Theo ông Chi, với quy mô vốn Nhà nước tại Vinamilk lên tới trên dưới 100.000 tỷ đồng nên không thể bán ra thị trường cùng một lúc, phía SCIC đang cân nhắc với các đơn vị tư vấn, và phải có lộ trình, có thể thực hiện theo lô, chọn lô, chào giá cạnh tranh và giao dịch thỏa thuận ngoài sàn.
Mức bán 9% vốn tại Vinamilk, theo ông Chi, là mức đủ lớn để hấp dẫn nhà đầu tư và việc lựa chọn các nhà đầu tư sẽ được tiến hành công khai, minh bạch, không giới hạn nhà đầu tư tham gia.
Đối với 9/10 doanh nghiệp khác trong danh sách phải thoái vốn hiện SCIC đang xây dựng lộ trình để báo cáo. Theo dự tính, phía SCIC có thể bán một số doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2017, nhưng phải cân nhắc việc thoái vốn tất cả cùng trong năm 2017, bởi phải căn cứ vào kết quả thị trường.
Trước đó, cuối năm 2015, Chính phủ đã yêu cầu phía SCIC "chọn thời gian thích hợp" để thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp là: Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang, Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Viễn thông FPT.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, với những doanh nghiệp lớn như Vinamilk khi tung cổ phiếu ra thị trường nhiều nhà đầu tư sẽ đổ xô đầu tư nên đây cũng có thể là của để dành của SCIC.