Tại sao máy bay ném bom Tu-95 vẫn được Nga trọng dụng?

Tupolev Tu-95 lần đầu tiên “cất tiếng gầm” trên bầu trời Liên Xô vào giữa những năm 1950. Tại sao “gã khổng lồ” ném bom này vẫn được trọng dụng sau 60 năm kể từ khi xuất hiện? Dưới đây là câu trả lời.
Máy bay chiến đấu F3 Tornado của Không quân Hoàng gia Anh áp sát một chiếc Tu-95 của Nga trên vùng trời Bắc Đại Tây Dương tháng 9/2007.
Máy bay chiến đấu F3 Tornado của Không quân Hoàng gia Anh áp sát một chiếc Tu-95 của Nga trên vùng trời Bắc Đại Tây Dương tháng 9/2007.

KỲ 1: SỰ LỰA CHỌN THÔNG MINH

Xuất hiện lần đầu tiên vào giữa những năm 1950, phi cơ Tupolev Tu-95 là hình ảnh thu nhỏ của sức mạnh quân sự Liên Xô. Ngay cả tên hiệu - Bear (Gấu) - cũng thể hiện kích cỡ to lớn và sức mạnh ghê gớm của nó. Năm 1956, Tu-95 lần đầu tiên xuất hiện trước các quan sát viên phương Tây, vào thời điểm đang diễn ra cuộc cách mạng trong ngành thiết kế hàng không. Một thập niên sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2 cũng là lúc công nghệ máy bay phản lực phát triển. Thế nhưng khi đó, Tu-95 sử dụng các động cơ cánh quạt, điều được cho là lạc hậu trong giai đoạn hiện nay.

Cho đến nay, không mấy ai tin rằng loại máy bay này vẫn còn được sử dụng ở tuyến đầu sau gần 60 năm, trong các vai trò là chiến đấu cơ ném bom chiến lược, tuần tra trên biển và do thám. Gần đây, Tu-95 đã xuất hiện trên nhiều trang báo ở Anh sau việc có hai chiếc thuộc loại này đã bị các chiến đấu cơ của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) hộ tống ra xa ngoài khơi nước Anh. 

Đó là cách tuần tra truyền thống của Tu-95 trong giai đoạn cao trào của thời Chiến tranh Lạnh, và nước Nga gần đây bắt đầu áp dụng trở lại. Nhưng việc vì sao Không quân Nga vẫn tiếp tục dựa vào cỗ máy này, gần 60 năm sau lần đầu ra mắt, chứ không phải là các dòng phi cơ mới hơn, hiện đại hơn, vẫn là một câu chuyện hấp dẫn, không theo xu hướng “giật gân câu khách”. 

Tu-95 tiếp tục tồn tại, tiếp tục được sử dụng một phần là nhờ tầm nhìn xa trông rộng của người đã thiết kế ra nó. Andrei Tupolev, nhà thiết kế máy bay cỡ lớn hàng đầu của Liên Xô cũ, là một kỹ sư tài năng. Vị chuyên gia này đã góp phần chế tạo ra chiếc phi cơ đầu tiên có khả năng mang bom hạt nhân của Liên Xô, chiếc Tu-4 'Bull'. Đây là chiếc phi cơ phỏng theo kỹ thuật của chiếc Boeing B-29 Superfortress (pháo đài bay B-29) từng thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản. Trong chiến dịch ném bom của Mỹ xuống Nhật Bản trước khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, có một số chiếc phi cơ tiên tiến này đã rơi xuống lãnh thổ Liên Xô.

Với Tu-4, Không quân Liên Xô có trong tay chiếc máy bay ném bom hạt nhân đầu tiên. Tuy nhiên, nó chỉ di chuyển được trong phạm vi quá ngắn, không đủ để bay từ các căn cứ Liên Xô tới Mỹ. Do đó, năm 1952, Tupolev và kỹ sư Myasishchev được yêu cầu phải thiết kế ra loại phi cơ ném bom có tải trọng 11 tấn bom và phải bay xa được 8.000km, đủ để từ căn cứ của Nga bay vào trung tâm nước Mỹ. 

Ông Myasishchev đã chọn xây dựng một chiếc máy bay phản lực bốn động cơ, M-4 'Bison', áp dụng tối đa khả năng kỹ thuật hiện đại nhất của Liên Xô khi đó. Về phần mình, ông Tupolev quyết định dùng cả các kỹ thuật thử nghiệm lẫn những gì đã chứng tỏ được là đáng tin cậy, và thiết kế ra máy bay cánh quạt nhưng lại dựa trên thế hệ máy bay phản lực đầu tiên. Đây thực sự là một sự lựa chọn thông minh!

Đánh giá về sự lựa chọn trên, chuyên gia phân tích hàng không thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) Douglas Barrie nhận định: "Phương pháp tiếp cận truyền thống đã được phát triển thành một loại phi cơ ném bom tầm xa và được coi là cách tiếp cận ít rủi ro hơn so với M-4 Bison của Myasishchev".

Tu-95 là một chiếc phi cơ khổng lồ, dài 46m và có sải cánh 50m. Ở trạng thái không tải, nó nặng 90 tấn. Tu-95 có bốn động cơ cực lớn, loại turbine khí, cung cấp lực cho tám bộ cánh quạt phản lực với mỗi bộ cánh có chiều dài khoảng 5,5m, đủ để đẩy chiếc phi cơ đạt vận tốc tối đa trên 800km/h, tức là nhanh gần bằng các loại phi cơ hiện đại. 

Nhà thiết kế Tupolev đã đúng khi nhận định rằng kỹ thuật máy bay phản lực trước đây sẽ không thể đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, tức là vừa phải chở được trọng lượng lớn, vừa phải bay được tầm xa một cách nhanh chóng; trong khi thiết kế của Myasishchev đã hoàn toàn thất bại.

Theo: Báo Tin tức