NASA có một bề dày lịch sử về các hoạt động ấn tượng và vượt trội trên "Hành tinh Đỏ". Các xe tự hành của họ trên Sao Hỏa hoạt động rất tốt đến mức một số chiếc xe tự hành đã tồn tại trong nhiều năm hay thậm chí là nhiều thập kỷ, đây là một kết quả vượt xa những kỳ vọng ban đầu. Tuy nhiên, không phải thiết bị vũ trụ nào của NASA cũng hoàn hảo và tàu thăm dò InSight là một trong số đó.
Tàu InSight có sứ mệnh thăm dò bề mặt của Sao Hỏa. Về cơ bản, phần lớn những gì tàu thăm dò này đạt được trong suốt quãng thời gian ở trên Sao Hỏa là rất ấn tượng. Hầu hết các công cụ và dụng cụ của nó đều hoạt động chính xác. Tuy nhiên có một công cụ trên InSight hoạt động không được như dự kiến đó chính là The mole hay còn được gọi là Chuột chũi.
Những dấu hiệu trục trặc đầu tiên về thiết bị này đã xuất hiện ngay khi tàu thăm dò hạ cánh xuống Sao Hỏa. Con "chuột chũi" dường như không thể nào đào sâu xuống bề mặt của Sao Hỏa như dự tính. Theo những thông số được NASA cung cấp trước đó, con "chuột chũi" này có thể đào sâu bề mặt lên đến 3 mét. NASA đã cố gắng sử dụng một số biện pháp kỹ thuật trong những tháng sau đó để giúp nó có thể khoan sâu xuống bề mặt sao hỏa nhưng mọi nỗ lực đều bất thành.
NASA đã cố gắng định vị lại vị trí của mũi khoan để nó có thể đào hiệu quả hơn. Tuy nhiên bất kể nhóm phụ trách InSight của NASA làm gì thì nó vẫn không đem lại kết quả khả quan. Tilman Spohn, người phụ trách chính làm việc với công cụ này cho biết: "Chúng tôi đã làm tất cả những gì chúng tôi có thể, nhưng thiết bị vẫn không thể khoan sâu vào bề mặt của Sao Hỏa".
Trong tương lai, có lẽ NASA sẽ cần phải nâng cấp các loại tàu thăm dò để có thể đào sâu và đo nhiệt độ bề mặt của Sao Hỏa qua đó giúp chúng ta có nhiều thông tin hơn về hành tinh vẫn còn nhiều bí ẩn này. Hiện tại tàu thăm dò InSight vẫn đang tiếp tục làm những nhiệm vụ còn lại của mình và đem đến những dữ liệu quý giá về cho Trái Đất.
Thomas Zurbuchen, một nhân viên của NASA cho biết: "Chúng tôi rất tự hào về nhóm của mình, tất cả các thành viên trong nhóm đã làm việc rất chăm chỉ để khắc phục sự cố với hy vọng có thể khoan sâu hơn vào bề mặt Sao Hỏa. Đây là lý do vì sao chúng tôi chấp nhận rủi ro. Ở NASA chúng tôi luôn phải thúc đẩy những giới hạn của công nghệ để có thể biết được điều gì hiệu quả và điều nào không. Chúng tôi đã học được rất nhiều điều có ích cho các sứ mệnh thăm dò Sao Hỏa trong tương lai hay thậm chí là những nơi khác".
Theo BGR