Đã từ rất lâu Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã làm việc với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) về các tiêu chí bắt buộc phải đáp ứng theo mức độ A và B gồm các tiêu chí: Thể thao, Cơ sở vật chất, Nhân lực hành chính, Pháp lý và Tài chính. Trong đó, quy định rõ lộ trình của các CLB bắt buộc phải thực hiện, nếu muốn được tham gia các giải đấu chuyên nghiệp.
Người giàu cũng khóc
Mới đây, Ban cấp phép VFF đã kết luận Hà Nội FC không được tham dự giải AFC mùa tới. Theo đó, đội Á quân V-Leaue là TP HCM dự AFC Cup năm 2020, trong trường hợp đội này không tham dự VFF sẽ lấy từ trên xuống dưới ở V-League rồi mới chọn cúp Quốc gia.
Bên cạnh ĐT quốc gia được vinh danh, bóng đá chuyên nghiệp VN còn khá nhiều vấn đề. Ảnh VFF.
|
Là “đại gia” sân cỏ Việt Nam nhưng Hà Nội đã không cử U15 tham dự giải trẻ quốc gia, đây lại là lứa tuổi bắt buộc phải có của một CLB bóng đá chuyên nghiệp theo chuẩn của AFC.
Thực chất thì Hà Nội có U15 nhưng do cán bộ chuyên môn không thuộc luật nên cho Sài Gòn FC… mượn quân. Đúng cảnh “người giàu cũng khóc”.
Trong 14 CLB V.League cho đến nay Ban cấp phép VFF đã tiến hành xem xét và quyết định phê duyệt đề xuất cấp phép cho 8 CLB tham dự các giải đấu cấp CLB của AFC năm 2020, gồm: B.Bình Dương, SHB Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Sài Gòn, Viettel, Than Quảng Ninh, Quảng Nam và HAGL.
Phó Chủ tịch VFF phụ trách truyền thông Cao Văn Chóng cho biết thêm: “AFC quyết liệt xây dựng quy chế để chuẩn hóa sự chuyên nghiệp ở các CLB. Bốn CLB Việt Nam thiếu một số tiêu chí, tuy nhiên đã nhận thức được sự tồn tại của mình, qua đó nỗ lực đạt chuẩn căn bản nhất của AFC”.
Không đủ sáng vẫn đá
Khá bất ngờ mới đây VFF đã cho biết 4 CLB Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa và SLNA đều không đủ tư cách tham dự V-League mùa tới. Bốn đội bóng này đều không đủ tiêu chí mà AFC cấp phép. Các tiêu chí liên quan tới cơ sở vật chất như hệ thống chiếu sáng, chứng minh khả năng hoạt động CLB, chương trình phát triển bóng đá trẻ…
SLNA là đội bóng tồn tại 40 năm, đội duy nhất tham dự V.League từ ngày đầu cách đây 20 năm. Đến giờ, CLB vẫn chưa có tài liệu chứng minh đã thanh toán hết… nợ thuế và chứng minh tài chính của mùa giải tới. Theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, mỗi CLB tham gia V.League phải có khoản kinh phí tối thiểu 35 tỷ đồng để chi trả các hoạt động trong một mùa giải, hay một năm tài khóa.
Về cơ sở vật chất, dàn đèn sân Vinh chỉ đạt 382 lux, thua xa với yêu cầu 900 lux như AFC quy định. Nói về mặt sân Vinh thì 100% các đội khách đều phàn nàn, còn BHL SLNA cứ mãi 1 câu hỏi: Sao cầu thủ của đội bị chấn thương nhiều nhất? Hàng loạt trụ cột Văn Đức, Xuân Mạnh, Thế Cường… đã chấn thương cả khi tập luyện.
Liệu có cần "bảo lãnh" ghế trống PCT phụ trách tài chính VFF? Ảnh VFF
|
Đứng trước tình thế này, VFF đành lần nữa “muối mặt” bảo lãnh cho 4 đội Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa và SLNA tham dự V-League 2020. Chẳng nhẽ lại đá có 10 đội bởi các đội hạng nhất cũng không hơn là mấy, nếu như không muốn nói là chưa sẵn sàng.
Đang khả quan
Đó là chuyện CLB, còn cấp liên đoàn thì sao. Người ta vẫn nhớ hiện tại ngay cả bộ máy nhân sự cấp cao của VFF vẫn đang trống. Từ tháng 6 năm 2019, vị trí Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính bị trống sau khi ông Cấn Văn Nghĩa rút lui. Khi đại hội, người ta tốn bao giấy bút nói về tầm quan trọng của Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính phải 5,6 người tranh cử… chọn mãi được 1 ông, vừa lên chưa làm được gì cho bóng đá đã từ chức.
Nhưng khi khuyết vị trí đó người ta lại cho rằng công tác tài chính của VFF trong bối cảnh không có người đảm nhận lại đang… rất khả quan. Bằng chứng là VFF đã đủ kinh phí hoàn tất gia hạn hợp đồng với HLV Park Hang- Seo.
Điều kiện tối thiểu để một CLB bóng đá chuyên nghiệp hoạt động cũng không phải là vấn đề nóng, có gì VFF “khất” bằng các văn bản bảo lãnh. Nhân sự cấp cao phụ trách tài chính của VFF thiếu cũng chả đi đâu mà vội, tiền đang nhiều. Vậy rốt cuộc bóng đá chuyên nghiệp cần cái gì (?!!)