GS. Nguyễn Huy Dung là em ruột của liệt sỹ Nguyễn Thị Minh Khai và liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái - người vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Hàn lâm y học Xô viết, trở thành một trong các chuyên gia tim mạch hàng đầu Việt Nam. Ông đã góp phần xây dựng và phát triển chuyên ngành tim mạch vươn tầm quốc gia và khu vực.
Với trình độ chuyên môn cao, những năm 1967 - 1976, GS. Nguyễn Huy Dung được giao nhiệm vụ là bác sĩ đặc trách Ban bảo vệ sức khỏe Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và là bác sĩ đặc trách sức khỏe cho Chủ tịch nước và một số Ủy viên Bộ Chính trị.
Vì thế, ông chính là người vinh dự được chăm sóc sức khoẻ cho Hồ Chủ tịch những năm tháng cuối đời.
Sinh thời, ông thường kể cho những người thân về một trong những kỷ niệm thiêng liêng với Hồ Chủ tịch.
Lần đầu gặp, Bác Hồ đã nhận ra những nét giống nhau giữa ông Dung và chị gái Nguyễn Thị Minh Khai, nên cười bảo: “Giống chị y như đúc”.
GS. Huy Dung vẫn thường nhắc con cháu trong nhà nhớ nhắc ông ngày giỗ của bà Quang Thái. “Vì bác Văn (tên ở nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã mất, Hồng Anh (con gái bà Quang Thái) cũng mất, sợ mọi người lại quên, không ai làm giỗ cho bà”.
GS.TS. Nguyễn Huy Dung được các thế hệ học trò nhắc đến là một thầy thuốc, một thầy giáo tiêu biểu. Từ 1959 đến 1967, ông làm Trưởng phân khoa tim mạch C5-C7 của Bệnh viện Bạch Mai và thỉnh giảng tại Đại học Y Hà Nội.
Sau khi đất nước thống nhất, ông làm Chủ nhiệm khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, rồi chuyển vào nam công tác. Ở môi trường mới, ông tiếp tục khẳng định mình và được tin tưởng trao nhiệm vụ là Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Phó chủ nhiệm bộ môn nội Đại học Y Dược TP.HCM.
Gần nửa thế kỷ gắn bó với ngành y, GS.TS. Nguyễn Huy Dung đã để lại một di sản đáng trân trọng là tấm gương lao động và cống hiến hết mình cho sự nghiệp y khoa, là phẩm cách về người thầy cao quý. Trong khám chữa bệnh, ông là một thầy thuốc tiêu biểu và trong giảng dạy, ông là một thầy giáo mẫu mực.
Ông còn dành nhiều thời gian nghiên cứu về tim mạch, nên đã có khá nhiều sách về lĩnh vực này, với mong muốn truyền lại kinh nghiệm cho các thế hệ. Hai công trình nghiên cứu chuyên sâu về nội khoa và tim mạch học của ông là "Nghiên cứu đột quỵ do xuất huyết não ở Việt Nam" (1963 - 1967) và "Bệnh sốt thấp cấp ở Việt Nam" (1964 - 1970).
Về sau, ông còn dành thời gian "Nghiên cứu về tiên lượng cho từng nhóm bệnh nhân tăng huyết áp" và "Phối hợp trị liệu cho các bệnh tim mạch".
Kinh nghiệm và những sáng tạo của ông đã giúp các bác sĩ rút ngắn thời gian học tập, tăng hiểu biết về điều trị bệnh tăng huyết áp trong bối cảnh khi đó, y học thế giới vẫn chưa tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
GS.TS. Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược TP. HCM - một trong những sinh viên ưu tú của GS.TS. Nguyễn Huy Dung - nhớ về người thầy của mình: Trong quá trình được học thầy, chúng tôi luôn kính trọng, ngưỡng mộ thầy vì sự chỉn chu, cẩn thận. Khi đi lâm sàng, thầy luôn giải thích tỉ mỉ từng chút một cho sinh viên hiểu và còn đặt câu hỏi xem sinh viên đã hiểu chưa, để thầy giảng kỹ càng.
Thầy cũng là người dùng từ đặc biệt cẩn trọng, chuẩn mực, chính xác, trong thuật ngữ y khoa cũng như trong khám bệnh. Mỗi khi khám bệnh, thầy giải thích cho bệnh nhân rất dễ hiểu.
GS.TS. Trần Diệp Tuấn nhớ lại: Thời điểm đó, chưa nhiều thiết bị hỗ trợ khám, chữa bệnh như bây giờ, nên khi khám bệnh, thầy làm đúng theo nguyên tắc “nhìn -sờ -gõ - nghe”, hỏi bệnh sử chi tiết rồi khám kỹ càng. Khi khám bệnh, thầy cũng rất từ tốn, chậm rãi, đặc biệt luôn giải thích kỹ cho bệnh nhân, từ chẩn đoán đến điều trị ra sao, rồi dựa trên những dấu hiệu lâm sàng để đưa ra chẩn đoán, biện luận chính xác.
“Vừa là nhà giáo, vừa là thầy thuốc, nên sự phối hợp đó đã tạo cho thầy một phong cách hết sức mô phạm, chỉn chu” - GS. Tuấn nhận xét.
Một trong ký ức mà GS.TS. Trần Diệp Tuấn luôn nhớ về GS.TS. Nguyễn Huy Dung, là thầy sống rất tình cảm, rất sâu sắc, thông qua những câu chuyện gia đình mà thỉnh thoảng thầy kể cho bạn bè, người thân.
Ngày còn khỏe, năm nào đến ngày giỗ của bà Quang Thái, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều cùng GS. Dung ra viếng mộ bà. Đại tướng luôn dành cho người em vợ tình cảm đặc biệt. Lần GS. Dung đang học nghiên cứu sinh ở Liên Xô, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang công tác và đến thăm thầy.
Khi Đại tướng về nước, GS. Dung tiễn Đại tướng ra sân bay, Đại tướng nói không cần tiễn vì trời mưa và rất lạnh. GS. liền nhẹ nhàng trả lời: "Em nghĩ, nếu chị Thái có mặt ở đây, chị sẽ tiễn anh ra sân bay, nên em muốn thay mặt chị Thái tiễn anh …" Câu trả lời chứa nặng ân tình khiến mọi người đều cảm động.
“Dù học thầy thời gian ngắn, nhưng những buổi được nghe thầy giảng đã để lại những ấn tượng không thể quên trong tôi. Đó là lòng yêu nghề, là kiến thức uyên thâm, là tình yêu hết mình với nghề y. Đặc biệt, điều mà tôi luôn kính trọng ở thầy là làm việc gì cũng tận tâm, hết khả năng” - GS.TS. Trần Diệp Tuấn xúc động chia sẻ.
Với hơn 40 năm gắn bó với nghề y, GS. Dung đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và nhà nước cho những cống hiến thầm lặng của mình: Huân chương Độc lập hạng nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Thầy thuốc nhân dân…