Vũ Tuấn Anh
Vũ Tuấn Anh

Chuyên gia tư vấn chiến lược

E-magazine SGK cần được thiết kế tích hợp giáo viên- học sinh- phụ huynh trên nền tảng công nghệ số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Cánh diều giáo dục cần bay cao, bay xa nhưng rất cần phải có một điểm neo đậu, đó là sự tử tế; vì giáo dục là một ngành đặc thù, không thể tạo ra những phế phẩm tri thức.

Một ví dụ mang tính chất tiêu cực

Một tuần nay trên các mạng xã hội cũng như báo chí chính thống đang sôi sục các ý kiến về nội dung sách giáo khoa lớp 1 do nhóm Cánh Diều biên soạn. Có vẻ “cánh diều giáo dục” Việt Nam vừa mới cất cánh đã phải chịu những cơn gió mạnh và quyết liệt. Theo ý kiến chủ quan của tôi, càng có nhiều nhận xét thì đó lại là hồng phúc của dân tộc khi cộng đồng thể hiện sự quan tâm và mong mỏi giáo dục nước nhà cất cánh trong kỷ nguyên 4.0.

Cộng đồng như vậy nhưng tôi rất lo ngại về phía ban soạn thảo sách giáo khoa lớp 1. Tương lai bất định và bất ổn của thế kỷ 21 đòi hỏi mỗi con người cần có năng lực lắng nghe, tiếp thu, học hỏi từ những ý kiến bên ngoài cho dù khắc nghiệt bao nhiêu đi nữa.

Thế mà, thật đáng buồn khi bản thân những người soạn sách giáo dục để phát triển năng lực thế hệ trẻ lại bảo thủ khẳng định rằng những gì mình làm là chuẩn, là đúng, là tốt. Trên truyền thông những ngày đầu GS Nguyễn Minh Thuyết luôn khẳng định chất lượng sách là tốt tuy nhiên sau vài ngày trước áp lực dư luận mạnh mẽ ông mới công nhận sách cần phải sửa đổi theo ý kiến đóng góp của cộng đồng.

Tại sao là một nhà giáo dục có trách nhiệm thiết kế phát triển những năng lực cốt lõi trong đó có năng lực lắng nghe, khiêm tốn rất quan trọng cho sự phát triển nền tảng thế hệ trẻ lại hành xử lạ như vậy? Tại sao ông lại gạt bỏ ngay tức khắc và khẳng định mình luôn luôn là đúng?

Tất cả những câu hỏi đó dẫn tới một nghi vấn liệu rằng trong quá trình thiết kế sách giáo khoa, GS Nguyễn Minh Thuyết có thật sự tìm tới, cầu thị và lắng nghe toàn bộ ý kiến từ các chuyên gia thật sự tâm huyết với giáo dục? Có thể nói ban soạn thảo sách giáo khoa đã thất bại ngay phút đầu tiên khi thể hiện một tâm thế như vậy và tạo ra một ví dụ mang tính chất rất tiêu cực phản giáo dục cho toàn bộ xã hội Việt Nam.

Nhìn nhận vấn đề sách giáo khoa lớp 1 nói riêng và toàn bộ sách giáo khoa nói chung, nếu chúng ta không có một hệ thống quản trị minh bạch, một cơ chế phát triển sách giáo khoa rõ ràng, một cách thức tiếp cận phát triển sách giáo khoa mở thì bất kỳ ai ở vị trí như GS Nguyễn Minh Thuyết và tổ soạn thảo cũng sẽ còn phải đối diện những vấn đề như vậy. Nói cách khác, muốn thay đổi tận gốc của sách giáo khoa cần cải cách triệt để phương thức viết và phê duyệt sách giáo khoa.

Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều bị phê phán vì bị cho là còn nhiều lỗi (Ảnh: Hoà Bình ghép)

Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều bị phê phán vì bị cho là còn nhiều lỗi (Ảnh: Hoà Bình ghép)

Kiến trúc sư – nền tảng sách giáo khoa

Vai trò kiến trúc sư của sách giáo khoa không ai khác chính là tránh nhiệm của bộ GD&ĐT. Bộ cần phải đưa ra định hướng cụ thể rõ ràng chi tiết của từng bộ môn, từng cấp, từng lớp - đề bài của sách giáo khoa.

Sau đó tổ kiến trúc sẽ chia nhỏ các yêu cầu đó ra từng tiết, từng chương, từng mục – yêu cầu thiết kế chi tiết cho sách giáo khoa. Cuối cùng kiến trúc sư và người thiết kế nội dung cũng như giám sát cần phải tách biệt hẳn ra nhằm tránh chồng chéo trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi.

Thiết kế bài giảng

Chúng ta sống trong thế giới 4.0 có khác biệt duy nhất là chính chất mở và cộng đồng. Chắc chắn các giáo viên cấp 1 về thiết lập hệ thống và kiến trúc toàn bộ chương trình không bằng GS Thuyết và tổ chuyên môn nhưng việc thiết kế một bài giảng, nội dung trên lớp chắc chắn các giáo viên giỏi và thuần thục hơn GS và tổ chuyên môn rất nhiều.

Cách tốt nhất là bộ GD&ĐT cần công bố rộng rãi yêu cầu chi tiết thiết kế do nhóm kiến trúc sư đưa ra cho toàn bộ cộng đồng giáo viên, chuyên gia trên cả nước cùng thiết kế, góp ý, sáng tạo cho tốt hơn các nội dung chi tiết từng buổi học.

Vai trò giám sát

Giám sát thi công rất quan trọng. Giám sát một cách hiệu quả cần thực hiện ngay trong quá trình thiết kế sách giáo khoa nhằm tích hợp song song ý kiến đóng góp và quá trình thiết kế. Chúng ta chỉ có thể làm được điều này nếu như có cơ chế giám sát mở thông qua cộng đồng.

Giám sát đòi hỏi kiểm thử - dạy thử. Thông qua giám sát mở, các bài giảng thiết kế mở đó có thể được các giáo viên dạy thử từng phần nhỏ hoặc dạy thử với nhau nhằm kiểm tra sự phù hợp của chương trình.

Thiết kế / giám sát nội dung theo hướng mở, phối hợp sẽ tận dụng tri thức của toàn thể cộng đồng và giảm chi phí thiết kế tối thiểu cho sách giáo khoa. Chúng ta không sợ các bài giảng phát triển không khoa học hoặc giám sát đi lệnh hướng vì mục tiêu đề bài đã được nhóm kiến trúc sư chịu trách nhiệm phát triển và kiểm soát chặt chẽ trong quá trình thi công và giám sát.

Nhiều bài giảng trong SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều bị đánh giá là thiếu tính giáo dục (Ảnh: Hoà Bình ghép)

Nhiều bài giảng trong SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều bị đánh giá là thiếu tính giáo dục (Ảnh: Hoà Bình ghép)

Sử dụng công nghệ trong thiết kế sách giáo khoa

Chúng ta sống trong thế giới 4.0 và công nghệ có năng lực làm tất cả những điều tuyệt vời. Tại sao bộ GD&ĐT không phải là đơn vị đi đầu trong ứng dụng AI và dữ liệu lớn trong việc phát triển nội dung sách giáo khoa lớp 1 và các cấp?

Đây chính là nhu cầu chính đáng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo – quốc gia khởi nghiệp. Ví dụ qua một tuần tranh cãi rất nhiều từ ngữ sử dụng trong sách lớp 1. Quyết định đưa từ nào cần phải dựa vào tần suất và mức độ sử dụng - dữ liệu lớn. Các từ dạy lớp 1 phải là những từ thông dụng có tần suất sử dụng lớn vì chúng ta đang dạy nền tảng cho cấp 1.

Cũng tương tự như vậy, khi chúng ta có được hệ thống AI cùng học máy – Machine learning thì các tri thức của các giáo viên cấp 1 sẽ nhanh chóng tích hợp trong AI để tiếp tục tạo ra những nội dung ngày càng hoàn thiện hơn. Có thể trong năm đầu chi phí xây dựng AI lớn nhưng chắc chắn càng theo thời gian, chi phí và thời gian xây dựng nội dung bài giảng sách giáo khoa sẽ ngày càng rẻ và hợp lý.

Thừa kế và tích hợp tri thức

Sách giáo khoa lớp 1 là nền tảng căn bản của hệ thống giáo dục. Nếu tính từ những năm 1960 của thế kỷ 20 tới nay thì cả hai miền đã có chương trình giáo dục cấp 1 hiệu quả vì những chuyên gia và nhân lực độ tuổi 6 X hiện nay đang công tác và làm việc rất tốt. Hệ thống giáo dục tốt cần phải thừa hưởng các nội dung sách giáo khoa từ các thế hệ trước để lại thay vì đập đi hoàn toàn xây mới.

Thứ hai, sách giáo khoa cần bổ sung những tri thức mới quan trọng cập nhật với các thế hệ trẻ. Ví dụ, các từ ngữ mới thông dụng của công nghệ cần phải được đưa ngay vào lớp 1.

Phù hợp chuyển đổi số

Không sớm thì muộn giáo dục Việt Nam sẽ chuyển sang số hóa. Đứng trước thách thức này, sách giáo khoa cần được thiết kế và triển khai theo tâm thế tích hợp với công nghệ số trong giảng dạy. Nếu không tiếp cận theo hướng này, chúng ta sẽ lại tốn chi phí một lần nữa khi thiết kế lại sách giáo khoa cho phù hợp với giảng dạy số hóa.

Ví dụ, nội dung sách giáo khoa lớp 1 cần phải hướng tới giảng dạy và kiểm tra trên các thiết bị số hóa như tablet. Sách giáo khoa cần phải được thiết kế làm sao tích hợp giáo viên, học sinh và phụ huynh trên nền tảng công nghệ số đề đảm bảo tam giác giáo dục nhà trường - gia đình - xã hội, cho trẻ phát triển tốt nhất những năng lực của các em.

Cánh diều giáo dục Việt Nam rất cần bay cao, bay xa, vững vàng trong bão táp thách thức của thế giới đầy biến động về công nghệ của ngày hôm nay và tương lai. Cánh diều giáo dục này cần một điểm neo đậu đó là sự tử tế trong giáo dục.

Giáo dục không thể tạo ra những phế phẩm tri thức. Một sản phẩm hỏng mất công sửa chữa rất nhiều nhưng một thế hệ hỏng về tri thức thì sẽ không thể nào sửa chữa cho lành lặn. Sau khi có điểm tựa tử tế, cánh diều giáo dục đòi hỏi một sợi dây vững chắc đó chính là một hệ thống, qui trình minh bạch để đảm bảo không có một ai một nhóm nào có thể tư lợi cho bản thân chính mình. Chỉ khi nào có hai điều đó thì cánh diều giáo dục mới có thể cất cánh bay cao.