So găng kết quả kinh doanh của các ‘ông lớn’ công nghệ Việt trong năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Năm 2020, 4 'ông lớn' công nghệ Việt gồm FPT, MWG, DGW và VNG lần lượt báo lãi sau thuế 5.261 tỉ đồng, 3.920 tỉ đồng, 253 tỉ đồng và 190,6 tỉ đồng.
FPT lãi 5.200 tỉ đồng năm 2020 (Nguồn: Internet)

FPT lãi 5.200 tỉ đồng năm 2020 (Nguồn: Internet)

FPT lãi 5.260 tỉ đồng năm 2020

CTCP FPT (Mã CK: FPT) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2020 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 29.830 tỉ đồng và 5.261 tỉ đồng, tăng 7,6% và 12,8% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế ở mức 4.422 tỉ đồng, tăng 13,1%.

Như vậy, FPT đã hoàn thành 92% kế hoạch doanh thu và 95,4% kế hoạch lợi nhuận trước thuế của cả năm 2020.

Trong cơ cấu doanh thu, khối công nghệ của FPT đóng góp 56% với 16.805 tỉ đồng, tăng 6,5%; khối viễn thông chiếm 39% với 11.466 tỉ đồng, tăng 10,3%; còn lại là khối giáo dục, đầu tư và khác với 1.559 tỉ đồng, tăng 1,6% so với năm 2019.

Trong đó, doanh thu ký mới năm 2020 của khối công nghệ đạt 13.095 tỉ đồng, tăng 23% so với năm 2019. Số lượng khách hàng đóng góp doanh thu trên 500 nghìn USD tăng gần 19% trong khi số dự án có quy mô hàng triệu USD tăng 38,5%.

Doanh thu chuyển đổi số tăng trưởng mạnh ở mức 31%, từ 2.453 tỉ đồng năm 2019 lên 3.219 tỉ đồng trong năm 2020.

Ở khối viễn thông, biên lợi nhuận trước thuế dịch vụ băng thông rộng của FPT đã tăng lên gần 20% trong khi các dịch vụ khác đạt mức trên 12%.

Doanh thu khối giáo dục tăng 22% so với năm 2019. Số học sinh trung bình cả năm 2020 đạt 52.005 người, tăng 30,4%.

Năm 2020, doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài của FPT đạt 12.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.970 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 10,6% và 14,4% so với năm 2019. Trong đó, doanh thu tại các thị trường như Nhật Bản và châu Á - Thái Bình Dương (APAC) có mức tăng lần lượt 9% và 28%.

Còn tại thị trường Việt Nam, doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin của FPT đạt 4.805 tỉ đồng, giảm 2,6% so với năm 2019, tuy nhiên lợi nhuận trước thuế vẫn tăng trưởng khoảng 7% với 188 tỉ đồng.

Doanh thu online năm 2020 của Thế Giới Di Động đạt gần 9.400 tỉ đồng (Nguồn: MWG)

Doanh thu online năm 2020 của Thế Giới Di Động đạt gần 9.400 tỉ đồng (Nguồn: MWG)

Thế Giới Di Động lãi gần 4.000 tỉ đồng năm 2020

CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã CK: MWG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất Quý 4/2020 với doanh thu thuần trong kỳ đạt 27.193,7 tỉ đồng, bằng 1/4 so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận sau thuế cũng giảm hơn 4 lần từ 3.919,8 tỉ đồng Quý 4/2019 xuống 942,3 tỉ đồng trong 3 tháng cuối năm 2020.

Luỹ kế cả năm 2020, MWG ghi nhận doanh thu thuần đạt 108.546 tỉ đồng, tăng trưởng 6% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế cũng tăng 2% lên gần 3.920 tỉ đồng. Với kết quả này, MWG đã vượt 14% kế hoạch lợi nhuận và giữ được biên lợi nhuận ròng năm 2020 ở mức 3,6%.

Trong cơ cấu doanh thu chưa bao gồm doanh thu Bigphone, chuỗi Thegioididong chiếm 27,2% doanh thu của MWG; chuỗi Điện Máy Xanh là 53,2% và 19,6% doanh thu còn lại thuộc về Bách Hoá Xanh.

MWG cho biết, năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh toàn cầu cùng với tình hình thiên tai liên tục diễn ra tại Việt Nam. Để đạt được kết quả như trên, ngoài nỗ lực tối ưu chi phí, việc cải thiện biên lợi nhuận gộp có đóng góp vô cùng quan trọng, đạt mức 22,1% và là mức cao nhất từ trước tới nay.

Được biết, MWG hiện có 26 trung tâm laptop và hơn 1.000 điểm trưng bày sản phẩm trong chuỗi Thegioididong và Điện Máy Xanh, đóng góp hơn 3.500 tỉ đồng (tăng hơn 40% so với năm 2019). Với kết quả này, MWG ước tính có gần 30% thị phần máy tính xách tay tại Việt Nam năm 2020.

Năm 2020, chuỗi Bách Hoá Xanh ghi nhận doanh thu gấp đôi so với năm 2019, đạt 21.260 tỉ đồng và đóng góp gần 20% trong tổng doanh số của MWG. Thị phần hàng tiêu dùng nhanh của Bách Hoá Xanh đã vượt mức 10% tại khu vực thành thị nói chung và trên 20% tại riêng Tp. HCM.

Tại thời điểm 31/12/2020, Bách Hoá Xanh có 1.719 cửa hàng tại 24 tỉnh thành (tăng 711 điểm bán so với cuối năm 2019) với doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt xấp xỉ 1,25 tỉ đồng/ tháng.

Cuối năm 2020, HĐQT MWG đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 để trình tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 với doanh thu thuần dự kiến đạt 125.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.750 tỉ đồng.

Vận chuyển hàng hoá của Digiwolrd (Nguồn: DGW)

Vận chuyển hàng hoá của Digiwolrd (Nguồn: DGW)

Doanh thu Quý 4 cao kỷ lục, Digiworld lãi 253 tỉ đồng năm 2020

CTCP Thế Giới Số (Digiworld – Mã CK: DGW) vừa công bố kết quả kinh doanh Quý 4/2020 với doanh thu thuần đạt 4.017 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 85 tỉ đồng, cùng tăng 70% so với Quý 4/2019.

Luỹ kế cả năm 2020, DGW ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 12.535 tỉ đồng, và lợi nhuận sau thuế 253 tỉ đồng, tăng lần lượt 48% và 56% so với năm 2019. Với kết quả kinh doanh này, công ty đã hoàn thành 123% kế hoạch doanh thu và 125% lợi nhuận cả năm.

Trong đó, DGW ghi nhận doanh thu mảng điện thoại di động đạt 6.384 tỉ đồng, tăng 64% so với năm 2019 và hoàn thành 132% kế hoạch năm. Mức tăng trưởng này nhờ sự tiếp tục gia tăng của thị phần Xiaomi và doanh thu từ việc phân phối các dòng iPhone 12 của Apple.

Doanh thu cả năm của ngành hàng máy tính xách tay và máy tính bảng đạt 4.350 tỷ đồng, tăng trưởng 46% so với năm trước và hoàn thành 138% kế hoạch năm. Sự tăng trưởng mạnh mẽ đến từ sự đóng góp doanh thu từ các sản phẩm của nhãn hàng Apple và Huawei.

Cả năm 2020, doanh thu ngành thiết bị văn phòng của DGW đạt 1.536 tỉ đồng, tăng trưởng 12% và đạt 90% kế hoạch. Ngành hàng tiêu dùng ghi nhận doanh thu đạt 265 tỉ đồng, đạt 53% kế hoạch cả năm.

Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của DGW đạt hơn 3.065 tỷ đồng, tăng 27,5% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng gấp 5,7 lần, lên hơn 878 tỉ đồng; các khoản phải thu tăng gần gấp đôi, lên 1.130 tỉ đồng. Hàng tồn kho giảm 42,6% xuống còn hơn 843 tỉ đồng.

Về cơ cấu nguồn vốn, tính đến cuối năm 2020, nợ ngắn hạn của Digitiếp tục ở mức cao, tăng gần 30% so với đầu năm và chiếm 62,5% tổng nguồn vốn. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 629,6 tỉ đồng.

Bước sang năm 2021, DGW đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu dự kiến 15.200 tỉ đồng, lợi nhuận 300 tỉ đồng, đều tăng 49% so với năm trước. Trong đó, doanh thu ngành điện thoại di động ước đạt 7.500 tỉ đồng, máy tính xách tay và máy tính bảng 5.000 tỉ đồng, hàng tiêu dùng 500 tỷ đồng và thiết bị văn phòng là 2.200 tỉ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2020, VNG nắm giữ 22,27% vốn điều lệ CTCP Tiki (Nguồn: Internet)

Tại thời điểm 31/12/2020, VNG nắm giữ 22,27% vốn điều lệ CTCP Tiki (Nguồn: Internet)

VNG lãi 190,6 tỉ đồng năm 2020

CTCP VNG vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất Quý 4/2020 với khoản lỗ sau thuế 223,39 tỉ đồng, ghi nhận đà gia tăng mạnh của nhiều khoản chi phí.

Trong 3 tháng cuối năm 2020, doanh thu thuần của VNG đạt 1.610,7 tỉ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; lãi gộp tăng 14% lên 582,7 tỉ đồng.

Trong khi đó, chi phí bán hàng và tài chính của VNG lần lượt tăng 188% và 52%, lên đạt 2,3 tỉ đồng và 476 tỉ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ giảm nhẹ 5% xuống còn 213,8 tỉ đồng.

Sau khi trừ các chi phí, VNG báo lỗ sau thuế 223,4 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 lãi sau thuế 33,5 tỉ đồng.

Luỹ kế cả năm 2020, VNG ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.034,5 tỉ đồng, tăng 16,5% so với năm 2019; lãi sau thuế ở mức 190,6 tỉ đồng, giảm 58% so với năm 2019.

Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 457,3 tỉ đồng, giảm 19,5% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát là âm 266,6 tỉ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2019.

So với kế hoạch đề ra hồi giữa năm, VNG đã hoàn thành được 90% kế hoạch doanh thu và đạt ngoài kỳ vọng mục tiêu lợi nhuận (năm 2020 VNG đặt kế hoạch lỗ sau thuế 246 tỉ đồng).

Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của VNG đạt 7.818 tỉ đồng, tăng 11% so với hồi đầu năm.

Trong đó, tiền, các khoản tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn là 4.519 tỉ đồng, chiếm 57,8% tổng tài sản và tăng 575 tỉ đồng so với đầu năm.

Ngoài ra, Tỷ lệ sở hữu tại CTCP Tiki của VNG tăng nhẹ, lên mức 22,27%. Trước đó, kết thúc Quý 2/2020, tỷ lệ sở hữu của VNG tại sàn thương mại điện tử này là 22,23%.

Về cơ cấu nguồn vốn, tính đến cuối năm 2020, nợ phải trả của VNG đạt 1.737,9 tỉ đồng, tăng 9% so với hồi đầu năm. Đặc biệt, VNG không ghi nhận khoản nợ vay và thuê tài chính.

Tính đến cuối năm 2020, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VNG là 6.215,5 tỉ đồng./.