Đàm phán kín
Trước đây, Malaysia giữ thái độ trung lập trong quan hệ với Mỹ để tránh làm mất lòng Trung Quốc. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, hoạt động hợp tác quân sự với Washington đang cởi mở dần.
Sau một loạt vụ tàu Trung Quốc thâm nhập vào vùng biển của Malaysia, chính phủ Mỹ và văn phòng Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã ngồi vào bàn đàm phán. Máy bay do thám P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ đã tiếp đáp và nạp nhiên liệu tại nhiều căn cứ tiếp giáp Biển Đông của chính quyền Kuala Lumpur.
Nhiều quan chức ASEAN tiết lộ Malaysia đã âm thầm cho phép quân đội Mỹ sử dụng hai căn cứ trong hai quý cuối năm 2014. Theo cam kết, Mỹ cần xin phép đối với mỗi chuyến bay P-8 trong không phận của Malaysia. Ngoài ra, Washington đồng ý chia sẻ thông tin thu thập từ các chuyến bay trinh sát cho phía Malaysia.
"Malaysia và Mỹ không công bố sự hợp tác quân sự, tuy nhiên chắc chắn Trung Quốc ý thức được điều này. Malaysia thừa hiểu giúp đỡ Mỹ đồng nghĩa với việc làm mất lòng Trung Quốc", một quan chức ASEAN nói.
Mỹ và Malaysia bí mật đàm phán để chống lại Trung Quốc ở biển Đông. Ảnh: Reuters
Một lãnh đạo khác trong khu vực nhận xét Malaysia từng "kìm nén" rất nhiều trong giọng điệu với Trung Quốc, kể cả đối với vấn đề lãnh thổ. Đây là điểm khác biệt so với Philippines và Việt Nam, hai nước thành viên ASEAN thường thể hiện thái độ cứng rắn hơn trong vấn đề chủ quyền.
Lý giải cho vấn đề này, một quan chức chính phủ Malaysia cho biết Kuala Lumpur không muốn công khai đối đầu Bắc Kinh. Thay vào đó, nước này cho rằng các cuộc đàm phán kín sẽ mang lại nhiều tiến triển hơn.
Thêm vào đó, ông này thừa nhận Trung Quốc không có các hành động khiêu khích đối với quân đội Malaysia như với Philippines và Việt Nam.
"Âm thầm hành động"
Tuy nhiên khi Trung Quốc leo thang áp chế trên biển, Kuala Lumpur buộc phải hành động.
Trong giai đoạn từ 2008 – 2012, Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Malaysia tới 35 lần. Bắc Kinh đã hai lần tiến hành tập trận ngoài khơi Malaysia vào năm 2013 và 2014.
Tình hình gia tăng căng thẳng trong tháng Sáu năm nay, khi tàu tuần tra của Trung Quốc đi vào khu vực lãnh hải của Malaysia, dẫn đến một vụ đối đấu trực tiếp với tàu hải quân Malaysia được điều tới khu vực.
Đáp lại, Kuala Lumpur mở rộng hải cảng đón tàu của Hải quân Mỹ. Trong năm 2003, Malaysia chỉ cho tàu của Washington cập bến 6 lần. Tần suất tăng gấp 4 – 5 lần kể từ năm 2012 tới nay.
Bên cạnh việc gián tiếp hỗ trợ hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực, Malaysia cũng lên kế hoạch thiết lập căn cứ hải quân trên Biển Đông và tập hợp một lực lượng đổ bộ.
"Nhiều thành viên trong nội các Malaysia đã bày tỏ sự nghi ngờ cách tiếp cận mềm mỏng với Trung Quốc. Tuy nhiên, rất ít lãnh đạo đưa ra được phương sách thay thế. Tôi cho rằng Malaysia sẽ hành động một cách rất âm thầm với những nước như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ", ông Shahriman Lockman, chuyên gia kỳ cựu tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Malaysia, nhận xét.
Lập trường xê dịch
Sự xê dịch trong lập trường của Malaysia có thể mang lại thay đổi lớn trong quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc.
Dựa trên thái độ với Trung Quốc, có thể chia các nước thành viên ra thành ba nhóm, Nikkei nhận định. Nhóm đầu bao gồm Philippines và Việt Nam, với lập trường cứng rắn. Nhóm thứ hai bao gồm Campuchia và Lào, hai nước được cho là thân Trung Quốc. Malaysia, Indonesia và Thái Lan thuộc nhóm thứ ba, có thái độ trung lập với Bắc Kinh.
Nhóm thứ ba là những nước có tầm quan trọng trong khối, chủ trương của họ có thể xoay cán cân ngoại giao theo hướng có lợi cho Mỹ. Ngoài Malaysia, thái độ của Indonesia cũng đang được quan sát chặt chẽ, vì đây là nước có dân số chiếm tới 40% tổng số dân của ASEAN.
Không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, Indonesia nhìn chung có quan hệ trung lập với chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, Jakarta đang đề cao cảnh giác sau khi tàu Trung Quốc bắt đầu xuất hiện gần quần đảo Natuna trong hai năm qua. Đây là một hòn đảo giàu trữ lượng khí đốt thiên nhiên thuộc chủ quyền của Indonesia.
Trong bối cảnh đó, Indonesia đã tiến hành tập trận chung với Mỹ ở Batam, cách quần đảo Natuna 480 km.
Một cuộc tập trận của Mỹ và Indonesia. Ảnh: US Navy
"Hai nước đang lên kế hoạch cho một cuộc tập trận tương tự trong năm tới. Chúng tôi muốn biến những cuộc diễn tập quân sự đó thành hoạt động thường xuyên ở khu vực này", Phát ngôn viên hải quân Indonesia Manahan Simorangkir cho biết.
Trong khi đó, Thái Lan lại đang phát đi tín hiệu cho thấy nước này nghiêng về phía Trung Quốc. Quốc gia tại Đông Nam Á này đang hứng các lệnh trừng phạt từ Mỹ sau vụ đảo chính quân sự vào năm 2014.
Lập trường của ASEAN sẽ là nhân tố chính quyết định Mỹ hay Trung Quốc sẽ dành thế thượng phong tại châu Á. Trong bối cảnh hơn một nửa khối lượng dầu thô và khí đốt của toàn thế giới được vận chuyển qua hoặc gần Biển Đông, các sự kiện trong vùng nước này đã vượt ra khỏi quy mô của khu vực.
THẢO MAI theo BizLive