Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 - tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo diễn ra chiều nay, 4/5, về tình hình dịch bệnh hiện nay và các biện pháp cần gấp rút triển khai trong thời gian tới.
Mở đầu phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh Ban Chỉ đạo, lực lượng phòng chống dịch bệnh của các cấp, nhiều địa phương những ngày qua lại bước vào “trận chiến” rất căng thẳng, cả ngày và đêm nhưng đều chống dịch kiên trì nguyên tắc khi đã phát hiện ra thì thần tốc truy vết, cách ly, khoanh vùng.
“Đến nay, đương nhiên tình hình còn rất phức tạp nhưng cơ bản đến giờ phút này, chúng ta vẫn đang kiểm soát tốt” - Phó Thủ tướng nói và biểu dương lực lượng chống dịch các cấp.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, 3 đợt dịch trước hoặc dịch bùng phát từ nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài hoặc từ bên trong, nhưng đợt dịch lần này có thể nói chúng ta vừa có từ bên trong, mà áp lực từ biên giới Tây Nam cũng rất lớn, thêm nữa có biến thể virus mới từ Ấn Độ lây lan nhanh hơn, năng hơn. "Vì thế chúng ta phải quyết tâm hơn" - Phó Thủ tướng nói.
Triển khai giám sát điện tử
Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất cần đầu mối chỉ đạo tăng cường ứng dụng các công cụ, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chống dịch, nắm được thông tin của tất cả những trường hợp bắt đầu nhập cảnh vào Việt Nam, thực hiện cách ly tập trung đến khi kết thúc thời hạn theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú.
Bộ TT&TT chỉ đạo các đơn vị công nghệ thông tin nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể để triển khai vòng tay điện tử giám sát chuyên gia, lao động nước ngoài; giải pháp giám sát điện tử đối với người Việt Nam; tổ chức giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để phân loại nguy cơ dịch bệnh đối với từng địa phương.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tại phiên họp trước của Ban Chỉ đạo, ông đã yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các bộ rà soát, chuẩn bị cho tình huống có 30.000 người nhiễm. “Không phải chúng ta dự báo sẽ có 30.000 người nhiễm mà tính đến trường hợp xấu để sẵn sàng chuẩn bị và phải phấn đấu để không bao giờ có tình huống đó xảy ra”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu phải rất quyết liệt.
Tới đây, chúng ta phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, người nhập cảnh; cách ly triệt để không được để lây nhiễm trong khu cách ly, từ khu cách ly ra cộng đồng. Thời gian tới, chúng ta sẽ triển khai đợt cao điểm rà soát tất cả người nhập cảnh theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” không được bỏ sót; kể cả những người phục vụ, làm việc tại các cơ sở có nhiều người nước ngoài đến.
Rất nhiều nơi thiếu nghiêm túc trong phòng dịch
Tại phiên họp trước của Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng rà soát toàn bộ các trung tâm cách ly của quân đội, của dân sự, cũng như toàn bộ quy trình bàn giao giữa nơi có trung tâm cách ly và trung tâm cách ly với nơi nhận người về cư trú hoặc làm việc.
Toàn cảnh cuộc họp chiều 4/5. |
Tại cuộc họp này, kết quả rà roát và báo cáo của một số địa phương cho thấy rất nhiều nơi chưa thực hiện nghiêm túc dù đã có các quy trình rất cụ thể mà Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế đã hướng dẫn. Đây là nguyên nhân dẫn đến đợt dịch hiện nay. Việc này Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo một cách rất nghiêm khắc, cá nhân hóa trách nhiệm, trách nhiệm đến đâu xử lý nghiêm đến đấy.
Qua báo cáo rà soát của các cơ quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo từ 0h ngày 4/5, các trung tâm cách ly chưa đưa người đã hết thời gian cách ly tập trung về địa phương. Bộ Y tế phải rà soát lại quy định, hướng dẫn và trong ngày 4/5, phải có văn bản gửi tất cả địa phương, trung tâm cách ly để quán triệt nhằm bảo đảm việc bàn giao giữa trung tâm cách ly với địa phương có người cách ly về cư trú, về làm việc phải có bàn giao, tiếp nhận, được quản lý chặt chẽ trong 14 ngày sau khi hoàn thành cách ly tập trung.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ sẽ hoàn thành văn bản này và ban hành để từ sáng 5/5, các trung tâm và các địa phương căn cứ thực hiện đúng. Phó Thủ tướng lưu ý các quy định, hướng dẫn, văn bản đã đầy đủ, bây giờ phải thực hiện một cách nghiêm túc. Ai không thực hiện, cấp nào không thực hiện phải chịu trách nhiệm và sẽ phải xử lý nghiêm.
Phó Thủ tướng nêu rõ các yêu cầu: Người từ nơi cách ly đi về như thế nào? Chính quyền địa phương, cơ sở, nòng cốt là y tế và công an, có trách nhiệm đến bàn giao đến từng gia đình ra sao? Người hoàn thành cách ly tập trung phải thực hiện những gì trong 14 ngày theo dõi, giám sát y tế?
Đối với các doanh nghiệp cũng tương tự, mời chuyên gia vào và bàn giao về thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm cam kết ghi nhận và hướng dẫn những người này tuân thủ các quy định ra sao. Tuyệt đối không được để tình trạng trong thời gian theo dõi, giám sát y tế sau cách ly mà lại tiếp tục đi tụ tập đông người, đi ăn uống, những nơi công cộng mà không giữ nguyên tắc phòng dịch, để lây lan ra cộng đồng cực kỳ nguy hiểm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Tình hình rất đáng quan ngại
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra nhận định tình hình dịch bệnh hiện nay rất đáng quan ngại với nhiều yếu tố nguy cơ lây nhiễm từ người nhập cảnh hợp pháp, nhập cảnh trái phép, tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Thống nhất với quan điểm này, ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết - trên thế giới, nhiều quốc gia đã ghi nhận ca mắc tăng trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có một số quốc gia gần Việt Nam có ca nhiễm tăng cao trong thời gian gần đây như: Campuchia, Lào, Thái Lan...
Ở trong nước, mặc dù công tác phòng, chống dịch của các cấp chính quyền được triển khai khẩn trương, tích cực song còn những trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc nhập cảnh không được quản lý cách ly chặt chẽ, có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng cao.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn lơ là, chủ quan sau thời gian dài không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Người dân chưa thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, đặc biệt đi du lịch, di chuyển và tập trung đông người nên nguy cơ lây nhiễm trong nước rất lớn.