Tân Thống đốc rốt ráo ra tay "dẹp" nợ xấu

Tính tới cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng đã giảm về dưới 3%, còn 2,5%. Tuy nhiên, ngay khi vừa nhậm chức tân Thống đốc Lê Minh Hưng đã ban hành 2 văn bản liên tiếp chỉ đạo việc xử lý rốt ráo “cục máu đông” nợ xấu.
Tân Thống đốc Lê Minh Hưng tỏ ra quyết tâm trong xử lý, dọn dẹp nợ xấu trong hệ thống ngân hàng
Tân Thống đốc Lê Minh Hưng tỏ ra quyết tâm trong xử lý, dọn dẹp nợ xấu trong hệ thống ngân hàng

Dốc sức đưa nợ xấu về dưới 3%

Theo số liệu của Báo cáo kết quả thực hiện phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng tính tới cuối năm 2015 đã giảm về còn 2,5% - dưới ngưỡng 3%. Tuy nhiên, mối lo nợ xấu có nguy cơ “phình” lên khi thực chất những khoản nợ này mới chỉ được “gom” về VAMC, còn thực tế quy mô nợ xấu vẫn còn lớn.

Người tiền nhiệm – nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã “đi được một nửa chặng đường trong xử lý nợ xấu”, và thách thức với tân Thống đốc Lê Minh Hưng là không hề nhỏ.

Có lẽ chính vì vậy mà ngay khi vừa ngồi vào “ghế nóng” điều hành chính sách tiền tệ, tân Thống đốc Lê Minh Hưng đã có ngay những động thái đầu tiên, thể hiện quyết tâm “dẹp” nợ xấu trong hệ thống tín dụng. 

Động thái đầu tiên khi tân Thống đốc ban hành Quyết định số 618/QĐ-NHNN phê duyệt việc xây dựng và triển khai phương án mua nợ xấu theo giá thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Quyết định này quy định cụ thể, chi tiết phạm vi, đối tượng, điều kiện đối với các khoản nợ xấu mua theo giá thị trường, cũng như nguyên tắc xác định giá mua nợ, trình tự thực hiện mua nợ xấu theo giá thị trường; nguồn vốn sử dụng để mua nợ theo giá thị trường; xử lý các khoản nợ xấu đã mua…

Ngoài ra, để rốt ráo hơn trong việc giải quyết nợ xấu, tân Thống đốc cũng vừa ký văn bản số 2588/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu. Theo nội dung văn bản này, tân Thống đốc yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đảm bảo nợ xấu ở mức an toàn dưới 3% tổng dư nợ.

Đồng thời, người đứng đầu cơ quan quản lý tiền tệ cũng yêu cầu các ngân hàng phải tập trung đẩy mạnh, xử lý nợ xấu bằng cách dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho VAMC, đôn đốc thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm, hỗ trợ khởi kiện khách hàng và phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc thi hành các bản án có hiệu lực và các hình thức khác; kiểm soát chất lượng tín dụng và nợ xấu, nợ quá hạn.

Đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu năm 2016 và gửi NHNN qua NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với các quỹ tín dụng nhân dân; qua cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài… trước ngày 28/4/2016.

 “Tổng kết” của NHNN cho thấy, giai đoạn 2013-2015, VAMC đã mua 24.512 khoản nợ, tương ứng với 243.335 tỷ đồng dư nợ gốc, giá mua là 207.909 tỷ đồng.

Nợ xấu mua về chỉ để “thờ”

Đồng tình với những chỉ đạo quyết liệt của tân Thống đốc Lê Minh Hưng, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn xử lý dứt điểm nợ xấu, căn cơ vẫn phải có thị trường mua bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo, nếu không nợ xấu mua về chỉ để ... thờ.

Chia sẻ với Infonet, TS. Trần Hoàng Ngân – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing (TP. Hồ Chí Minh) nhìn nhận, nợ xấu phải được xử lý dứt điểm chứ không thể kéo dài thêm.

Ông Ngân phân tích, vừa rồi nợ đang được “tập trung” về VAMC và cơ quan này đóng vai trò “nhà kho lưu giữ nợ xấu”. Nợ xấu được mua gom về VAMC khi thị trường bất động sản (BĐS) chưa ấm lên, nên chỉ có thể tách nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản của các ngân hàng để tiền tệ, rồi tín dụng có thể lưu thông. Khi tín dụng “thông” sẽ làm tăng dư nợ và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

“Với điều kiện bối cảnh như vừa qua thì việc xử lý nợ xấu của NHNN theo tôi là hợp lý, hữu hiệu nhất” – TS. Trần Hoàng Ngân nhận xét.

Tuy nhiên, bối cảnh thị trường hiện tại, ông Ngân cho rằng, đã khác trước, khi thị trường bất động sản đang ấm dần lên, hướng giải quyết nợ xấu theo đó cũng phải căn cơ triệt để hơn.

“Bước đi tiếp theo, tân Thống đốc cùng các cộng sự của mình phải xử lý dứt điểm và triệt để hơn “cục máu đông” này”- ông Ngân bình luận và đề xuất, ngoài giải pháp vừa được NHNN đưa ra thì cần tính toán, mổ xẻ “cục nợ” để thanh lý, đấu giá... rồi đẩy nhanh việc hình thành thị trường mua bán nợ.

“Điều kiện hiện giờ khá thuận lợi do thị trường bất động sản đã ấm lên, việc bán đấu giá tài sản nằm “chết” trong thị trường này giờ đã có tới thời điểm “chín”, vì thế không nên chần chừ”- vị chuyên gia này nêu quan điểm.

Cũng nhấn mạnh tới việc phải phát triển thêm thị trường mua bán nợ xấu, mua bán tài sản, TS. Trần Du Lịch nói thẳng, “không chỉ là bán nợ xấu theo giá thị trường mà phải tạo lập thị trường cho những “món hàng” này được giao dịch”- ông Lịch nói.

Thực tế, việc xây dựng thị trường mua bán nợ đúng nghĩa đã được các chuyên gia nhắc tới khá nhiều với quan điểm đây chính là “nút thắt” để “gỡ” nợ xấu, tuy nhiên việc hình thành thị trường như vậy không dễ.

Đơn cử quyền chủ nợ trong bán tài sản quy định như thế nào trong thị trường mua bán, giao dịch, TS. Trần Du Lịch nhìn nhận, “điểm vướng” lớn nhất chính là hệ thống pháp luật.

“Một mình NHNN không thể tự giải quyết hết những thứ nằm ngoài hệ thống ngân hàng, nên cần có một chính sách, cơ chế tổng thể xử lý những bất cập trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, cần có sự phối hợp của nhiều đầu mối cơ quan khác nhau, mới mong hình thành được thị trường mua bán nợ. Từ đó nợ xấu mới giải quyết triệt để, nếu không VAMC mua nợ xấu về cũng chỉ để “thờ” – chuyên gia Trần Du Lịch thẳng thắn.

Theo Infonet