Giới nhà giàu Nga đã vươn lên từ con số 0 để tích lũy của cải với một mức độ không thể tưởng tượng được. Thế nhưng, báo Anh The Telegraph nhận định kỷ nguyên của các nhà tài phiệt Nga đang đi đến chỗ kết thúc trong bối cảnh giá dầu lao dốc và đồng rúp sụp đổ khiến một số người giàu nhất thế giới gánh chịu những thiệt hại to lớn chưa từng có.
Thiệt hại nặng nề
Nhìn chung, 13 nhân vật thuộc nhóm siêu giàu ở Nga - với tổng tài sản khoảng 130 tỉ USD - đã thiệt hại 11,1 tỉ USD chỉ trong vòng 10 ngày giao dịch vào thời điểm giá dầu tụt xuống dưới 30 USD/thùng hồi tháng 1-2016 và nền kinh tế Nga rơi vào tình trạng căng thẳng, theo dữ liệu của trang tin Bloomberg.
Trong đó, tỉ phú Roman Abramovich - chủ sở hữu CLB Bóng đá Anh Chelsea, từng kiếm được hàng tỉ USD qua việc bán công ty dầu khổng lồ Sibneft - thiệt hại khoảng 820 triệu USD. Còn ông trùm thép Alisher Usmanov, nắm giữ quyền sở hữu 1/3 tài sản đội bóng đá Arsenal, ước tính đã mất 910 triệu USD kể từ đầu năm 2016.
Các khu vực công nghiệp Nga, từ thép đến khai thác mỏ, đã đi tiên phong trong việc bán cổ phiếu khi đồng rúp sụt giảm giá trị. Thực tế, giá trị tài sản giảm mạnh trên khắp thế giới là nỗi đau đặc biệt đối với giới nhà giàu Nga.
Trong tình hình rối loạn như thế, thiệt hại của Vladimir Potanin - một trong những người giàu nhất nước Nga qua các công ty khai thác mỏ - đã lên đến 1,3 tỉ USD và tài sản của ông còn 13,3 tỉ USD. Tài sản của tỉ phú Leonid Mikhelson, Chủ tịch và Giám đốc điều hành công ty khí đốt khổng lồ Novatek, cũng mất 1,5 tỉ USD và giá trị tài sản của ông giảm còn 11,5 tỉ USD.
Căn cứ vào tình hình bất ổn ở Nga, nhiều nhà tài phiệt nước này đã chọn phương án đưa tiền bạc của họ ra nước ngoài. Việc chuyển tiền mặt ồ ạt ra khỏi nước Nga đã dẫn đến hiện tượng giá trị mọi loại tài sản trên khắp thế giới tăng vọt, từ tác phẩm nghệ thuật, du thuyền sang trọng cho đến bất động sản cao cấp.
Từ đó, giới nhà giàu Nga mới nổi đối mặt thực tế giàu có nhưng thu nhập thấp, những ngôi nhà sang trọng không tạo ra tiền, trong khi khối tài sản như du thuyền, máy bay riêng, trực thăng riêng và các CLB bóng đá tốn phí hàng triệu USD mỗi năm.
Đối với một tỉ phú Nga trung bình, tình hình còn tệ hại hơn khi tiền tệ nước này mất giá thảm hại, họ chi tiêu bằng USD và bảng Anh. Trong khi đó, cổ tức từ những cổ phần ở các công ty Nga sụt giảm do đồng rúp giảm giá trị.
Ra nước ngoài
Ông chủ CLB Bóng đá Chelsea Roman Abramovich là nhân vật nổi bật nhất liên quan đến việc rời khỏi Nga và chọn London làm nhà. Tỉ phú này đã tạo dựng cơ đồ qua việc bán phần góp vốn ở Tập đoàn Thép Rusal với giá 3 tỉ USD vào năm 2003 và kiếm được 10 tỉ USD nhờ bán Công ty Dầu Sibneft cho Gazprom 2 năm sau đó. Chưa hết, ông còn kiếm được 5 tỉ USD tiền cổ tức và tiền bán cổ phần.
Giống như những gì liên quan đến các nhà tài phiệt Nga, thật khó xác định con số chính xác thu nhập của tỉ phú Abramovich vì nó rất ít khi được công khai. Tuy nhiên, căn cứ vào những cổ phần ở các thực thể tại London, có thể xác nhận vốn đầu tư của Abramovich đang sụt giảm mạnh: Phần vốn góp của ông chiếm 29,1% ở Công ty Thép và Khai thác mỏ Evraz, trụ sở ở London, đã giảm giá trị 60% trong vòng 12 tháng qua.
Ông cũng sở hữu 32% cổ phần ở Công ty Khai thác vàng Highland Gold. Phần góp vốn này trong năm 2007 đã tăng lên khoảng 150 xu/cổ phần nhưng từ đó đến nay đã giảm hơn 60%. Trong khi đó, cổ phần ở các công ty nhỏ liên quan đến năng lượng và công nghệ - như AFC Energy, Velocys và Propell Technologies - đem lại những kết quả lẫn lộn.
Tuy nhiên, không phải tất cả tỉ phú Nga đều thành công khi bất động sản ở nước này rơi vào tình cảnh hẩm hiu do đồng rúp giảm giá mạnh. Đồng rúp Nga chỉ còn giá trị hơn một nửa so với đồng bảng Anh trong vòng 2 năm qua.
Tỉ phú Abramovich cũng sở hữu những bức tranh nổi tiếng của các họa sĩ như Francis Bacon và Lucian Freud với tổng trị giá trên 200 triệu USD. Năm 2015, ông đã phải bán bức “Benefits Supervisor Sleeping” của Lucian Freud với giá 33,6 triệu USD. Hơn nữa, giá trị các “đồ chơi” của Abramovich, như chiếc siêu du thuyền Eclipse và đội siêu xe, đang lung lay. Giá trị CLB Bóng đá Chelsea tăng lên nhưng số tiền ông chi vào đây đã vượt quá 2,8 tỉ USD.
Tình trạng thị trường chứng khoán và hàng hóa sụt giảm mạnh đã cắt xén bớt đôi cánh của các nhà tài phiệt Nga, không cho họ bay cao, bay xa thêm nữa và chấm dứt kỷ nguyên mở rộng tầm ảnh hưởng của giới siêu giàu nước này.
Năm 2015: Mất 8 tỉ USD
19 tỉ phú Nga trong số 400 người giàu nhất thế giới theo chỉ số của hãng tin Bloomberg đã thiệt hại 8 tỉ USD trong năm 2015. Tài sản của tất cả nhân vật trong danh sách này đã giảm sút 19 tỉ USD. Theo đó, tỉ phú Viktor Vekselberg - Chủ tịch HĐQT tập đoàn tư nhân Renova, được xếp hạng 69 trong danh sách những người giàu nhất thế giới với tài sản trị giá 12,6 tỉ USD - là người Nga thiệt hại nhiều nhất khi tài sản giảm bớt 1,6 tỉ USD.
Một năm trước, các công dân Nga giàu nhất nước này đã thiệt hại 55 tỉ USD do lệnh trừng phạt của phương Tây. Trước tháng 6-2015, nhờ giá dầu tăng, họ đã lấy lại được một phần những gì đã mất trong năm 2014 nhưng sau đó, giá trị tài sản của họ lại giảm - theo nhật báo RBC.
Ở chiều ngược lại, tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Interros Vladimir Potanin, tỉ phú đứng hạng 54 trên thế giới, đã tăng lên nhiều nhất trong năm 2015 với 3,6 tỉ USD, đạt 14,7 tỉ USD. Ngoài ra, số lượng tỉ phú Nga được xếp hạng trong danh sách của tạp chí Forbes vào tháng 4-2015 đã giảm còn 88, so với 111 người trong năm trước đó.
Theo NLĐ