xảy ra cuộc chiến đẫm máu giữa Nga và Đế chế Ottoman (tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại) cùng liên quân Anh, Pháp năm 1853-1856, được xem là cuộc chiến hiện đại đầu tiên trong lịch sử quân sự thế giới.

Thiên Hà - Theo Sputnik News, Một thế giới