Taliban bị nghi ngờ giết hại dã man nhà báo Ấn Độ sau khi bị bắt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Danish Siddiqui, phóng viên Reuters hồi giữa tháng 7 bị thương khi tới Afghanistan đưa tin. Khi lực lượng chính phủ rút lui, ông rơi vào tay Taliban rồi bị giết hại, thi thể còn bị Taliban xả đạn hủy hoại.
Các đồng nghiệp của Danish Siddiqui thắp nên tưởng nhớ ông (Ảnh: Reuters).
Các đồng nghiệp của Danish Siddiqui thắp nên tưởng nhớ ông (Ảnh: Reuters).

Theo hãng tin Anh Reuters hôm 23/8, Danish Siddiqui là phóng viên ảnh 38 tuổi người Ấn Độ của hãng này. Khi Taliban bắt đầu tấn công vào các thành phố Afghanistan hồi tháng 6, ông Siddiqui đã yêu cầu cấp trên cử ông đến Afghanistan để đưa tin về cuộc chiến. Khi đó, ông nói: “Nếu tôi không đi, thì ai sẽ đi?".

Reuters sau đó đã chấp thuận yêu cầu của Danish Siddiqui. Ngày 11/7, ông đã đến căn cứ của Lực lượng Đặc biệt Afghanistan ở thành phố chiến lược Kandahar, miền nam nước này, đi theo một đội quân gồm hàng trăm chiến binh tinh nhuệ để đưa tin từ chiến trường.

Nhà báo Danish Siddiqui (Ảnh: Reuters).

Nhà báo Danish Siddiqui (Ảnh: Reuters).

Vào ngày 13/7, Siddiqui cùng đơn vị này tham gia vào nhiệm vụ giải cứu một cảnh sát bị Taliban bao vây, nhiệm vụ đã thành công, nhưng đoàn xe của ông đã bị lực lượng Taliban tấn công bằng đạn hỏa tiễn RPG khi quay trở về. Chiếc Humvee chở ông đã bị trúng một quả đạn. Ống kính của Siddiqui đã ghi lại ánh lửa và chiếc xe rung lên dữ dội tại thời điểm bị trúng quả rocket. Các đội viên đặc nhiệm vẫn tiếp tục lái xe thoát ra khỏi lửa đạn mịt mù, cảnh tượng rất bi tráng.

Trong vụ bị Taliban phục kích này, toán quân Siddiqui đi cùng bị mất 3 xe, nhưng rất may là ông không bị thương.

Sau đó, Siddiqui đã đăng tải các bức ảnh và video về vụ bị tấn công lên Twitter. Nhiều bạn bè lo ngại về sự an toàn của ông. Siddiqui trấn an bạn bè rằng công ty bảo hiểm đã đánh giá các vấn đề an toàn và nhấn mạnh: "Đừng lo lắng, tôi biết khi nào cần thoát ra ngoài".

Bức ảnh Danish Siddiqui đăng lên Twitter hôm 13/7 chụp ông nằm nghỉ bên các lính đặc nhiệm Afghanistan.

Bức ảnh Danish Siddiqui đăng lên Twitter hôm 13/7 chụp ông nằm nghỉ bên các lính đặc nhiệm Afghanistan.

Nhưng ba ngày sau, thần may mắn đã không quan tâm đến ông nhiều như lần trước. Vào ngày 16/7, đơn vị này đã được điều động để chiếm lại thành phố biên giới Spin Boldak, cửa ngõ chính dẫn sang Pakistan.

Theo nội dung cuộc liên lạc được Siddiqui báo cáo với Reuters và chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Afghanistan, ban đầu, ông bị thương vì trúng mảnh đạn rocket, sau đó ông được đưa đến một nhà thờ Hồi giáo gần đó để chữa trị vết thương. Khi đơn vị này rút đi, Siddiqui cùng hai binh sĩ bị thương khác đã bị họ bỏ lại trong lúc hỗn loạn.

Thiếu tướng Haibatullah Alizai, người khi đó là Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm Afghanistan cho biết, trong trận chiến ác liệt, rõ ràng các thành viên trong nhóm lầm tưởng rằng Siddiqui và hai người lính đi cùng đã di tản nên đã bỏ họ ở lại đó. Giả thuyết của ông sau đó đã được 4 binh sĩ khác xác nhận.

Ông Danish Siddiqui nhận giải thưởng Pulitzer năm 2018 (Ảnh: Reuters).

Ông Danish Siddiqui nhận giải thưởng Pulitzer năm 2018 (Ảnh: Reuters).

Taliban sau đó đã trao trả thi thể của Siddiqui. Hiện vẫn chưa rõ ông đã bị chúng giết như thế nào, nhưng theo ảnh chụp, tình hình và kết quả khám nghiệm tử thi, cho thấy thi thể của ông đã bị hủy hoại nghiêm trọng khi rơi vào tay Taliban sau khi ông đã bị giết chết.

Chuyên gia về đường đạn người Anh Phillip Boyce đã kiểm tra và so sánh các bức ảnh chụp cơ thể của Siddiqui và chụp X-quang, và kết luận rằng Siddiqui "đã bị bắn nhiều phát đạn sau khi bị giết". Ngoài ra, tờ Daily Mail của Anh đưa tin, có thông tin cho rằng thi thể của ông Siddiqui đã bị một chiếc ô tô cán qua. Nhưng ông Boyce nói tình trạng các các vết thương trong bức ảnh chụp cho thấy đây là loại thương tích do bị súng bắn.

Bức ảnh về người Rohingya Myanmar mang lại giải Pulitzer cho ông Danish Siddiqui.

Bức ảnh về người Rohingya Myanmar mang lại giải Pulitzer cho ông Danish Siddiqui.

Trước những cáo buộc hủy hoại thi thể của nhà báo Siddiqui, phía Taliban đã lên tiếng phủ nhận. Người phát ngôn chính của Taliban, Zabihullah Mujahid tuyên bố rằng khi tìm thấy thi thể của Shidigui, họ thấy đã có những vết thương này trên cơ thể ông.

Danish Siddiqui là một nhà báo rất nổi tiếng ở Ấn Độ, ông và các đồng nghiệp của mình đã giành được giải thưởng Pulitzer về "Feature Photography” (Nhiếp ảnh đặc tả) cho bức ảnh về vấn đề người tị nạn Rohingya ở Myanmar năm 2018. Ông qua đời để lại hai con còn nhỏ.

Cái chết của Danish Siddiqui khiến Reuters đối mặt với sự chia rẽ và tức giận. Một số phóng viên hoài nghi liệu công ty đã cung cấp các biện pháp an ninh đầy đủ cho ông hay không.

Một bức ảnh ông Siddiqui chụp hôm 13/7 khi đoàn xe chở ông bị tấn công.

Một bức ảnh ông Siddiqui chụp hôm 13/7 khi đoàn xe chở ông bị tấn công.

Reuters chỉ ra rằng, việc họ chấp thuận cho Danish Siddiqui tới Afghanistan đưa tin là một quyết định chung được đưa ra sau khi các chuyên gia bên ngoài và nhân viên an ninh nội bộ đánh giá. Tổng Biên tập Reuters Alessandra Galloni nói trong bản tuyên bố: “Là Tổng biên tập, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định này". Cái chết của ông Danish Siddiqui hiện vẫn đang được điều tra.

Tuyên bố viết: " Danish Siddiqui là một nhà báo xuất sắc, một người chồng và người cha tận tụy với gia đình, một nhà báo được các đồng nghiệp yêu quý. Vào thời điểm đau thương này, chúng tôi chân thành chia buồn với gia đình anh ấy".

Siddiqui đã báo cáo về công ty rằng ông bị thương vì mảnh đạn và bị thương ở cánh tay trong khi đi lấy tin vào đầu ngày hôm đó. Khi Taliban rút khỏi Spin Boldak, vết thương của ông đã được băng bó và ông đang nghỉ ngơi.

Ảnh ông Siddiqui chụp về dịch COVID-19 ở Ấn Độ.

Ảnh ông Siddiqui chụp về dịch COVID-19 ở Ấn Độ.

Chỉ huy quân chính phủ Afghanistan cho biết khi Taliban tiến hành một cuộc tấn công khác, Siddiqui đang nói chuyện với chủ một cửa hàng. Reuters không thể xác nhận liệu các chi tiết mà người này nói có chính xác hay không.

Theo thống kê của "Committee to Protect Journalist” (Ủy ban Bảo vệ các nhà báo), từ năm 2010 đến nay, đã có hơn 600 nhà báo đã bị giết trên toàn thế giới. Afghanistan là nơi đặc biệt nguy hiểm, trong số 35 nhà báo bị lấy đi tính mạng khi đang đưa tin ở đây, có tới 28 người là nhà báo địa phương.