Thế giới lập tức mất đi 3,5 triệu thùng dầu mỗi ngày từ nguồn xuất khẩu của Iraq. Thêm nữa, bạo lực nổ ra tại các khu vực giàu dầu mỏ ở đồng bằng sông Niger ở châu Phi, Algeria rơi vào hỗn loạn sau khi tổng thống nước này qua đời; còn Venezuela ở Nam Mỹ thì trải qua một cuộc đảo chính... Giá dầu lập tức tăng lên trên 100 đô la Mỹ/thùng. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải nhanh chóng đảo ngược chính sách tiền tệ, vừa nâng lãi suất cơ bản đã phải vội hạ xuống để tránh một cuộc suy thoái toàn cầu mới.
Đây là nội dung kịch bản số 1 trong số 10 kịch bản xấu nhất có thể xảy ra trên thế giới trong năm 2016 mà hãng tin Bloomberg vừa tổng hợp từ nhận định của 119 chuyên gia, gồm các nhà ngoại giao, chuyên gia địa chính trị, tư vấn an ninh và các nhà kinh tế, căn cứ trên những xung đột toàn cầu hiện hành. Kịch bản số 1 có vẻ “phi lý” vì giá dầu đang trong xu thế giảm mạnh, có thể về mức 20 đô la/thùng, dự báo giá dầu lên mức 100 đô la dường như không có cơ sở.
Những rủi ro tiềm ẩn
Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Bloomberg, nhà đầu tư không thể bỏ qua những kịch bản gọi là “Thiên nga đen” này sau khi đã trải qua một năm 2015 đầy bất ngờ với làn sóng người di cư dâng lên mức kỷ lục và những vụ tấn công khủng bố đẫm máu xảy ra ở khắp các châu lục. Năm 2016 hứa hẹn cũng sẽ có những bất ngờ như vậy, tiềm ẩn trong cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, khả năng Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu, từ chuyện kinh tế Trung Quốc có khả năng suy thoái tới chuyện tin tặc Iran và Nga câu kết tấn công vào hệ thống ngân hàng, tài chính phương Tây... Một số những sự kiện bất ngờ này đã có mầm mống từ năm 2015 và có khả năng sẽ bùng ra trong năm 2016.
Nightberg, một công ty độc lập chuyên nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu cho các khách hàng là quỹ đầu tư, đưa ra ba kịch bản “bi quan” chính cho kinh tế thế giới: giá dầu tăng do hoạt động của IS, nước Anh rời khỏi EU và tấn công tin học vào hệ thống tài chính. Xác suất xảy ra các kịch bản này, theo Nightberg, lần lượt là 25%, 20% và 10%.
Trong báo cáo thường niên về rủi ro, Ngân hàng Société Générale SA cho rằng, một cuộc “hạ cánh cứng” của kinh tế Trung Quốc có thể đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái; khả năng xảy ra kịch bản này, theo Société Générale, là 30%. Hiện kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng tệ hơn dự báo - sự suy giảm về nhu cầu tiêu thụ kim loại và các khoáng sản khác cho thấy như vậy - và khả năng xảy ra bất ổn xã hội ở quốc gia đông dân nhất hành tinh là không thể bỏ qua.
Bất ngờ ở châu Mỹ
Ngoài ra, nếu Fed tăng lãi suất quá nhanh, dòng vốn đầu tư có thể sẽ chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi và hiện tượng “vỡ nợ quốc gia” sẽ lan rộng. Đà đi xuống của Mỹ Latinh sẽ tiếp tục trong năm 2016 với việc Brazil chính thức rơi vào suy thoái toàn diện vào thời điểm nước này đăng cai Thế vận hội, còn Venezuela đang chuyển dần về hướng một quốc gia thất bại. “Chúng ta đang trải qua một thời kỳ tăng trưởng kinh tế đáng thất vọng, là cái giá phải trả cho những chính sách méo mó, phi chính thống của các nền kinh tế lớn”, Alberto Ramos, nhà kinh tế trưởng về Mỹ Latinh của tập đoàn ngân hàng Goldman Sachs, than thở.
Nước Mỹ có thể gây ra bất ngờ lớn nếu đảng Dân chủ thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, mở đường vào Nhà Trắng cho một “kẻ ngoại đạo” như Donald Trump - người đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng và an ninh, cấm người Hồi giáo vào Mỹ và xây tường rào trên biên giới Mỹ - Mexico để ngăn làn sóng nhập cư từ Mỹ Latinh. Theo George Ferguson, nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, nếu đảng Cộng hòa thắng cử, tiền bạc sẽ đổ vào công nghiệp quân sự nhằm tăng cường khả năng ứng phó của Mỹ với mối đe dọa từ tổ chức IS, bạo lực ở Syria và bất đồng với Nga. Các đại gia sản xuất vũ khí như Raytheon Co., Lockheed Martin Corp và Boeing Co. sẽ được hưởng lợi rất nhiều.
Một tổng thống Mỹ theo đảng Cộng hòa - đảng vẫn thường tố cáo chính phủ Trung Quốc thao túng tiền tệ và người nhập cư giành hết công việc làm của người Mỹ bản xứ - chắc chắn sẽ kích hoạt những cuộc chiến tranh thương mại, thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ bi tác động mạnh khi dòng vốn đầu tư đổ vào các nơi trú ẩn an toàn là trái phiếu của các chính phủ, theo Nightberg.
Châu Âu: bóng ma khủng hoảng trở lại
Ở châu Âu giới đầu tư đã bắt đầu lo ngại chuyện bà Angela Merkel - nhân vật năm 2015 theo bình chọn của báo Time - có khả năng phải từ chức do thất bại của chính sách “mở cửa” trước làn sóng khủng bố và quan điểm bài ngoại đang dâng lên khắp châu lục. Người kế vị thủ tướng Đức, như Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble chẳng hạn, có thể sẽ “cứng rắn” hơn trong các vấn đề người nhập cư, nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc cứu nguy các nền kinh tế khó khăn như Hy Lạp.
Xu hướng “cứng rắn” tương tự cũng đang được nhìn thấy ở Pháp, với sự trỗi dậy của đảng dân tộc cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) do bà Marine Le Pen lãnh đạo. Đảng này đã có lúc giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương ở Pháp gần đây. Ngân hàng UBS Group AG, trong báo cáo gửi khách hàng mới đây, nêu bật sự trỗi dậy của các đảng chính trị cực hữu ở châu Âu và sự mở rộng hoạt động của IS là nguy cơ tiềm ẩn lớn nhất làm xói mòn niềm tin và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng.
Một nguy cơ khác của châu Âu là khả năng nước Anh rút khỏi liên minh 28 quốc gia này. Thủ tướng David Cameron đang nỗ lực đàm phán những điều kiện tốt hơn cho Anh nhưng các cuộc thăm dò dư luận cho thấy xu hướng ly khai đang thắng thế. Một cuộc trưng cầu dân ý “đi hay ở” sẽ diễn ra vào đầu năm tới và giới đầu tư đang theo dõi sát diễn biến này. Nếu Anh ra đi, London sẽ mất vai trò là trung tâm tài chính châu Âu.
Tóm lại, nếu ba nguy cơ tiềm ẩn kể trên biến thành sự thực, châu Âu có thể lại rơi vào khủng hoảng, thị trường chứng khoán có thể sụp đổ, đồng euro sẽ mất giá thêm nữa, giao thương sẽ bị đình trệ và tăng trưởng kinh tế tụt xuống mức âm, theo nhận định của Nightberg.
Mối đe dọa từ trên trời
Năm 2015, các công ty lớn như Sony Corp., Ngân hàng JP Morgan Chase Co. đã hứng chịu những vụ tấn công tin học quy mô lớn, hoạt động bị gián đoạn, dữ liệu khách hàng bị đánh cắp, uy tín xuống thấp... Năm 2016 có khả năng xảy ra các cuộc tấn công như vậy với quy mô còn lớn hơn nữa. Tin tặc của nhóm IS có thể câu kết với tin tặc Đông Âu tổ chức tấn công hệ thống tài chính của các ngân hàng đa quốc gia, các thị trường chứng khoán chính; thậm chí các nhà máy điện và mạng lưới điện cũng có thể trở thành mục tiêu.
Trước đây giới tin tặc tài chính thường ra tay chỉ để ăn cắp tiền nhưng năm 2016 “chúng ta sẽ thấy kỹ thuật tin tặc được sử dụng để khủng bố tài chính. Hệ thống điện sẽ bị phá hoại từ xa, hoạt động ngân hàng sẽ bị gián đoạn”, Mark Gazit, CEO của Công ty ThetaRay - doanh nghiệp Israel chuyên nghiên cứu các mối đe dọa tin học đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia - cảnh báo.
Một điểm sáng để hy vọng trong năm 2016 là Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể trở thành nhà trung gian hòa giải, tái lập hòa bình ở Syria, sau khi IS ra tay bắn hạ chiếc máy bay chở du khách Nga ở Ai Cập. Hợp tác quân sự giữa Nga và phương Tây nhằm chống lại kẻ thù chung là IS đã mang lại khả năng giải quyết sớm vấn đề Syria - nơi phát xuất làn sóng di cư khổng lồ cũng như những cuộc tấn công khủng bố tại châu Âu và Mỹ.
Nếu ông Putin có thể làm việc với cộng đồng quốc tế để mang lại hòa bình cho Syria thì các biện pháp cấm vận Nga sẽ được dỡ bỏ, kinh tế Nga sẽ ra khỏi suy thoái. “Ba tháng trước không ai nghĩ rằng Nga và Mỹ làm việc cùng nhau như bây giờ. Dẫu rằng chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm nhưng ít ra giờ đây cũng đã có một đường hầm để hy vọng”, Staffan de Mistura, đặc phái viên của Liên hiệp quốc về Syria, nói.
Theo Bloomberg, TBKTSG