Hôm thứ Hai (2/8), Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo sẽ điều bốn tàu chiến đến Biển Đông để triển khai trong hai tháng. Trong thời gian này, Ấn Độ sẽ tiến hành các cuộc tập trận với các đối tác trong “Đối thoại An ninh Bộ tứ” (The Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản và Australia. Ngoài ra, Đức ngày 2/8 cũng tham gia vào đội ngũ các quốc gia phương Tây đưa tàu chiến tới Biển Đông, và đây là lần đầu tiên sau gần 20 năm.
Theo tin của CNN ngày 3/8, các tàu chiến Ấn Độ sẽ khởi hành vào đầu tháng này, nhưng New Delhi không cung cấp ngày giờ chính xác. Ấn Độ sẽ cử 1 tàu khu trục tên lửa, 1 tàu hộ vệ tên lửa, 1 tàu hộ vệ chống ngầm và 1 tàu tuần tra mang tên lửa tham gia một loạt các cuộc tập trận, trong đó có cuộc tập trận chung trên biển "Malabar" năm 2021 cùng với Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Hải quân Ấn Độ tham gia cuộc diễn tập Malabar 2020, năm nay cũng cử 4 tàu tới Biển Đông tham gia (Ảnh: USNavy). |
Ngoài ra, Ấn Độ cũng sẽ tổ chức các cuộc tập trận song phương với các nước ven Biển Đông như Singapore, Việt Nam, Indonesia và Philippines. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố rằng Ấn Độ và các quốc gia thân thiện này sẽ tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với nhau dựa trên lợi ích hàng hải chung và cam kết về quyền tự do hàng hải để tăng cường sự phối hợp và điều phối giữa hai bên.
Trong những tuần gần đây, Biển Đông đã trở thành điểm nóng của các hoạt động hải quân. Tuần trước, nhóm tác chiến tàu sân bay của Anh đã đi qua Biển Đông, trong khi đơn vị tác chiến mặt nước của Hải quân Mỹ và quân đội Trung Quốc (PLA) đều tiến hành các cuộc tập trận ở vùng biển liên quan.
Ông Collin Koh, một chuyên gia về các vấn đề hải quân tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cho rằng hoạt động triển khai hàng năm của Hải quân Ấn Độ là sự hiện diện rõ ràng nhất ở phía đông eo biển Malacca. Nhưng ông cho rằng các tàu chiến Ấn Độ sẽ không áp dụng tư thế đối đầu hoặc thực hiện bất kỳ nhiệm vụ quân sự tự do hàng hải nào gần các đảo và bãi đá ngầm mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Các chỉ huy tàu khu trục USS Mustin của Mỹ giám sát theo dõi tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc (Ảnh: HĐ 7). |
Collin Koh nhấn mạnh, chỉ riêng sự xuất hiện của tàu chiến ở Biển Đông dù cách xa 12 hải lý các đảo mà Trung Quốc tuyên bố sở hữu, đã thỏa mãn sự hiện diện của Ấn Độ, thể hiện rằng họ vẫn dốc sức vào mục tiêu chiến lược tham gia các vấn đề ở Tây Thái Bình Dương.
Mặt khác, các quan chức Berlin nói rằng hải quân Đức sẽ đi dọc theo các tuyến đường thương mại quốc tế. Tàu hộ vệ này sẽ không đi qua eo biển Đài Loan như tàu chiến Mỹ khiến Bắc Kinh chỉ trích. Tuy nhiên, Berlin cũng tuyên bố rằng nhiệm vụ lần này là nhằm nhấn mạnh rằng Đức không chấp nhận các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Do Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức, nên Berlin làm như vậy tương đương với việc chơi trò “đi trên dây” giữa lợi ích an ninh và kinh tế.
Trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 4/8 đưa tin, theo các nguồn tin đã được xác nhận, bà Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ tới thăm Việt Nam và Singapore vào cuối tháng 8.
Hãng tin AP nhận định rằng chuyến thăm Đông Nam Á của bà Kamala Harris là nhằm tăng cường sự tham gia của Mỹ trong khu vực nhằm chống lại ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Singapore và Việt Nam vào cuối tháng 8 tới (Ảnh: Dwnews). |
Đáp lại mục tiêu chuyến thăm của bà Kamala Harris đến Đông Nam Á, Phó cố vấn an ninh quốc gia Phil Gordon của Phó Tổng thống Kamala Harris nói bà sẽ nhấn mạnh cam kết của chính phủ Joe Biden đối với sự tự do và cởi mở của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, với trọng tâm là tăng cường an ninh của khu vực này.
Gordon nói: "Bà Kamala Harris sẽ tập trung vào việc củng cố địa vị lãnh đạo của Mỹ, mở rộng hợp tác an ninh, làm sâu sắc hơn các quan hệ đối tác kinh tế và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ; đặc biệt là ở Biển Đông, bảo vệ các giá trị của chúng ta, giống như chúng ta làm với tất cả bạn bè và đối tác của chúng tôi”.
Hãng tin Reuters của Anh nhận xét, bà Kamala Harris sẽ trở thành Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam. Washington đang tìm kiếm tăng cường sự hỗ trợ quốc tế để chống lại ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc.
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng tuyên bố rằng trong chuyến thăm của Kamala Harris tới Việt Nam và Singapore, bà sẽ tập trung vào việc bảo vệ các quy tắc quốc tế ở Biển Đông, củng cố địa vị lãnh đạo khu vực của Mỹ và mở rộng hợp tác an ninh.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi gặp nhau tại Nhà Trắng hôm 3/8 (Ảnh: Đông Phương). |
Quan chức Mỹ này cho biết, xét về vị trí địa lý, quy mô kinh tế, quan hệ thương mại và quan hệ đối tác an ninh đối với Việt Nam và Singapore về các vấn đề như Biển Đông, Washington coi hai nước này là đối tác quan trọng.
Ngoài ra, theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 4/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 3/8 đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi tại Nhà Trắng. Sau cuộc gặp, ông Antony Blinken tuyên bố Mỹ và Indonesia đã khởi động đối thoại chiến lược, hai bên cam kết cùng nhau nỗ lực hợp tác trong các vấn đề trong đó có bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ông Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi khi gặp nhau đã có cùng quan điểm về an ninh trên biển, cam kết sẽ hợp tác để bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông, nỗ lực đối phó với dịch bệnh COVID-19 toàn cầu và khủng hoảng khí hậu, thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại song phương; đồng thời hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng và chống tội phạm mạng.
Khi hai người cùng gặp gỡ các phóng viên sau cuộc họp, ông Blinken nói Indonesia là một đối tác dân chủ mạnh mẽ của Mỹ và hai bên đang làm việc cùng nhau trên các mặt trận khác nhau. Bà Marsudi nói rằng mối quan hệ bền chặt giữa hai nước sẽ là tài sản then chốt làm tăng ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, Mỹ là một đối tác quan trọng để thực hiện tương lai của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, mong muốn phát triển, nâng cấp quan hệ song phương với Mỹ trên các lĩnh vực.
Trong khi đó, theo trang tin Đa Chiều, ngày 3/8, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc-ASEAN (10+1) qua truyền hình. 10 Ngoại trưởng ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN đã tham dự cuộc họp.
Máy bay chiến đấu Su-30MKK của Trung Quốc bay phía trên bãi Subi mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép trên Biển Đông (Ảnh: Dwnews). |
Ông Vương Nghị nói tại cuộc họp rằng ASEAN chiếm một vị trí quan trọng trong toàn cục ngoại giao của Trung Quốc và là hướng ưu tiên của ngoại giao láng giềng của Trung Quốc.
Về vấn đề Biển Đông, ông Vương Nghị rõ ràng ám chỉ Mỹ khi nói rằng “cần cảnh giác các nước ngoài khu vực ngang nhiên can thiệp vào các tranh chấp lãnh thổ và vùng biển trong khu vực, kích động ly gián giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, điều một số lượng lớn tàu chiến tối tân và máy bay khiêu khích khắp nơi, trở thành những kẻ gây rối hòa bình và ổn định lớn nhất ở Biển Đông”.
Vương Nghị nói, Biển Đông “không phải và không nên trở thành một đấu trường cho các nước lớn đọ sức, không thể để mặc họ phá hoại tình hình tốt đẹp của hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Ông ta nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết trong “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông”, kiên trì các nước liên quan trực tiếp giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua tham vấn và đàm phán, không sử dụng các hành động đơn phương làm gia tăng mâu thuẫn, mở rộng bất đồng, đồng thời làm sâu sắc hơn hợp tác thiết thực trong lĩnh vực hải dương”.