Rủi ro… lãi suất huy động tăng nhanh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ngoài rủi ro nợ xấu từ nợ tái cơ cấu đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, xu hướng lãi suất huy động tăng nhanh đang được xem là rủi ro chính yếu của hoạt động ngân hàng hiện nay cũng như cho giai đoạn tới.
Techcombank đã có đợt tăng lãi suất đáng chú ý trong những ngày cuối tháng 5-2022.
Techcombank đã có đợt tăng lãi suất đáng chú ý trong những ngày cuối tháng 5-2022.

Lãi suất huy động tăng nhanh

Techcombank – ngân hàng đã duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp hơn cả nhóm ngân hàng thương mại gốc quốc doanh là Vietcombank, VietinBank và Agribank trong suốt hơn hai năm qua, đã có đợt tăng lãi suất đáng chú ý trong những ngày cuối tháng 5-2022.

Trong khi các kỳ hạn 1-2 tháng chỉ tăng 0,1 điểm phần trăm, kỳ hạn 3-5 tháng tăng 0,3-0,35 điểm phần trăm, thì các kỳ hạn 6-11 tháng tăng khá mạnh từ 0,45-0,55 điểm phần trăm; đặc biệt các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng rất mạnh từ 0,65-0,85 điểm phần trăm, đánh dấu đợt tăng lãi suất tiền gửi mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây của ngân hàng này. Trước đó, vào giữa tháng 4, Techcombank cũng đã có đợt điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhưng với mức tăng khá khiêm tốn chỉ 0,1 điểm phần trăm ở các kỳ hạn.

Tương tự, khung lãi suất tiền gửi của VIB trong tháng 5 vừa qua tăng thêm 0,5 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tháng, kỳ hạn 2-5 tháng tăng 0,4 điểm phần trăm, kỳ hạn 6-11 tháng tăng 0,7-0,8 điểm phần trăm, các kỳ hạn trên 13 tháng tăng 0,3 điểm phần trăm.

Ngân hàng NCB cũng tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng thêm 0,3 điểm phần trăm; kỳ hạn từ 6 tháng trở lên tăng từ 0,4-0,5 điểm phần trăm. Hay như Ngân hàng GPBank đã điều chỉnh tăng đồng loạt 0,4 điểm phần trăm ở các kỳ hạn tiền gửi từ 6 tháng trở lên.

Động thái tăng lãi suất huy động đã rục rịch từ cuối quí 4 năm ngoái, nối tiếp sang những tháng đầu năm nay, nhưng mức tăng đồng loạt và mạnh mẽ mới thật sự diễn ra trong hai tháng vừa qua. Theo đó, bản danh sách này đã nối dài thêm với các tên tuổi như SHB, OCB, Bản Việt, Sacombank, SCB, Kiên Long,… cho đến những ngân hàng vốn ít khi điều chỉnh lãi suất như GPBank, Bảo Việt, PGBank, CBBank, Oceanbank, PVCombank,… với mức tăng khá mạnh. Cá biệt có ngân hàng như Bắc Á đã tăng lãi suất tiền gửi liên tiếp ba lần trong tháng 3, tháng 4 và tháng 5.

Thống kê lãi suất huy động bình quân của 35 ngân hàng nội địa cho thấy, lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng đến thời điểm cuối tháng 5 đã tăng thêm 120 điểm cơ bản so với tháng 3; kỳ hạn 6-11 tháng tăng 160 điểm cơ bản; kỳ hạn từ 13 tháng trở lên tăng 250 điểm cơ bản, cho thấy mức biến động của mặt bằng lãi suất trong hai tháng đầu quí 2, đặc biệt là tháng 5 vừa qua mạnh như thế nào. Điểm tích cực là nhóm các ngân hàng thương mại gốc quốc doanh lớn vẫn chưa có động thái tăng lãi suất.

Áp lực lạm phát và cạnh tranh vốn

Áp lực lạm phát tác động lên tâm lý người gửi tiền đang là một trong những nguyên nhân chính khiến các ngân hàng phải nhanh chóng tăng lãi suất huy động để giữ chân người gửi tiền. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5-2022 tuy mới tăng 2,86% so với cùng kỳ, nhưng so với đầu năm cũng đã tăng đến 2,48% dù chưa đến nửa năm, khiến mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% trong năm nay trở nên thách thức hơn bao giờ hết.

Đặc biệt, trong bối cảnh giá dầu tiếp tục duy trì ở mức cao và được dự báo sẽ tiếp tục đi lên, giá nhiều loại lương thực, hàng hóa tăng vọt vì các nước chủ trương hạn chế xuất khẩu, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy vì chiến tranh Nga – Ukraine, các giải pháp chống dịch Covid-19 mạnh tay của Trung Quốc, đô la Mỹ leo lên mức cao nhất trong 20 năm qua…, tất cả đang hòa nhịp đẩy lạm phát. Do đó, sẽ càng tiếp tục gây áp lực lên lãi suất huy động của các ngân hàng trong thời gian tới.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng toàn ngành luôn duy trì ở mức cao suốt từ đầu năm đến nay so với tăng trưởng huy động vốn, khiến thanh khoản hệ thống cũng chịu nhiều áp lực. Trước đó, số liệu quí 1 cho thấy tăng trưởng tín dụng là hơn 4%, cao gần gấp đôi so với mức tăng trưởng huy động vốn 2,15%. Còn theo số liệu mới đây, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 5 đã đạt 8,04%, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ.

Đáng lưu ý là hiện một số ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được phân cho năm 2022, cho thấy nhu cầu vốn trong nền kinh tế đang mạnh mẽ như thế nào. Hệ quả là khi gói hỗ trợ lãi suất 2% được ban hành, các ngân hàng này đã xin nới thêm hạn mức tín dụng trong năm nay để có dư địa triển khai gói này.

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc cuộc cạnh tranh huy động vốn sẽ càng thêm gay go và quyết liệt trong thời gian còn lại của năm nay, khi ngân hàng nào cũng muốn tăng cường huy động để có đủ nguồn vốn cho vay nhằm sớm tận dụng nguồn lực từ gói hỗ trợ lãi suất 2% cho khách hàng của mình.

Rủi ro cho ngân hàng?

Trước tình hình này, nhiều dự báo cho thấy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ bắt đầu tăng lãi suất điều hành trở lại từ nửa cuối năm nay, như là cách ứng phó với lạm phát kỳ vọng cũng như đi theo xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước. Khi đó, một cuộc đua tăng lãi suất đầu vào có thể lại được kích hoạt, nhất là khi càng về cuối năm thanh khoản của hệ thống càng chịu áp lực nhiều hơn.

Nếu như trong môi trường lãi suất đi xuống, các ngân hàng có nhiều cơ hội để tăng khả năng sinh lời, khi mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm nhanh theo các chính sách của nhà điều hành, trong khi lãi suất cho vay giảm chậm hơn vì phụ thuộc vào ý chí và chiến lược kinh doanh của các ngân hàng, thì ngược lại khi mặt bằng lãi suất đi lên trở lại, các ngân hàng có thể đối mặt với không ít thách thức.

Cụ thể, ngoài rủi ro nợ xấu từ nợ tái cơ cấu đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, xu hướng lãi suất huy động tăng nhanh đang được xem là rủi ro chính yếu của hoạt động ngân hàng hiện nay cũng như cho giai đoạn tới, do làm thu hẹp biên độ lãi ròng của các ngân hàng, vì lãi suất cho vay khó có thể tăng nhanh theo kịp lãi suất huy động.

Thứ nhất là do mục tiêu của nhà điều hành vẫn luôn muốn giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế; thứ hai là các hợp đồng vay vốn của khách hàng tuy hầu hết đều thả nổi lãi suất nhưng kỳ điều chỉnh thường là hàng quí hoặc hàng năm đối với các hợp đồng vay trung và dài hạn; thứ ba là việc tăng lãi suất thông thường sẽ nhận được nhiều phản ứng và chỉ trích của khách hàng.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất tăng nhanh cũng khiến các trái phiếu chính phủ mà ngân hàng đã đầu tư trong giai đoạn lãi suất thấp trước đây có thể giảm giá, khiến các ngân hàng phải ghi nhận dự phòng giảm giá cho các trái phiếu này hoặc bán cắt lỗ. Cần lưu ý rằng trong hai năm vừa qua, trong bối cảnh hoạt động tín dụng trì trệ vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh đầu tư trái phiếu chính phủ và cả trái phiếu doanh nghiệp, cũng như mua chéo trái phiếu lẫn nhau.

Theo TBKTSG