Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc muốn hợp tác với TKV

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – TKV hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, năng lượng, là công ty mẹ gián tiếp của CTCP Đất hiếm Lai Châu – Vimico (Lavreco) - đơn vị quản lý toàn bộ vùng mỏ đất hiếm Đông Pao (Lai Châu).

Toàn cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo CMSC và đoàn công tác của Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc, hôm 23/11 (Nguồn: CMSC)
Toàn cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo CMSC và đoàn công tác của Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc, hôm 23/11 (Nguồn: CMSC)

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) Nguyễn Hoàng Anh mới có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hồ Cổ Hoa – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc – bày tỏ mong muốn tìm kiếm những cơ hội hợp tác trong thời gian tới với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc được thành lập dựa trên cơ sở hợp nhất Tổng công ty Nhôm nhà nước Trung Quốc (Chinalco), Tổng công ty Minmetals Trung Quốc và Tập đoàn đất hiếm Cám Châu.

Việc thành lập Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh sự phát triển bền vững của loại quặng đất hiếm được tìm thấy ở miền nam Trung Quốc và hỗ trợ đầu tư vào công nghệ mới để tách và chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao hơn.

Tập đoàn này có quyền khai thác tài nguyên ở các tỉnh Giang Tây, Sơn Đông, Tứ Xuyên và Hồ Nam, cũng như khu tự trị Quảng Tây.

Đáng chú ý, theo ông Hoa, Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc kiểm soát 37,6% hoạt động khai thác đất hiếm của Trung Quốc, bao gồm gần 70% sản lượng đất hiếm nặng và gần 42% sản lượng phân tách và xử lý quặng ở quốc gia tỉ dân.

Trong khi đó, TKV là doanh nghiệp trực thuộc CMSC, hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, năng lượng.

Như VietTimes từng đề cập, TKV gián tiếp nắm cổ phần chi phối tại CTCP Đất hiếm Lai Châu – Vimico (Laverco) – đơn vị được giao quản lý toàn bộ vùng mỏ đất hiếm Đông Pao (tỉnh Lai Châu). Đây là mỏ đất hiếm có tổng trữ lượng địa chất quy khô hơn 11,3 triệu tấn, lớn nhất Việt Nam, đồng thời có thể khai thác theo quy mô công nghiệp.

Theo Dữ liệu của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, đạt khoảng 22 triệu tấn.

Liên quan đến hoạt động khai thác đất hiếm tại Việt Nam, trung tuần tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 866/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó định hướng phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đất hiếm một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững.

Đối với các doanh nghiệp được cấp phép mới khai thác khoáng sản đất hiếm phải có dự án chế biến đến sản phẩm tối thiểu là tổng các ôxit, hydroxit, muối đất hiếm có hàm lượng TREO ≥ 95%, khuyến khích sản xuất tới nguyên tố đất hiếm riêng rẽ (REO), công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, thu hồi tối đa các khoáng sản có ích đi kèm, đảm bảo môi trường, an toàn về phóng xạ./.