Thứ trưởng Ngoại giao Datuk Hamzah Zainuddin vừa lên tiếng khẳng định rõ ràng rằng Malaysia và các nước ASEAN không chấp nhận đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên biển Đông. Ông mô tả bản đồ “đường chín đoạn” của Bắc Kinh hoàn toàn vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Tuần trước, chính quyền Kuala Lumpur đã chỉ trích dữ dội việc tàu cảnh sát biển Trung Quốc xâm nhập sâu vào vùng nước của Malaysia ở phía bắc đảo Borneo. Đó là bãi cạn Luconia, khu vực nằm rất sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia và cách Trung Quốc tới 2.000km.
Khi đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi “tỉnh bơ” nói không biết gì về vụ tàu cảnh sát biển nước này lần mò tới bãi cạn Luconia; còn đại sứ Trung Quốc ở Malaysia mô tả đó là “chuyện bình thường”.
Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Tun Hussein tuyên bố các nước ASEAN cần chung sức giải quyết vấn đề biển Đông.
“Nếu đơn độc, các nước nhỏ như chúng ta sẽ không thể xử lý những vấn đề lớn liên quan tới các cường quốc. Nhưng chúng ta có 10 nước ASEAN. Nếu chúng ta đồng lòng, cùng chung sức thì không cường quốc nào có thể đe dọa chúng ta” |
Ông Hussein khẳng định một cách mạnh mẽ ASEAN cần chung sức giải quyết vấn đề biển Đông. |
Những tuyên bố dữ dội của Malaysia khiến rất nhiều chuyên gia quốc tế ngạc nhiên, bởi từ trước đến nay Kuala Lumpur luôn chọn giải pháp “an toàn”, không lớn tiếng với Trung Quốc. Chính phủ Malaysia luôn nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế - thương mại với Trung Quốc.
Liên tục xâm phạm trái phép
Trên tạp chí The Diplomat, nhà phân tích Prashanth Parameswaran thuộc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN nhận định các phản ứng mới đây cho thấy Malaysia ngày càng lo ngại với những động thái gây hấn và hiếu chiến của Trung Quốc trên biển Đông.
Trên thực tế trong hai năm 2013 và 2014, tàu Trung Quốc đã rất nhiều lần xâm nhập trái phép vùng biển của Malaysia. Tháng 3-2013, bốn tàu chiến Trung Quốc tiến vào bãi cạn James chỉ cách bờ biển Malaysia vỏn vẹn 50 hải lý.
Một tháng sau, một tàu tuần tra Trung Quốc lại mò tới bãi cạn James và cắm những thanh thép “đánh dấu chủ quyền”. Tháng 1-2014, ba tàu đổ bộ của quân đội Trung Quốc tuần tra ở bãi cạn James. Khi đó Tân Hoa xã đưa tin các sĩ quan trên ba tàu này thề “bảo vệ chủ quyền và lợi ích hàng hải” của Trung Quốc.
“Rõ ràng hành vi của Trung Quốc là mối đe dọa đối với cả đòi hỏi chủ quyền của Malaysia trên biển Đông và cả sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia” - chuyên gia Parameswaran nhận định. Có thể thấy rõ đến Malaysia, một đối tác kinh tế thân cận của Trung Quốc, cũng đã nhận ra dã tâm vô bờ bến của Bắc Kinh trên biển Đông.
Và nguy cơ xung đột trên biển Đông càng trở nên rõ ràng hơn khi Trung Quốc đang tăng tốc xây các đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông để quân sự hóa vùng biển này.
Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hussein cảnh báo: “Nếu không cẩn trọng, tranh chấp biển Đông có thể trở thành một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất trong thời đại chúng ta”.
Cuối cùng thì người Malaysia cũng đã tỉnh giấc mộng về “người bạn Trung Quốc“.
Philippines điều trần về vụ kiện Trung Quốc Theo AFP, hôm qua 15-6, Bộ Ngoại giao Philippines thông báo nước này sẽ ra điều trần trước Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) từ ngày 7 đến 13-7. Các quan chức Philippines cùng đội ngũ luật sư Mỹ sẽ tranh luận về việc phải đưa Trung Quốc ra tòa vì đòi hỏi chủ quyền vô lý trên biển Đông. Cuộc điều trần sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc PCA quyết định đơn kiện của Manila có giá trị pháp lý hay không. |
Theo: Tuổi Trẻ