“Samurai Nhật” mài kiếm, luyện binh khiến Trung Quốc bất an

VietTimes -- Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng, xây dựng lực lượng phòng vệ mới mang tính tấn công hơn, mục tiêu lâu dài chính là nhằm kiềm chế Trung Quốc, gây cảnh giác và lo ngại cho Trung Quốc.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Sina.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Sina.

Tăng ngân sách quốc phòng

Ngày 22/12, Chính phủ Nhật Bản đã phê chuẩn ngân sách năm tài khóa 2018, trong đó ngân sách quốc phòng đạt 5.190 tỷ Yên, tăng khoảng 1,3% so với năm tài khóa 2017, lập kỷ lục mới, các hạng mục chi tiêu chủ yếu tập trung vào phòng thủ tên lửa và “phòng thủ đảo nhỏ, đảo xa”.

Đây là năm thứ 6 liên tiếp Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng, đồng thời cũng là năm thứ ba liên tiếp ngân sách quốc phòng Nhật Bản vượt 5.000 tỷ Yên. Hội nghị nội các Nhật Bản ngày 22/12 còn xác định bổ sung 234,5 tỷ Yên kinh phí phòng vệ vào ngân sách bổ sung năm tài khóa 2017. Đây là khoản ngân sách phòng vệ bổ sung năm tài khóa lớn nhất trong lịch sử.

Theo đài truyền hình TV Asahi Nhật Bản, do mối đe dọa vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa trở thành nội dung chính của ngân sách phòng vệ Nhật Bản năm 2018. Nhật Bản sẽ tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD), bố trí 44 tỷ Yên để nhập khẩu hệ thống phòng thủ tên lửa SM-3 Block 2A do Nhật - Mỹ hợp tác nghiên cứu phát triển và kinh phí giai đoạn đầu mua sắm hệ thống Aegis mặt đất của Mỹ.

Hãng Kyodo cho rằng ngân sách quốc phòng lần này của Nhật Bản cũng tập trung vào tăng cường “hệ thống phòng thủ đảo nhỏ, đảo xa”. Nhật Bản chi 39,2 tỷ Yên để mua sắm 4 máy bay vận tải V-22 Osprey nhằm tăng cường khả năng triển khai, điều động nhanh chóng lực lượng tuyến 1.

Đồng thời, Nhật Bản còn chi 55,3 tỷ Yên để xây dựng căn cứ cho lực lượng cảnh giới ở đảo Miyako và đảo Ishigaki. Nhật Bản còn có kế hoạch mua 1 tàu ngầm mới AIPS, 2 tàu khu trục tổng hợp mới, 6 máy bay chiến đấu tàng hình F-35A và tên lửa hành trình tầm xa trang bị cho máy bay chiến đấu, từ đó tiếp tục tăng cường lực lượng tác chiến hải, không quân.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Sina.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Sina.

Theo tờ Tokyo Shimbun Nhật Bản, nhìn vào ngân sách phòng vệ lần này, phương châm ưu tiên bảo đảm kinh phí phòng vệ của chính phủ Nhật Bản ngày càng rõ nét. Chính phủ Nhật Bản khẳng định tăng kinh phí phòng vệ là để bảo đảm an ninh các vùng biển xung quanh của Nhật Bản trong tình hình Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động trên biển.

Nhật Bản tăng kinh phí phòng vệ chủ yếu là để mua sắm lượng lớn các vũ khí tiên tiến, đắt tiền của Mỹ, từ đó tăng cường phòng thủ tên lửa và bảo vệ các đảo nhỏ và xa như đảo Senkaku.

Nhật Bản mua sắm tên lửa tầm xa lắp cho máy bay chiến đấu sẽ giúp cho Nhật Bản có khả năng tấn công "căn cứ địch", điều này đi ngược lại chính sách "chỉ phòng vệ" của Nhật Bản. Nhật Bản đang lấy mối đe dọa hạt nhân và tên lửa Triều Tiên làm lý do để tăng cường sức mạnh quân sự. Đại cương kế hoạch phòng vệ được sửa đổi trong năm tới sẽ được dư luận chú ý, quan tâm.

Nhà nghiên cứu Lư Hạo, Viện khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không chỉ không ngừng đột phá về chính sách và pháp chế quân sự - an ninh, mà còn đang tập trung sử dụng các nguồn lực để tăng cường "sức mạnh cứng", xây dựng "lực lượng phòng vệ cơ động liên hợp", xây dựng lực lượng can dự tổng hợp có thể kiểm soát các vùng biển, vùng trời xung quanh và các đảo. Ngân sách quốc phòng Nhật Bản tiếp tục tăng lên đã phản ánh xu thế này.

Vấn đề Triều Tiên là lý do công khai để Nhật Bản tăng cường chính sách quân sự - an ninh, nhưng khuynh hướng căn bản và lâu dài hơn là quy hoạch sức mạnh quân sự Nhật Bản bị chi phối bởi "nhân tố Trung Quốc", tức là Nhật Bản sẽ tăng cường đề phòng và kiềm chế Trung Quốc.

Nữ binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Sina.
Nữ binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Sina.

Nhật Bản đang xây dựng Lực lượng phòng vệ thứ tư

Gần đây, báo chí Nhật Bản cho biết ngoài Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, Lực lượng Phòng vệ Biển và Lực lượng Phòng vệ Trên không, chính phủ Nhật Bản đã cơ bản quyết định muốn thành lập mới lực lượng phụ trách vũ trụ, không gian mạng và tác chiến điện tử, cấp độ tương đương với các lực lượng trên. Đó là "Lực lượng Phòng vệ thứ tư". Quyết định này sẽ được viết vào Đại cương kế hoạch phòng vệ được sửa đổi vào nửa sau năm 2018.

Tuy nhiên, hãng tin Kyodo Nhật Bản cho rằng Lực lượng Phòng vệ phát động các cuộc tấn công mạng hoàn toàn không phù hợp với chính sách "chỉ phòng vệ" hiện nay. Nhật Bản cần đưa ra quyết định sau khi đã tiến hành thảo luận đầy đủ ở các diễn đàn như Quốc hội.

Trên thực tế, gần đây, Nhật Bản đã rất tập trung quy hoạch chiến lược vũ trụ. Theo hãng tin Kyodo, chính phủ Nhật Bản đang sửa đổi "Kế hoạch vũ trụ cơ bản" - phương châm chiến lược vũ trụ quốc gia, có kế hoạch đưa các nhà du hành vũ trụ lên Mặt trăng, tổ chức diễn tập vũ trụ với quân đội Mỹ.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng khả năng tác chiến vũ trụ và mạng của Nhật Bản hiện nay tương đối có hạn, nhưng nền tảng tốt. Bởi vì hiện nay vệ tinh dẫn đường, vệ tinh do thám của Nhật Bản đã tiến hành vận hành chính thức trên vũ trụ, hơn nữa thời gian lại rất dài.

Nếu nhìn vào điều kiện cơ bản và tổng thể, sự chuyển đổi "từ quân sự hóa sang vũ khí hóa" rất có khả năng hoàn thành một cách nhanh chóng. Ngoài ra, về mạng máy tính, trình độ phần mềm, phần cứng của Nhật Bản cũng tương đối cao cấp. Khả năng tổng hợp và điều kiện công nghệ nền tảng của Nhật Bản hiện nay phải ở trình độ cao cấp trên phạm vi thế giới.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Sina.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Sina.

Các động thái "bình thường hóa quân sự" gần đây của Nhật Bản rất rõ rệt. Nhật Bản muốn tiến hành tập trung thống nhất 3 năng lực tác chiến mới gồm tác chiến vũ trụ, tác chiến mạng và tác chiến điện tử, đồng thời tiến hành hiệp đồng chỉ huy thống nhất.

Những động thái này của Nhật Bản rõ ràng đang biến Lực lượng Phòng vệ thành "quân đội chính quy", Nhật Bản có thể tiến hành liên hệ quân sự với Mỹ rộng hơn cả trên phạm vi không gian bí mật.

Những động thái tăng cường sức mạnh quân sự này của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe luôn bị báo chí Trung Quốc tuyên truyền bôi nhọ và gắn vào cái mác là Nhật Bản đang tiến hành phục hồi "chủ nghĩa quân phiệt", tạo ra "mối đe dọa" cho khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc lại không đả động gì về việc sức mạnh quân sự toàn diện của Trung Quốc liên tục tăng cường, hoạt động quân sự của Trung Quốc ngày càng mở rộng, yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng bị cộng đồng quốc tế lên án.