Tech in Asia: Baemin muốn thu hẹp hoạt động tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Baemin - ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến đến từ Hàn Quốc - quyết định thu hẹp hoạt động ở Việt Nam do cho rằng kinh doanh tại đây 'không bao giờ có lãi', theo Tech in Asia.

Baemin muốn thu hẹp hoạt động tại Việt Nam (Ảnh: Baemin Việt Nam)
Baemin muốn thu hẹp hoạt động tại Việt Nam (Ảnh: Baemin Việt Nam)

“Quyết định thu hẹp hoạt động tại Việt Nam không thể xem nhẹ", bà Cao Thị Ngọc Loan - Giám đốc điều hành tạm thời của Baemin Việt Nam, viết trong một email gửi nhân viên, theo Tech in Asia. “Thật không may, quyết định này đã được đẩy nhanh bởi môi trường giao đồ ăn đầy thách thức ở Việt Nam, với sự cạnh tranh gay gắt và kỳ vọng cao từ người tiêu dùng”, bà Lan cho biết.

Bà Cao Thị Ngọc Loan đảm nhiệm 'ghế nóng' tại Baemin Việt Nam sau khi ông Jinwoo Song từ chức vào tuần trước.

Theo Tech in Asia, hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu nhân viên của Baemin Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm việc làm. Công ty đã ngừng hoạt động tại một số địa phương như Thái Nguyên, Hội An và Bắc Ninh.

Baemin là ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến đến từ Hàn Quốc, thuộc liên doanh giữa Delivery Hero và Woowa Brothers.

Được biết, Foodpanda - thuộc Delivery Hero, đã công bố quyết định giảm số lượng nhân sự ở thị trường châu Á-Thái Bình Dương. Delivery Hero đã xác nhận đang đàm phán để bán Foodpanda tại một số thị trường Đông Nam Á.

Động thái thu hẹp quy mô Baemin Việt Nam được hiểu là một bước hướng tới việc rút lui hoàn toàn khỏi thị trường này, theo Tech in Asia.

Trước đó, hồi tháng 8/2023, tờ Reuters dẫn lời ông Niklas Östberg, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Delivery Hero cho biết, triển vọng của thị trường châu Á là tích cực, ngoại trừ ở Việt Nam, nơi hoạt động kinh doanh “không bao giờ có lãi”.

Baemin Việt Nam chỉ cạnh tranh với các nền tảng như Grab, Gojek và ShopperFood trong lĩnh vực giao đồ ăn mà không cung cấp dịch vụ gọi xe.

Tuy nhiên, nền tảng có thêm dịch vụ giao hàng tạp hóa và vận hành nhà bếp riêng. Công ty này cũng có một dòng sản phẩm tên là Baemin Studio và một thương hiệu làm đẹp có tên Lazy Bee - chỉ bán tại thành phố Hồ Chí Minh và thông qua ứng dụng Baemin.

Theo báo cáo gần đây từ nền tảng Momentum Works, Baemin nắm giữ 12% thị phần vào năm 2022, thấp hơn đáng kể so với 45% của Grab và 41% của ShopeeFood.

Baemin thâm nhập thị trường Việt Nam vào tháng 5/2019 và mua lại ứng dụng giao đồ ăn Vietnammm (sau này đã đóng cửa). Tháng 6/2023, Baemin Việt Nam đã ký hợp tác với Selex Motors để thí điểm sử dụng xe máy điện để giao hàng./.

Nguồn tham khảo: Tech In Asia