Theo Le Figaro, với khả năng quyền lực nằm trọn trong tay ông Tập Cận Bình, Trung Quốc rất có thể sẽ lựa chọn chiến lược cứng rắn, tăng cường ảnh hưởng trước tiên tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, buộc Mỹ phải lùi bước.
Chuyên gia Antoine Bondaz, thuộc viện Nghiên cứu Chiến lược Pháp nhận định, để hướng tới mục tiêu thống trị thế giới, Trung Quốc trước hết sẽ tìm cách thống trị châu Á. Nhà nghiên cứu Trung Quốc Thì Ân Hoằng (Đại học Nhân dân Bắc Kinh) nhấn mạnh là quân đội Trung Quốc sẽ gia tăng cạnh tranh với Mỹ về quân sự, đặc biệt là về vũ khí hạt nhân, chinh phục không gian và công nghệ tin học.
Tờ báo Pháp cảnh báo, tại Biển Đông, xung đột quân sự có thể sẽ bùng phát tiếp theo một loạt đụng độ nhỏ, theo dự đoán của nhiều chuyên gia, cho dù Trung Quốc và Mỹ không có lợi gì nếu chiến tranh xảy ra. Theo chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc một trung tâm nghiên cứu chiến lược ở Washington, Trung Quốc có thể sẽ đẩy mạnh hơn nữa các tham vọng tại vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông, cũng như gây sức ép mạnh hơn với Đài Loan, mà Trung Quốc luôn khẳng định sẵn sàng «thống nhất» bằng vũ lực.
Mục tiêu cụ thể của Trung Quốc, theo ông Mathieu Duchâtel, phó giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu nhằm thay đổi tương quan lực lượng về quân sự với liên minh Nhật-Mỹ, để có thể đi đến chỗ giải quyết các xung đột chủ quyền trên thế thượng phong.
Mới đây, Hoàn Cầu Thời Báo – tờ báo dân tộc chủ nghĩa khét tiếng đã kêu gọi Trung Quốc hãy nắm lấy cơ hội tổng thống Mỹ đang còn «hờn dỗi» với các định chế quốc tế, để gia tăng nỗ lực nhằm bảo đảm cho «dự án vĩ đại» của Trung Quốc sẽ «không thể nào cản nổi». Một số chuyên gia cũng dự báo lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ tỏ ra càng cứng rắn hơn nữa trên trường quốc tế, nếu phát triển kinh tế chững lại.