Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản muốn mua sắm chiếc tàu chở dầu đầu tiên để vận chuyển xăng dầu tới Okinawa. Chiếc tàu này có thể chở 300.000 thùng xăng dầu tới căn cứ Okinawa để dự trữ, phục vụ hoạt động tuần tra của tàu chiến tại khu vực này – đây là tiết lộ của hãng tin Reuters Anh vào ngày 5/3/2018.
Kế hoạch mua sắm này sẽ được đưa vào báo cáo đánh giá quốc phòng. Báo cáo này đã đề cập đến nội dung mua sắm trang bị trong 5 năm sau tháng 4/2019.
Một nguồn tin cho hay: "Thời gian tàu chiến quay trở về căn cứ ở đảo Kyushu quá dài, vì vậy nhiều tàu chiến hơn chuyển hướng tới Okinawa để tiếp nhiên liệu".
Cùng với lực lượng quân sự Trung Quốc tăng cường ở biển Hoa Đông, hành động của phía Nhật Bản cũng đang tăng cường.
Theo một nguồn tin khác: "Hoạt động triển khai ở căn cứ quân sự Okinawa đã tăng cường gấp 2 - 3 lần, nhưng ở đó chưa có đủ không gian để mở rộng khả năng chứa".
Việc cung ứng vật tư của căn cứ Okinawa thuộc Lực lượng Phòng vệ hiện do phía vận chuyển thương mại phụ trách, sau khi ký kết hợp đồng phải mất 2 tháng mới hoàn thành vận chuyển.
Cùng với các hành động trên biển gia tăng, việc quản lý kho xăng dầu ngày càng khó khăn hơn, dẫn đến làm gia tăng độ khó cho việc dự báo nhu cầu trong tương lai của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Hai nguồn tin cho biết, dự tính Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ phải bỏ ra vài chục tỷ yên để mua sắm và cần biên chế 20 thủy thủ cho tàu chở dầu mua mới.
Nhìn vào thông tin trên báo chí Trung Quốc và Đài Loan gần đây cho thấy Trung Quốc đang tăng cường hiện diện quân sự ở biển Hoa Đông gây quan ngại cho Nhật Bản, nhất là ở vùng biển đảo Senkaku - hòn đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Chẳng hạn như ngay vào đầu năm mới, tức ngày 7/2, 4 tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã xâm nhập khu vực đường cơ sở lãnh hải của đảo Senkaku. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã tiến hành cảnh cáo và giám sát chặt chẽ.
Hơn nữa, theo tiết lộ của báo chí Đài Loan, Trung Quốc đã biên chế máy bay chiến đấu tàng hình J-20 cho 3 đơn vị để tăng cường sức chiến đấu trên biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải, phạm vi tác chiến bao trùm lên Nhật Bản.
Ngoài ra, vào ngày 27/2, Trung Quốc còn điều một chiếc máy bay trinh sát điện tử Y-9 lần đầu tiên xâm nhập vài giờ tại vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản ở khu vực giữa eo biển Tsushima và bán đảo Triều Tiên…
Các động thái quân sự ngày càng gia tăng này của Trung Quốc đang gây nhiều quan ngại cho Nhật Bản. Vì vậy, Nhật Bản sẽ không cam chịu và ngồi yên để cho Trung Quốc tùy ý thách thức. Trong tương lai, tranh chấp chủ quyền biển đảo trên khu vực biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ ngày càng phức tạp và nóng bỏng hơn. Điều này còn phải tiếp tục quan sát.