Ngoại trưởng Hammond đã đưa ra tuyên bố trên trong một bài nói chuyện về sự quan tâm và tham gia của Anh đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương do Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS) tổ chức. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Hammond nhấn mạnh rằng “tình trạng có quá nhiều tranh chấp lãnh thổ đang gây hại cho khu vực” và rằng ông cảm thấy lo lắng về tốc độ hoà giải lịch sử chậm chạp trong khu vực bất chấp sự kết nối kinh tế đã ngày một tăng lên.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu của Anh thận trọng cho biết, sự kết nối kinh tế không phải là một bảo đảm cho việc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương không thể bị xé lẻ, chia rẽ bởi những cuộc đối đầu chiến lược. Ông Hammond lấy dẫn chứng về cuộc Chiến tranh Thế giới thứ I ở Châu Âu như một ví dụ. "Nhiều người bên trong và bên ngoài Châu Á đang dõi theo khu vực này một cách lo lắng khi những căng thẳng chính trị và tinh thần chủ nghĩa dân tộc bị đẩy lên cao ở Đông Á", Ngoại trưởng Hammond cho biết.
Ông Hammond nhấn mạnh, trong khi Anh không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông thì Anh bác bỏ trật tự được dựng lên bởi sức mạnh, quyền lực ở Châu Á và rằng các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trong khu vực nên được giải quyết theo luật quốc tế. "Đó là điều vô cùng quan trọng cho sự ổn định khu vực và cho sự toàn vẹn của hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp. Các cuộc tranh chấp trong khu vực phải được giải quyết thông qua đàm phán, đối thoại, phù hợp với luật quốc tế chứ không phải thông qua vũ lực hay sự ép buộc”, Ngoại trưởng Hammond nói thêm.
Theo lời ông Hammond, Anh có lợi ích quan trọng trong việc bảo đảm an ninh Châu Á bởi nước này có tới 4,52 nghìn tỉ USD giao dịch thương mại đi qua Biển Đông hàng năm. Chính vì lý do đó, Anh vẫn cam kết với các thoả thuận an ninh đa phương trong khu vực như Thỏa thuận quốc phòng 5 cường quốc (FPDA) cùng với Australia , Malaysia , New Zealand và Singapore . FPDA được thiết lập năm 1971 vẫn là thoả thuận quốc phòng đa phương chính thức duy nhất ở Đông Nam Á.
"Theo cam kết được đưa ra trong thoả thuận trên, chúng tôi sẵn sàng và có thể huy động lực lượng để hỗ trợ cho các đồng minh, bạn bè và đối tác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”, ông Hammond cho hay. Ngoại trưởng Anh nhắc đến việc Hải quân Hoàng gia của nước này tham gia vào nỗ lực cứu trợ trong thảm hoạ bão Haiyan và cuộc tìm kiếm quốc tế quy mô lớn đối với chiếc máy bay mất tích MH370 của Malaysia như những ví dụ về việc Anh sẵn sàng huy động các tài sản quân sự để triển khai đến khu vực.
Hải quân Hoàng gia Anh đã triển khai tàu khu trục lớp Type 45 - HMS Daring và tàu sân bay HMS Illustrious đến hỗ trợ cho công tác cứu trợ nhân đạo sau khi xảy ra trận siêu bão Haiyan kinh hoàng ở Philippines hồi tháng 11 năm 2013. Anh sau đó cử tàu thăm dò HMS Echo và tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Trafalgar - HMS Tireless đến tham gia nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích bí ẩn MH370 củaMalaysia hồi tháng 3 năm 2014.
Thỏa thuận quốc phòng 5 cường quốc được xem là nhằm phát đi một thông điệp cứng rắn và kiên quyết về việc bất kỳ cuộc tấn công nào vào Malaysia và Singapore đều sẽ dẫn đến phản ứng đáp trả của Australia, New Zealand và Anh. Cam kết này được đưa ra từ thời kỳ diễn ra cuộc đối đầu quân sự cấp thấp giữa Singapore và Indonesia những năm 1960. Tổng thống Indonesia Sukarno khi đó coi việc bắt tay giữa Malaysia và Singapore là mối đe doạ đối với một Indonesia đang muốn kiểm soát khu vực.
Trong khi nguy cơ đối đầu, thù địch về quân sự giữa các nước Đông Nam Á gần như đã bị xua tan thì Thoả thuận Quốc phòng 5 cường quốc - FPDA tiếp tục tồn tại là một cấu trúc an ninh và đảm nhiệm vai trò lớn hơn là cứu trợ thảm hoạ, viện trợ nhân đạo và chống cướp biển.
Bài phát biểu của Ngoại trưởng Anh Hammond ở Singapore cho thấy lần đầu tiên FPDA đề cập đến các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Ông Hammond đã tuyên bố rõ ràng rằng Anh sẵn sàng triển khai các vũ khí, thiết bị quân sự đến khu vực theo thoả thuận FPDA nếu các lợi ích của Anh trong khu vực bị đe doạ. Phát biểu này phản ánh Chiến lược An ninh Hàng hải Quốc gia của Anh được công bố từ hồi tháng 5 năm ngoái. Chiến lược này nhấn mạnh rằng, trong số nhiều vấn đề khác, Anh rất coi trọng “những lợi ích kinh tế và chính trị ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương” và đặc biệt quan tâm đến những vấn đề an ninh ở Biển Đông.
Malaysia – một nước tham gia thoả thuận FPDA cũng là một bên trong tranh chấp Biển Đông hiện nay.
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường vận chuyển sống còn. Đồng thời Biển Đông còn được cho là chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Đây là điều mà không chỉ các nước trong khu vực mà rất nhiều cường quốc và cộng đồng thế giới kịch liệt phản đối.