Như báo cáo trước VietTimes đã đề cập, Nhật báo Bình Quả của Hồng Kông ngày 14/7 cho rằng Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) vừa đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tranh chấp ở Biển Đông.
Theo phán quyết này, Trung Quốc không những mất đi giá trị pháp lý của "yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông" trên đấu trường luật pháp quốc tế, hơn nữa còn bị phán quyết là "kẻ gây rối" ở Biển Đông.
Trong cuộc họp báo ngày 13/7 giới thiệu về Sách trắng “Trung Quốc kiên trì thông qua đàm phán giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã tìm cách hạ thấp uy tín của PCA.
Thậm chí ông Lưu Chấn Dân lôi cả gốc gác người Nhật của ông Shunji Yanai, người chỉ định 4 trọng tài trong vụ kiện lần này để bôi đen PCA. 1 trọng tài còn lại do Philippines tự lựa chọn. Trung Quốc không tham gia, nên mất quyền lợi chỉ định 1 trọng tài.
Nhật báo Bình Quả của Hồng Kông bình luận, quan chức Trung Quốc đã giả ngây giả ngô, kêu gào trọng tài "phi pháp", phán quyết là một "tờ giấy lộn", thậm chí cho rằng 5 thẩm phán của PCA đã "ăn tiền của Philippines", "phục vụ có thù lao", qua đây để kích động người dân, hành động này đã khiến cho các học giả luật pháp quốc tế phải "trố mắt đứng nhìn"!
Bắc Kinh nóng lòng với “hợp tác” theo nguyên tắc Trung Quốc
Như truyền thông quốc tế cũng đã đề cập, sau khi PCA đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tranh chấp ở Biển Đông vào ngày 12/7, Bắc Kinh ngay trong ngày đã hết sức tức tối, đưa ra một loạt tuyên bố vô lý, phi pháp, nhất là bác bỏ phán quyết hợp pháp của PCA và cụ thể hóa yêu sách bành trướng ở Biển Đông như chỉ rõ “các đảo” có nội thủy, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa…
Một ngày sau (13/7), Bắc Kinh còn công bố Sách trắng (49 trang) để đáp trả phán quyết của PCA và tái khẳng định lập trường, chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bắc Kinh đã ra sức kêu gọi đàm phán song phương nhưng trên nguyên tắc là "không được dựa vào phán quyết của PCA để đàm phán, mà là dựa vào cái gọi là “tôn trọng sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế” để đàm phán".
Nhưng, sự thật lịch sử thì Bắc Kinh không có chứng cứ nào thuyết phục, “quyền lợi lịch sử” và yêu sách bành trướng “đường chín đoạn” của Bắc Kinh đã bị các thẩm phán có uy tín của PCA bác bỏ, phủ định. Dựa vào luật pháp quốc tế thì sao Trung Quốc lại không tham gia vụ kiện của Philippines và chấp nhận phán quyết công bằng của PCA!?
Qua nội dung sách trắng và cuộc họp báo ngày 13/7 cho thấy, Bắc Kinh thực sự nhận thấy rằng nước này đã đến lúc muốn “gác lại tranh chấp, cùng hợp tác” ở Biển Đông, nhưng vẫn kiên quyết không từ bỏ cái gọi là “chủ quyền thuộc về Trung Quốc”. Chủ trương này chẳng có gì mới, thậm chí còn có thể được sắp đặt với nhiều toan tính, ý đồ khó lường.
Bắc Kinh kêu gọi hợp tác giữa các nước trên Biển Đông bằng các “thỏa thuận lâm thời” trên các lĩnh vực như nghề cá, dầu khí. Với hợp tác kiểu này, Bắc Kinh đã nhấn mạnh đến thỏa thuận đạt được giữa Trung Quốc và các nước ASEAN và xây dựng đường dây nóng tìm kiếm cứu nạn trên Biển Đông.
Có chuyên gia Trung Quốc cũng đã lên tiếng gọi ý rằng "các hợp tác này có thể tận dụng các cơ sở, công trình do Bắc Kinh đã và đang xây dựng (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam như hải đăng…".
Đây là thủ đoạn truyên truyền rất mới của giới học giả Trung Quốc, cần tiếp tục nghiên cứu, theo dõi.
Trong trường hợp các nước chấp nhận “hợp tác” theo kiểu này, chắc chắn sẽ bị mắc lừa, bởi vì điều đó đồng nghĩa với việc thừa nhận "chủ quyền của Bắc Kinh" đối với các thực thể do họ xâm chiếm phi pháp trên Biển Đông.
Một vấn đề khác cũng được dư luận quan tâm là khả năng Trung Quốc lập ra cái gọi là Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Trong cuộc họp báo lần này, Bắc Kinh nói là họ “có quyền” lập ra ADIZ, nhưng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của “mối đe dọa an ninh”. Cho đến lúc này, chưa có dấu hiệu Bắc Kinh lập tức sẽ áp đặt ADIZ ở Biển Đông.
Tham khảo phần trước: Quan chức Trung Quốc bôi đen phán quyết Tòa PCA bị báo Hồng Kông chê tơi tả |