Sau bữa cỗ có tiết canh dê, một người tử vong, nhiều người nhập viện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau bữa cỗ có tiết canh dê, một người đã tử vong. Nhiều người cùng dự bữa ăn đó đã đến bệnh viện khám và điều trị. 

tiet-canh.gif

Tối 6/5, mạng xã hội xôn xao thông tin: tiết canh nhiễm liên cầu lợn khiến 18 người ở TP Thái Bình dắt nhau đi cấp cứu. Một người trong số này đã tử vong. Thực hư của câu chuyện trên ra sao?

Đêm 5/5 và sáng 6/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình tiếp nhận gần 20 trường hợp đến khám, trong đó, một số người có triệu chứng sốt, rối loạn tiêu hóa, đau bụng...

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thái Bình, trưa 1/5, gia đình bà Đ.T.H (tổ 5, phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình) tổ chức bữa ăn khoảng 20 mâm. Thức ăn có thịt gà rang, tôm kho, canh dưa cà, tiết canh dê. Con dê này được giết mổ ở Ninh Bình rồi chuyển tiết, thịt về Thái Bình. Nhân làm tiết canh gồm tai, gan, cuống họng lợn đã luộc chín.

Chiều 1/5 và sáng 2/5, gia đình tiếp tục tổ chức bữa cỗ, thực đơn gồm: Gà luộc, tôm chao, chân giò hầm, mèo xào, ba ba nấu chuối… Ngày 4/5, ông P.T.T, một trong những người tham gia ăn các bữa cỗ trên, trong đó có ăn tiết canh, bị ho, sốt, khó thở, đau tức 2 bên sườn nên đến khám tại bệnh viện tỉnh. 20h ngày 4/5, ông P.T.T diễn biến nặng, được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai rồi tử vong với chẩn đoán bị nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng, biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, ngừng tuần hoàn/Gout.

Sau khi ông T. tử vong, do lo lắng, nhiều người cùng ăn cơm ở nhà bà H. mấy hôm đó đã đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Trong đó, 8 người khai có các triệu chứng sốt, rối loạn tiêu hóa, đau bụng và có nguyện vọng xin chuyển lên tuyến trên điều trị. 10 người có triệu chứng nhẹ như: đau đầu, đau mỏi vai gáy. Họ đã ăn tiết canh nên đang theo dõi tại bệnh viện tỉnh.

Đến trưa 6/5, cả 10 người sức khỏe đều ổn định, không có triệu chứng khác thường.

Theo thông tin của VietTimes, ông P.T.T. tử vong, là người có nhiều bệnh nền. Còn lại những người khác sức khoẻ ổn định và đã ra viện.

Sáng 7/5, Bệnh viện Bạch Mai sẽ có buổi họp chuyên môn báo cáo về chùm ca bệnh nhiễm độc thức ăn do PGS.TS. Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - chủ trì.

Theo một chuyên gia về truyền nhiễm, các dấu hiệu của các bệnh nhân trên nghi do ngộ độc thực phẩm, không phải liên cầu lợn.

Để tránh ngộ độc thức ăn, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lưu ý người dân nên ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh khi nấu thức ăn.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết nguồn lây liên cầu lợn thường là lợn nhà, có thể cả lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim.

Triệu chứng của liên cầu lợn là bệnh cảnh viêm màng não: sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác… xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hoá: sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run... trước khi có biểu hiện của viêm màng não.

Trường hợp nặng: sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong.