Thanh Hóa: Đón khách quốc tế đến Thanh Hóa, mở đầu cho giai đoạn phát triển du lịch mới hậu đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tỉnh Thanh Hóa công bố Biểu trưng du lịch và phát động chương trình kích cầu du lịch 2022, đón khách quốc tế đến Thanh Hóa, mở đầu cho giai đoạn phát triển du lịch mới sau thời gian ảnh hưởng nặng nề của đại dịch covid-19  
 Các vị lãnh đạo nhấn nút khai trương Biểu trưng du lịch Thanh Hóa
Các vị lãnh đạo nhấn nút khai trương Biểu trưng du lịch Thanh Hóa

Chiều 11-3, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ công bố Biểu trưng du lịch Thanh Hóa; phát động chương trình kích cầu du lịch năm 2022 và đón khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa.

Dự buổi lễ có ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.

Các đại biểu dự lễ công bố biểu trưng du lịch Thanh Hóa

Các đại biểu dự lễ công bố biểu trưng du lịch Thanh Hóa

Về phía Thanh Hóa có ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Trường Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện nhiều tỉnh, thành; các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động du lịch, lữ hành cũng đến dự.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn phát biểu khai mạc

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn giới thiệu khái quát về tổng quan du lịch tỉnh Thanh Hóa và những tiềm năng thế mạnh trong phát triển du lịch, vị trí chiến lược cùng những cơ chế chính sách trong kích cầu du lịch để Thanh Hóa trở thành điểm đến trong bản đồ du lịch cả nước và quốc tế.

Chủ tịch Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Với lợi thế hội tụ đủ tiềm năng của ba vùng kinh tế là vùng núi và trung du, vùng đồng bằng và vùng ven biển, Thanh Hóa sở hữu nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, đặc sắc, có giá trị quốc gia và quốc tế với 1 Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ và 5 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt là: Di tích Lam Kinh, Hang Con Moong, Đền Bà Triệu, Đền Lê Hoàn và thắng cảnh Sầm Sơn; có tài nguyên du lịch tự nhiên nổi trội với 102km đường bờ biển và nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa…, cùng với đó là nhiều thắng cảnh nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Suối cá thần Cẩm Lương, Thắng cảnh Hàm Rồng - Sông Mã… và nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc, ẩm thực địa phương phong phú, hấp dẫn…; vì vậy, tỉnh Thanh Hóa có điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước.

Để khai thác và phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có, trong những năm qua, Thanh Hóa đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch và đã đạt được những kết quả quan trọng: Nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn hỗ trợ phát triển du lịch đã và đang được tích cực triển khai thực hiện. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh thu hút được 81 dự án đầu tư kinh doanh du lịch với tổng vốn đầu tư gần 145.000 tỷ đồng.

Hạ sĩ Nguyễn Huy Mẫn tác giả biểu trưng du lịch Thanh Hóa nhận giải thưởng

Hạ sĩ Nguyễn Huy Mẫn tác giả biểu trưng du lịch Thanh Hóa nhận giải thưởng

Nhiều tập đoàn kinh tế lớn, có kinh nghiệm và năng lực hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư du lịch như Tập đoàn Sungroup, Vingroup, FLC, Flamingo, BRG, T&T, TNG… đã và đang triển khai thực hiện các dự án, tổ hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể thao, vui chơi giải trí đẳng cấp và quy mô lớn tại Thanh Hóa như: Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC Sầm Sơn, Khu tổ hợp dịch vụ thương mại, khách sạn Vincom, Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường; dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn, Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En; Khu quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Quảng Yên, Khu đô thị du lịch sinh thái Tân Dân...; qua đó, tạo bước đột phá về hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của tỉnhThanh Hóa được cải thiện rõ rệt, uy tín và thương hiệu du lịch Thanh Hóa được nâng cao; hình ảnh đất và người Xứ Thanh dần được quảng bá ra quốc tế.

Văn nghệ chào mừng

Văn nghệ chào mừng

Trong 2 năm 2020, 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, cùng với du lịch cả nước, du lịch Thanh Hóa cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và hiệu quả Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tích cực, chủ động phát huy nội lực, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc giải quyết khó khăn và khôi phục ngành kinh tế du lịch; tập trung nguồn lực hoàn thiện và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đẩy nhanh tiếp độ thực hiện các dự án lớn với những tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp để nhanh chóng tạo sản phẩm du lịch cao cấp, có tính cạnh tranh khác biệt, nổi trội; thu hút khách du lịch, nhất là khách du lịch có mức chi cao và khách quốc tế; phát triển da dạng sản phẩm du lịch, đáp ứng xu hướng mới của thị trường. Với nhiều giải pháp quyết liệt, kiểm soát hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID -19, đến thời điểm này có thể khẳng định, tỉnh Thanh Hóa đã sẵn sàng các điều kiện tốt nhất để đón khách du lịch trong nước và quốc tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nêu rõ: Thực hiện chủ trương của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về mở cửa lại hoạt động du lịch; tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch bảo đảm thích ứng an toàn hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực và việc tổ chức Lễ công bố Biểu trưng du lịch Thanh Hoá; Phát động Chương trình kích cầu du lịch năm 2022 và đón khách du lịch quốc tế đến Thanh Hoá là sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch trong năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa với quyết tâm xây dựng Thanh Hóa trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn với mục tiêu đón trên 10 triệu lượt khách, trong đó hơn 440 ngàn lượt khách du lịch quốc tế, tổng doanh thu du lịch đạt gần 18 ngàn tỷ đồng trong năm 2022.