Toàn cảnh buổi toạ đàm trực tuyến "Nhận diện thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021” |
Chia sẻ tại Toạ đàm trực tuyến “Nhận diện thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021”, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc chiến lược đầu tư Dragon Capital, cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự trưởng thành vượt bậc dù vừa trải qua nhịp điều chỉnh giảm 13 – 14% từ đỉnh.
Theo vị chuyên gia này, mức thanh khoản từ 25.000 – 30.000 tỉ đồng là không thực chất. Dựa trên các nghiên cứu thị trường chứng khoán thế giới, mức thanh khoản khoảng 15.000 – 17.000 tỉ đồng sẽ là hợp lý.
“Thanh khoản thị trường hiện nay là diễn biến nên có và sẽ tương đối ổn định ở mức này”, ông Tuấn đánh giá.
Đại diện Dragon Capital cũng chia sẻ về hai yếu tố khiến thị trường chứng khoán có đợt sụt giảm trong tháng 7/2021. Đó là dòng tiền và định giá thị trường.
Trong đó, dòng tiền nước ngoài bán ròng quá mạnh, khoảng 1,7 tỉ USD từ đầu năm 2021 và luỹ kế khoảng 4 tỉ USD trong 3 năm qua. Bên cạnh đó, dòng tiền cũng cần phải có sự chuyển hoá từ người vay nhiều sang người chưa vay (có chi phí vốn rẻ hơn), dòng tiền cũ sang dòng tiền mới.
Về mặt định giá, đánh giá P/E cao hay thấp phụ thuộc vào tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai. Cách đây 1 tháng rưỡi, khi dịch Covid-19 chưa trở thành vấn đề lớn của Việt Nam, Dragon Capital đã dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trên thị trường (bao gồm cả UPCoM) khoảng 50 – 52%.
Do tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, quỹ đầu tư này đã hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 xuống còn 40%, tương ứng với P/E ở mức 14-15 lần. Nếu dịch kiểm soát trong tháng 9-11 năm nay, mức tăng trưởng lợi nhuận cho năm 2022 dự báo đạt 22-25%, tương ứng với P/E dự phóng giảm còn 11,5 – 12 lần, cách xa so với P/E trung bình thị trường 15 – 16 lần.
“Nếu tin vào kịch bản này, khi VN-Index về vùng 1.200 – 1.250 điểm, nhà đầu tư nên quan tâm, có thể xuống tiền mua cổ phiếu của các doanh nghiệp tốt”, ông Tuấn cho hay.
Theo ông Lã Giang Trung – Giám đốc Passion Investment – việc đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn, ít nhất là triển vọng của các doanh nghiệp trong giai đoạn 2021 – 2022.
Nói về chu kỳ kinh tế, cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ nhận định suy thoái kinh tế do Covid-19 đã kết thúc vào tháng 4/2020, thị trường chứng khoán nước này cũng đã tạo đáy vào tháng 3/2020 hồi phục. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, cũng sẽ đi cùng sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Thị trường chứng khoán cũng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, có thể kéo dài từ 7-10 năm.
Tuy nhiên, ông Lã Giang Trung cũng lưu ý những nhịp điều chỉnh của thị trường trong chu kỳ đi lên là không tránh khỏi.
“Bình quân thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ giảm khoảng 17% trong mỗi nhịp điều chỉnh. Sau những nhịp điều chỉnh này, thị trường có thể đi lên khoảng 30 – 40%. Cuối năm nay, chỉ số VN-Index hoàn toàn có thể đạt 1.600 – 1.700 điểm nếu khống chế được dịch Covid-19” – ông Trung chia sẻ./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu