Những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng không e ngại công khai những mục tiêu chiến lược và lâu dài của họ, nhất là qua phát biểu của nhà lãnh đạo cao nhất ông Tập Cận Bình hay qua phát biểu của các lãnh đạo quân đội Trung Quốc. Tham vọng xây dựng “quân đội số 1 thế giới”, “hải quân số 1 thế giới” là những cụm từ được Trung Quốc đề cập đến nhiều trong thời gian gần đây.
Là nước lớn, đường lối xây dựng quốc phòng và quân đội do đảng cộng sản Trung Quốc đưa ra theo các khóa, nên luôn có sự kế thừa và nhất quán, chính vì vậy, Trung Quốc luôn có những bước tiến trên con đường hiện đại hóa quân đội. Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, lợi ích quốc gia đang mở rộng trên toàn cầu, do đó Trung Quốc tìm cách hiện diện quân sự trên toàn cầu.
Những hoạt động thể hiện cho sự hiện diện quân sự ngày càng tăng này có rất nhiều như hoạt động hộ tống, chống cướp biển ở vịnh Aden được thực hiện liên tục trong nhiều năm qua.
Ngoài hộ tống và chống cướp biển, biên đội tàu chiến Trung Quốc cũng đã tích cực tiến hành hoạt động “ngoại giao quân sự”, đến thăm các nước ở các khu vực trên thế giới.
Chẳng hạn biên đội hộ tống thứ 27 thuộc Hạm đội Nam Hải, hải quân Trung Quốc gồm tàu khu trục Hải Khẩu, tàu hộ vệ Nhạc Dương và tàu tiếp tế tổng hợp Thanh Hải Hồ đã lên đường từ quân cảng Tam Á vào tháng 8/2017, sau đó tiến hành hộ tống ở vịnh Aden, nay đang tiến hành thăm nhiều quốc gia châu Phi như Algeria, Tunisia, Morocco…
Bên cạnh đó, quân đội Trung Quốc cũng tích cực mở rộng hoạt động tập trận quân sự với các nước ở nước ngoài, nhất là tập trận chung trên biển với Nga, địa điểm tập trận vươn ngày càng xa ở nhiều khu vực trên thế giới như biển Nhật Bản, Biển Đông, Địa Trung Hải, biển Baltic…
Sự hiện diện trên toàn cầu ngày càng tăng đang tạo động lực mới và mạnh mẽ hơn cho Trung Quốc thiết lập những căn cứ quân sự ở nước ngoài. Trung Quốc thường tỏ ra rất thận trọng khi đề cập đến hướng đi mới này, bởi họ thường xuyên tập trung tuyên truyền rằng họ thực hiện chính sách quốc phòng mang tính “phòng ngự”.
Đến năm 2017, Trung Quốc đã có căn cứ quân sự đầu tiên tại Djibouti, một cột mốc mới trên con đường xây dựng “quân đội hàng đầu thế giới” của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.
Những cảng biển do Trung Quốc đang đầu tư xây dựng và làm chủ ở nhiều nơi trên thế giới nhất là ở khu vực Ấn Độ Dương như Hambantota, Gwadar… đang là một minh chứng cho các bước tiến này.
Mặc dù Trung Quốc tuyên truyền họ sẽ sử dụng các cảng biển này cho mục đích thương mại, cho triển khai sáng kiến “Vành đai, con đường”, nhưng nhiều người không nghĩ như vậy.
Sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc đi theo cùng với việc kiểm soát các cảng biển nêu trên đã dấy lên sự nghi ngờ của nhiều người về ý đồ quân sự của Trung Quốc ở phía sau, nhất là những nước có lợi ích hay an ninh quốc gia quan trọng có liên quan như Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản…
Chẳng hạn, dư luận Ấn Độ nghi ngờ Trung Quốc đang có khả năng sử dụng cảng Gwadar của Pakistan để triển khai tàu ngầm hạt nhân, điều này tạo ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Ấn Độ. Sự lo ngại trên ngày càng tăng khi tàu ngầm thông thường và hạt nhân Trung Quốc liên tiếp xuất hiện ở Ấn Độ Dương trong những năm gần đây.
Không chỉ hiện diện quân sự trên biển, mới đây tờ Học giả ngoại giao Mỹ cho rằng Trung Quốc đã không còn “tương đối kiềm chế” trong sử dụng sức mạnh quân sự như trước đây. Tháng 12/2017, Trung Quốc và Afghanistan đã đạt được thỏa thuận xây dựng căn cứ quân sự tại khu vực tiếp giáp giữa tỉnh Badakhshan, Afghanistan và Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc sẽ tài trợ tất cả các chi phí như vũ khí, trang bị quân sự, quân phục.
Điều này còn chưa rõ thực hư như thế nào, nhưng để đảm bảo an ninh quốc gia, mà ở đây là an ninh khu vực miền tây Trung Quốc, rõ ràng Trung Quốc đang tiếp tục “tiến quân” ra nước ngoài, tăng cường hiện diện quân sự ở các quốc gia khác trong đó có Afghanistan.
Ngoài ra, hiện nay, một con đường đang được Trung Quốc tìm cách mở rộng là xuất khẩu vũ khí trang bị cho các nước. Từ hoạt động xúc tiến xuất khẩu vũ khí những năm gần đây sẽ thấy được tham vọng này. Mỗi bước tiến xuất khẩu vũ khí đều đem lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc, đó là lợi nhuận của các nhà cung ứng vũ khí Trung Quốc hay ảnh hưởng chính trị, an ninh ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở nước ngoài.
Chẳng hạn, báo chí Mỹ vừa cho biết Bangladesh, một quốc gia láng giềng của Ấn Độ, đã mua nhiều vũ khí trang bị của Trung Quốc như 44 xe tăng chiến đấu MBT-2000, 2 trung đoàn tên lửa phòng không tầm ngắn FM-90, tên lửa phòng không vác vai QW-2 và FN-6, tên lửa chống tăng PF-98 và 36 hệ thống rocket WS-22, 16 máy bay tấn công hạng nhẹ J-7BG, 2 tàu ngầm thông thường Type 035.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã xuất khẩu vũ khí trang bị cho nhiều quốc gia Đông Nam Á, châu Phi, Mỹ Latinh và đặc biệt là Pakistan – quốc gia láng giềng và có tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ. Hợp tác Trung Quốc - Pakistan thực sự đang giống như một “đồng minh thân cận”.
Mặc dù Trung Quốc còn tồn tại nhiều hạn chế về xuất khẩu vũ khí trang bị, do vẫn chưa đạt được đột phá về nhiều công nghệ then chốt, chẳng hạn như động cơ máy bay, nhưng Trung Quốc vẫn đang không ngừng tiến bộ về nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị.
Trước đà phát triển quân sự hiện nay của Trung Quốc, chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng mới của Mỹ vừa công bố đều xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn nhất. Điều này làm cho dư luận liên tưởng đến sự khởi đầu cho một cuộc “đối đầu chiến lược” mới giữa Trung Quốc và Mỹ.