Thổ liều động binh, cự cả Mỹ lẫn Nga

Khủng hoảng Syria  ngày càng kịch tính. Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tấn công nhắm vào các lực lượng Kurd ở phía bắc Syria, sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và đang muốn lôi kéo Ả Rập Xê Út vào cuộc. Chính quyền của tổng thống Erdogan làm ngơ trước những lời kêu gọi ngưng bắn của cộng đồng quốc tế.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ

Trong hai ngày cuối tuần qua, không quân Thổ Nhĩ Kỳ dội bom ở phía bắc thành phố Aleppo, nhắm vào thành trì của lực lượng Kurdistan YPG, nhánh vũ trang của đảng Liên minh Dân chủ người Kurdi Syria PYD. Ankara giải thích hành động này nhằm trả đũa các đợt pháo kích của quân «thánh chiến» vừa chiếm được tỉnh Azaz, cách đường biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ có 5 cây số.

Người ta đã biết quá rõ ý đồ của Thổ Nhĩ Kỳ. Qua các đợt không kích liên tục trong hai ngày qua, Ankara muốn chặn đường đảng PYD của người Kurdistan tại Syria, một chi nhánh của đảng Lao Động  người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ PKK. Đảng PKK bị Ankara liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Thổ Nhĩ Kỳ không muốn để cho phe nổi dậy người Kurd tại Syria chiếm được thế thượng phong nhờ có sự hỗ trợ của cả Mỹ lẫn Nga. Ankara cũng không muốn xảy ra kịch bản các lực lượng nổi dậy Kurd lợi dụng thời điểm này để lập một vùng Kurdistan tự trị ở miền bắc Syria, sát cạnh đường biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là điều mà Ankara không thể chấp nhận được bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại sau khi thành lập được một khu vực người Kurd tự trị ở miền bắc Syria, thì sẽ đến lượt người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ đòi ly khai.

Đây cũng là thông điệp mà chính quyền của tổng thống Erdogan muốn gửi tới cả Moscow điểm tựa của tổng thống Syria Bashar Al Assad, lẫn Washington, một đồng minh của Ankara. Mỹ tới nay hậu thuẫn cho tổ chức Kurdistan tại Syria PYD và trong thỏa thuận «ngừng các hành động thù nghịch» tại Syria vừa được Nga, Mỹ đồng ý tại Hội Nghị An ninh quốc tế Munich vào tuần trước, dường như các bên đều có ý định lôi kéo đảng Kurdistan PYD Syria về phía mình để củng cố mặt trận trên bộ chống IS. Chính quyền Obama đã lập tức kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngưng chiến dịch oanh kích vào miền bắc Syria. Nhưng theo giới quan sát, Ankara bỏ ngoài tai lời kêu gọi của Hoa Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ không ngớt khẳng định quyết tâm tiêu diệt tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria. Đồng thời cũng chính Ankara tuyên bố sẵn sàng đưa quân vào Syria trong khuôn khổ một liên minh quốc tế chống Daech. Nhưng một lần nữa cộng đồng quốc tế lo ngại đó chỉ là một cái cớ để Ankara nhắm thẳng vào các lực lượng Kurdistan. Dẫu sao, chiến dịch không kích vừa qua của Ankara được coi như là một tính toán cực kỳ nguy hiểm.

Về mặt pháp lý, thì rõ ràng là Thổ Nhĩ Kỳ gây hấn và tấn công Syria. Chính quyền Damas đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc can thiệp. Cùng lúc Ả Rập Xê Út, một nước Hồi Giáo theo hệ phái Sunni như Thổ Nhĩ Kỳ, đã bắt đầu điều chiến đấu cơ đến Thổ Nhĩ Kỳ và Ryiad đề cập tới khả năng đưa quân trên bộ sang Syria. Bên cạnh đó, Ả Rập Xê Út mở một cuộc tập trận chung cùng với 20 quốc gia trong vùng vào lúc giới lãnh đạo ở Ryiad tuyên bố rằng, Iran và Nga cùng không thể nào cứu được ông Bachar Al Assad.

Iran là một quốc gia Hồi Giáo theo hệ phái Shiite và là kẻ thù không đội trời chung của Ả Rập Xê Út. Còn với Nga, quan hệ giữa Ankara và Moscow đang trong giai đoạn xấu nhất từ hàng chục năm qua sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ của Nga vào tháng 11/2015.

Tình hình trong khu vực cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út không còn ngoan ngoãn vâng lời Mỹ. Cả Ankara lẫn Ryiad cùng chỉ trích Washington quá thụ động trước những tham vọng của Moscow tại Trung Đông. Viễn cảnh vãn hồi hòa bình cho Syria thêm xa vời, trong lúc mà cuộc nội chiến trên quê hương của ông Bashar Al Assad đang trở thành một ngòi nổ đe dọa an ninh khu vực.