Tại sao các nước chưa áp dụng chu kỳ thanh toán T+0?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhiều quốc gia đã áp dụng chu kỳ thanh toán T+2, thậm chí là T+1, đối với giao dịch cổ phiếu. Nhưng để tiến tới chu kỳ thanh toán T+0 là một câu chuyện khác, không chỉ dừng lại ở các giải pháp công nghệ.

Như VietTimes từng đề cập, Uỷ ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã áp dụng cơ chế thanh toán T+2 cho phần lớn các loại chứng khoán (bao gồm cổ phiếu, trái phiếu) kể từ năm 2017. Việc rút ngắn thời gian giao dịch đã đem lại một số tác động tích cực, giúp vòng quay vốn của nhà đầu tư diễn ra nhanh hơn, cải thiện thanh khoản.

Tuy nhiên, trong năm 2021, khi cơn 'sóng thần' cổ phiếu GameStop, AMC và các cổ phiếu 'meme' khác diễn ra, cơ chế thanh toán T+2 dường như là chưa đủ đáp ứng nhu cầu một bộ phận nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.

Tại sao SEC chưa áp dụng chu kỳ thanh toán T+0?

Hồi tháng 2/2022, trong một bài viết có tựa đề "T+0? More Risk, Fewer Benefits" (tạm dịch: T+0? Rủi ro nhiều hơn, lợi ích ít đi), Kenneth E. Bentsen Jr – Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thị trường tài chính và Công nghiệp chứng khoán (SIFMA) – cho biết cơ quan này đã tiến hành các cuộc khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng về việc có nên tiếp tục rút ngắn chu kỳ thanh toán (settlement cycle) về T+0 hoặc 'cuối phiên giao dịch' (end of day).

Tổ chức này thấy rằng, việc rút ngắn chu kỳ thanh toán về T+0 có thể gây tốn kém hơn trong hoạt động thị trường, từ đó ảnh hưởng đến các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nhỏ lẻ, thậm chí còn làm gia tăng rủi ro.

"Chuyển sang chu kỳ thanh toán T + 1 là một công việc phức tạp và đòi hỏi việc lập kế hoạch, thực hiện và tiến hành các thử nghiệm quan trọng. Hơn nữa, nó sẽ đòi hỏi những thay đổi đáng kể trong hoạt động thị trường. Khi biết những thay đổi là cần thiết, một số người đã hỏi tại sao không chuyển sang T + 0 hoặc 'T end of day', chứ không phải T + 1.

Đó là một câu hỏi hợp lý và cũng là vấn đề mà chúng tôi đã cân nhắc. Câu trả lời nằm ở một vấn đề quan trọng, mang tính cơ bản, đó là: Liệu lợi ích có lớn hơn rủi ro không? Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy câu trả lời là Không", Kenneth E. Bentsen Jr viết.

Kenneth E. Bentsen Jr - CEO SIFMA

Kenneth E. Bentsen Jr - CEO SIFMA

Theo vị chuyên gia này, việc rút ngắn thời gian thanh toán giữa ngày giao dịch (trade date) và ngày thanh toán (settlement date) dựa trên một giả định cơ bản rằng nó sẽ giúp giảm thiểu rủi ro. Việc rút ngắn chu kỳ thanh toán từ T+2 sang T+1 sẽ mang lại lợi ích tối ưu cho các nhà tư và thị trường. Tuy vậy, điều này sẽ không còn đúng khi chu kỳ thanh toán được rút ngắn xuống T+0.

Nghiên cứu của SIFMA chỉ ra rằng, việc rút ngắn chu kỳ thanh toán xuống dưới một ngày (T+0) sẽ tạo ra nhiều rủi ro hơn mà không tạo ra các lợi ích gia tăng nào đối với các chủ thể tham gia trên toàn thị trường. Không phải ai cũng dễ dàng đáp ứng được chu kỳ T+0 do những giới hạn của quy trình, cơ sở hạ tầng và cơ chế hoạt động của từng nhóm đối tượng liên quan.

Theo đó, những nhà đầu tư nhỏ lẻ với nguồn lực hạn chế sẽ gặp bất lợi khi muốn thực hiện các khoản đầu tư cần thiết. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ không có tài khoản cấp vốn trước (pre-funding accounts) hoặc vẫn sử dụng séc, sẽ phải thay đổi thói quen giao dịch.

Cùng với đó, T + 0 có thể sẽ dẫn đến nhiều sai sót hơn trong hệ thống. Việc 'nén' thời gian giải quyết xuống T + 0 sẽ tăng xác suất phát sinh lỗi và khi đó, sẽ có rất ít hoặc không có thời gian để thực hiện việc sửa chữa và nhiều giao dịch sẽ thất bại. Điều này có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn trong những giai đoạn thị trường biến động, có giao dịch với khối lượng lớn.

Ngoài ra, T + 0 sẽ tác động đến nỗ lực tuân thủ của các công ty để xác định và loại bỏ tận gốc tội phạm mạng hoặc gian lận. Khi chứng khoán và tiền mặt được trao đổi, các công ty thực hiện xác nhận và kiểm soát rủi ro. T+0 sẽ không cho phép việc kiểm tra và áp dụng các biện pháp kiểm soát thích hợp.

Chuyện T+0 ở Ấn Độ

Sàn giao dịch chứng khoán Ấn Độ - National Stock Exchange of India Limited (NSE) – bắt đầu áp dụng cơ chế thanh toán T+1 từ tháng 2/2022.

Hoạt động này cũng dẫn đến một câu hỏi khác: Tại sao không thể có chu kỳ thanh toán T+0 ở Ấn Độ, nơi UPI (hệ thống thanh toán trực tuyến) có thể đáp ứng được gần 4 tỉ giao dịch chuyển khoản ngân hàng mỗi tháng (?!).

Nithin Kamath được biết tới là tỉ phú tự thân trẻ nhất Ấn Độ (Ảnh: The Economic Times)

Nithin Kamath được biết tới là tỉ phú tự thân trẻ nhất Ấn Độ (Ảnh: The Economic Times)

Dẫn lời trên The Economic Times, Nithin Kamath – nhà sáng lập Zerodha, một sàn môi giới của Ấn Độ - cho biết, hoạt động thanh toán trên thị trường chứng khoán không giống như việc chuyển tiền giữa 2 tài khoản trong hệ thống ngân hàng. Nó bao gồm 2 hoạt động chính, chuyển giao chứng khoán và tiền.

"Phần lớn khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán là từ các nhà giao dịch trong ngày (intraday trading). Họ mua và bán cổ phiếu mà không cần lấy hoặc giao cổ phiếu. Vì vậy, nếu bạn đã mua cổ phiếu của một công ty từ một nhà giao dịch trong ngày trên sàn giao dịch, anh ta có thể không có cổ phiếu nào để chuyển ngay vào tài khoản của bạn", Kamath lý giải.

Thông thường, các nhà giao dịch trong ngày này sẽ đóng vị thế của mình trước khi kết thúc ngày. Vào cuối ngày, các nghĩa vụ mua - bán sẽ được tổng kết lại và các nhà môi giới sẽ chuyển cổ phiếu, tiền cho các công ty thanh toán bù trừ để hoàn tất giao dịch./.

Nguồn tham khảo:

https://economictimes.indiatimes.com/markets/stocks/news/t1-settlement-is-here-but-why-not-t0-nithin-kamath-explains/articleshow/87626593.cms?from=mdr

https://www.wsj.com/articles/its-t-0-to-go-faster-than-t-2-11614207705

https://www.sifma.org/resources/news/t0-more-risk-fewer-benefits/