Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, mục tiêu vận hành thị trường bán buôn rất lớn nhưng hạ tầng thông tin, cơ chế chính sách của chúng ta có nhiều ràng buộc, hạn chế chính vì thế mà có thể trong thời gian ngắn hạn khó có thể phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh với một cơ chế đầy đủ.
Tháng 8/2015, Bộ Công thương đã ban hành quyết định phê duyệt Thiết kế chi tiết Thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Theo đó,thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ được vận hành tính toán thử nghiệm trên giấy trong năm 2016, vận hành thí điểm trong năm 2017- 2018 và vận hành chính thức kể từ năm 2019. Và đến năm 2021 sẽ có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Để chuẩn bị cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh, thời gian vừa qua Bộ Công thương đã giao cho Cục Điều tiết điện lực xây dựng các quy định để vận hành thị trường điện bán buôn.
Đến nay, tổ tư vấn đã hoàn thành Dự thảo 1 quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh với các phạm vi bao gồm các nội dung liên quan đến cơ chế vận hành thị trường giao ngay như: cấu trúc thành viên, đăng ký tham gia thị trường, lập kế hoạch năm/tháng/tuần/ngày, chào giá, tính toán giá trên thị trường, thanh toán thị trường…
Nhằm cải thiện nguyên tắc vận hành, nâng cao tính minh bạch, Dự thảo đưa ra quy định phải công bố thông tin cần thiết cho các đơn vị thành viên thị trường, cơ chế độc lập tính toán về giá, sản lượng nhằm đối chiếu kết quả tính toán của SMO (đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện) sau ngày vận hành. Thông tin cung cấp bao gồm số liệu đầu vào, kết quả đầu ra, các quy trình tính toán.
Góp ý với Dự thảo mới, có đơn vị mua điện lo ngại với cách tính giá trần mới trong năm 2019, khi áp dụng hệ số cao, giá trần bị đẩy lên quá cao. Tuy nhiên tổ tư vấn cho rằng không phải giá trần thị trường cao là phản ánh giá cao, mà trong thị trường bán buôn dài hạn sẽ giảm. Giá trần đưa ra cao nhằm khuyến khích độ tin cậy, hiệu quả, vận hành của nhà máy. Khi giá trần càng cao, thanh toán càng thấp và điều này không ảnh hưởng đến giá bán lẻ cuối cùng.
Trên cơ sở đánh giá, cân nhắc khả năng đáp ứng về cơ sở hạ tầng, năng lực của Việt Nam năm 2019, Cục Điều tiết phối hợp với tư vấn xây dựng hai bộ quy định cho 2 giai đoạn của thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Quy định vận hành cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh năm 2019 sẽ tiếp tục áp dụng cơ chế định giá điện năng thị trường đồng nhất toàn hệ thống (SMP), tính giá sau vận hành và chưa thực hiện đồng tối ưu điện năng và dự phòng.
Sau năm 2019, khi các điều kiện về cơ sở hạ tầng được đáp ứng sẽ nghiên cứu áp dụng các cơ chế đầy đủ của Thị trường bán buôn điện cạnh tranh như: định giá theo vùng (hoặc nút), tính toán giá trước vận hành, đồng tối ưu, cơ chế quyền truyền tải tài chính và cơ chế giao dịch hợp đồng tập trung.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cũng đánh giá, Dự thảo quy định có nhiều nội dung phức tạp. Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị cần nghiên cứu, trao đổi thêm để có quy định phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam. Đến cuối năm 2016 phải có Thông tư quy định vận hành thị trường điện bán buôn.
“Đối với các đơn vị khác, với các đơn vị phải nghiên cứu kỹ những quy định, góp ý cho Cục Điều tiết điện lực, Tổ tư vấn để có những quy định hợp lý ngay từ đầu, tránh tình trạng sau khi thị trường chạy trơn tru, tất cả các thành viên của chúng ta đều có cảm giác bị thiệt thòi, yếu thế trong thị trường”, Thứ trưởng nói.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực EVN, đẩy nhanh hoàn thiện các hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Theo Infonet