Tập đoàn Adani, Ấn Độ quan tâm nghiên cứu đầu tư Dự án sân bay Chu Lai

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nội dung vừa được ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin tại Họp báo thông tin về tình hình KT-XH 9 tháng 2024 và nhiệm vụ quý IV/2024.

Một góc cảng hàng không Chu Lai (Quảng Nam)
Một góc cảng hàng không Chu Lai (Quảng Nam)

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, vừa qua, đại diện Tập đoàn Sovico, Tập đoàn Adani (Ấn Độ) và Công ty CP Hàng không Vietjet đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề xuất đầu tư Cảng Hàng không quốc tế Chu Lai.

“Hiện UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập tổ công tác giải quyết các hồ sơ, thủ tục và xúc tiến, kêu gọi xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng Hàng không Chu Lai.

Trước mắt là thực hiện các bước nghiên cứu tiền khả thi. Sau khi đánh giá thì mới tiến hành các bước tiếp theo”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay.”

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tháng 6/2023, sân bay Chu Lai được quy hoạch có công suất khoảng 10 triệu khách/năm vào năm 2030, đến năm 2050 đạt khoảng 30 triệu hành khách/năm.

Bên cạnh đó, sân bay Chu Lai được định hướng trở thành trung tâm logistics trung chuyển hàng hóa quốc tế; trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng máy bay lớn của khu vực, có khả năng phục vụ các hãng hàng không nước ngoài... trở thành 1 trong 3 sân bay lớn nhất nước, với tổng diện tích hơn 2.000 ha.

Theo ông Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam, tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý với đề xuất nghiên cứu đầu tư, khai thác Cảng Hàng không Chu Lai theo hình thức xã hội hóa. UBND tỉnh Quảng Nam sau đó đã phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn chỉnh báo cáo Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng Hàng không Chu Lai gửi Trung ương.

vt_le van dung.png
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin tại họp báo

Theo nội dung đề án, giai đoạn đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng nhà ga hành khách đáp ứng công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; nhà ga hàng hóa với công suất khoảng 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Nhu cầu huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng sân bay Chu Lai khoảng 11.000 tỉ đồng. Trong đó, đầu tư khu bay khoảng 3.500 tỉ đồng; sân đỗ khoảng 1.000 tỉ đồng; khu hàng không dân dụng khoảng 6.500 tỉ đồng (chưa bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án đang gặp nhiều vướng mắc về diện tích đất quốc phòng, nên để có thể đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch, thì phải thực hiện thủ tục chuyển đất quốc phòng sang đất hàng không dân dụng. Riêng sân bay Chu Lai, Bộ GTVT đề xuất theo hướng đầu tư khu vực phía Đông trước vì không ảnh hưởng mặt bằng.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết thêm: “Sân bay Chu Lai có tổng diện tích trên 2.000 ha "đất sạch", đất do nhà nước quản lý nên rất thuận lợi trong việc đầu tư. Thực hiện thông báo kết luận của Thủ tướng khi làm việc với tỉnh Quảng Nam năm 2022 về chủ trương, Quảng Nam mong muốn đầu tư sân bay Chu Lai theo hình thức xã hội hoá nên thời gian qua, Quảng Nam đã mời gọi và có nhiều tập đoàn kinh tế lớn đang nghiên cứu, có mong muốn đầu tư sân bay Chu Lai. Và vừa qua, Tập đoàn Adani của Ấn Độ đến làm việc với tỉnh và có nguyện vọng nghiên cứu đầu tư khai thác sân bay Chu Lai. Hiện địa phương đang chờ cấp thẩm quyền xem xét cho chủ trương để triển khai thực hiện”.

Adani Group là tập đoàn lớn nhất Ấn Độ chuyên về cơ sở hạ tầng, năng lượng; sở hữu 14 cảng biển tư lớn nhất tại Ấn Độ, chiếm 25% năng lực cảng biển của Ấn Độ và 7 sân bay của Ấn Độ. Năm 2023, Adani Group ghi nhận doanh thu đạt khoảng 33 tỉ USD, lợi nhuận đạt khoảng 2,9 tỉ USD.