Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận những người di cư bất hợp pháp đã đến EU, thay cho mỗi người trong số họ sẽ gửi một người tị nạn Syria hợp pháp đến EU và sẽ tiếp nhận tất cả những người di cư trái phép mới đi qua lãnh thổ của họ. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tăng tốc các cuộc đàm phán về chế độ tự do hóa thị thực, đàm phán về việc gia nhập EU và phân bổ gói tài chính 3 tỷ euro đã định trước đây.
Ngoài ra, các bên dự định sẽ cùng làm việc để cải thiện tình hình nhân đạo trong chính Syria. Đến hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào ngày 17-18/3, thỏa thuận cuối cùng trên cơ sở những nguyên tắc này sẽ được thiết lập. Với việc giải quyết vấn đề đe dọa sự di chuyển tự do của công dân bên trong Liên minh châu Âu, các thành viên của hội nghị dự định khôi phục đầy đủ Hiệp định Schengen và bãi bỏ việc kiểm soát biên giới vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, theo báo chí Đức, trái với dự thảo tuyên bố ban đầu của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu sẽ không đóng cửa tuyến hành lang chính để người tị nạn vào lục địa này.
Một số nước châu Âu, trong đó có Đức và Hy Lạp, đã phản đối ý tưởng này đồng thời yêu cầu không đưa cụm từ "đóng" tuyến lộ trình Balkan như dự thảo tuyên bố. Trong khi đó, tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ ở Brussels, hai bên đã nhất trí trên nguyên tắc về giải pháp mới ngăn chặn việc di cư bất hợp pháp vào châu Âu.
Theo Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker, trong tương lai, EU có thể đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ các trường hợp người Syria không được phép tị nạn trong khối. Để Thổ Nhĩ Kỳ đỡ gánh nặng về người tị nạn, EU về phần mình sẽ phải tiếp nhận trở lại tương ứng một số người tị nạn tới Thổ Nhĩ Kỳ vì nội chiến theo đường hợp pháp.
Ngoài vấn đề trên, EU và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhất trí nhanh chóng nới lỏng thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào EU. Theo Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, các nước EU và Thổ nhĩ Kỳ đã nhất trí trên nguyên tắc về vấn đề này.
Phát biểu sau khi kết thúc hội nghị, Thủ tướng Davutoglu nói: "Chúng tôi hy vọng chậm nhất tới cuối tháng 6/2016, công dân Thổ Nhĩ Kỳ có thể vào khu vực Schengen mà không cần thị thực."
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết việc nới lỏng thị thực với công dân Thổ Nhĩ Kỳ là một phần trong nhóm giải pháp nhằm xử lý cuộc khủng hoảng người tị nạn giữa hai bên, trong đó có việc tăng khoản tín dụng bổ sung cho Thổ Nhĩ Kỳ. Hội nghị thượng đỉnh tới của EU sẽ thông qua khoản hỗ trợ bổ sung này.
Theo Sputnik/TTXVN