'Sell in May' là cơ hội hay rủi ro (?!): Những cứ liệu từ quá khứ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Dữ liệu tổng hợp của EVS Research cho thấy, từ năm 2008 đến nay, VN-Index có hiệu suất trong giai đoạn từ tháng 5 - 10 hàng năm nổi trội hơn so với giai đoạn từ tháng 11 - tháng 4 năm sau.

'Sell in May' là cơ hội hay rủi ro (?!): Những cứ liệu từ quá khứ
'Sell in May' là cơ hội hay rủi ro (?!): Những cứ liệu từ quá khứ

"Sell in May and Go Away" là một câu ngạn ngữ nổi tiếng trong giới tài chính thế giới.

Nó có nguồn gốc từ giới tài chính phương Tây, đầy đủ là “Sell in May and Go away, and come on back on St. Leger’s Day", ám chỉ nhà đầu tư nên bán toàn bộ danh mục vào tháng 5 rồi nghỉ ngơi và quay trở lại vào ngày lễ thánh Ledger, tức cuối tháng 9 hàng năm.

Trước hết, hãy thử xem xét bối cảnh ra đời của câu ngạn ngữ trên.

Ở các nước phương Tây, khoảng thời gian tháng 5 đến tháng 10 hàng năm thường xuyên diễn ra các lễ hội. Cùng với đó, các cuộc bầu cử thường diễn ra vào khoảng tháng 9 đến tháng 10, kéo theo nhiều bất ổn. Do vậy, việc đầu tư trong khoảng thời gian này thường kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, khung thời gian từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau thường là mùa mua sắm ở các nước phương Tây, cụ thể là các dịp lễ Black Friday, Giáng Sinh hay lễ Phục Sinh.

Sau mùa mua sắm, tới tháng 4 hàng năm, là mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh. Các thông tin này thường khiến cổ phiếu tăng giá.

'Sell in May' là cơ hội hay rủi ro (?!): Những cứ liệu từ quá khứ ảnh 1

Với giả định đầu tư 10.000 USD và chỉ tham trong giai đoạn từ tháng 11 - 4 năm sau, kết quả cho thấy chỉ số tham chiếu có hiệu suất vượt trội so với các giai đoạn khác ở thị trường Mỹ.

Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ bước vào tháng 5/2023 với một bối cảnh khá đặc biệt. Các nhà đầu tư vừa trải qua cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng, cụ thể sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và First Republic Bank (FRB). Trong khi đó, nhà đầu tư cũng đang kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bớt 'diều hầu' sau khi tăng lãi suất thêm 0,25% vào ngày 3/5/2023.

'Sell in May' là rủi ro?

Tại thị trường Việt Nam, EVS Research tiến hành kiểm định tăng trưởng của khoản đầu tư 10.000 USD theo chỉ số VN-Index trong khoảng thời gian từ năm 2008 tới nay.

Kết quả cho thấy, lợi suất đầu tư trong các tháng từ 5-10 hàng năm đang cho lợi nhuận vượt trội hơn so với giai đoạn từ tháng 11 - tháng 4 năm sau.

'Sell in May' là cơ hội hay rủi ro (?!): Những cứ liệu từ quá khứ ảnh 2

Trong quá khứ, sau khi giảm điểm vào tháng 4, thị trường có xu hướng phục hồi vào tháng 5 (hoặc giảm thấp hơn), do đó, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào hiệu ứng "Sell in May" sẽ xảy ra trong năm 2023.

Tuy nhiên, thanh khoản ở mức thấp sẽ là một biến số đối với thị trường. Bởi lẽ, nó thể hiện tâm lý thận trọng của nhà đầu tư vẫn đang chiếm ưu thế, đặc biệt là sau 'mùa' báo cáo tài chính quý 1 không mấy tích cực.

Điển hình là nhóm ngành bán lẻ. Lợi nhuận của 2 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này là CTCP Đầu tư Thế giới di động (Mã CK: MWG) và CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (Mã CK: FRT) đều ghi nhận kết quả kinh doanh giảm mạnh, điều này chủ yếu tác động bởi sức tiêu dùng trong đầu năm 2023 thấp hơn dự kiến.

Do vậy, khả năng xảy ra “Sell in May” là vẫn có đối với kỳ tháng 5/2023 và nhà đầu tư nên tiếp tục giữ tỷ trọng cổ phiếu vừa phải trong danh mục.

'Sell in May' là cơ hội hay rủi ro (?!): Những cứ liệu từ quá khứ ảnh 3

Hay cơ hội?

Ở chiều ngược lại, đối với những nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt lớn. Việc thị trường giảm điểm trong tháng 5/2023 có thể mở ra cơ hội để tham gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Bởi lẽ, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách mới, hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.

Cụ thể, các chính sách và thông tư gần đây của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang tiếp tục cho thấy những động thái nới lỏng hơn cho nền kinh tế.

Hai thông tư mới của NHNN cho phép ngân hàng thương mại cơ cấu nợ và giãn nợ cho doanh nghiệp, từ đó nới lỏng thời gian và tạo điều kiện cho nhóm ngành ngân hàng cũng như bất động sản, chứng khoán.

Bên cạnh đó, liên tục là các đề xuất từ chính phủ chỉ đạo gỡ vướng cho các doanh nghiệp bất động sản khác, cùng với Nghị định số 12/2023/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, bất động sản cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực hơn.

Ngoài ra, để đối mặt với sức mua giảm trong nước, ngày 17/04 vừa qua Chính phủ cũng đồng ý với đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng từ mức 10% xuống mức 8% đến hết năm 2023 với tiêu chí kích cầu nội địa và giảm bớt đi những khó khăn cho ngành bán lẻ.

Tổng kết các yếu tố này, kịch bản tháng 5 có khả năng cao sẽ là kịch bản tích cực với động lực đến từ kỳ vọng điểm đảo chiều của chính sách thông qua việc nới lỏng nền kinh tế thời gian gần đây, song rủi ro giảm điểm vẫn còn tồn đọng với những e ngại về rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu./.

(*) Trương Hoàng Phương - Chuyên viên Phân tích CTCP Chứng khoán Everest (EVS)