Trong những tuần gần đây, giới đầu tư ở khu vực Eurozone ngày càng tỏ ra hoang mang. Liệu bất ổn trong hệ thống ngân hàng sẽ chỉ dừng ở Mỹ và Thuỵ Sĩ mà không lây lan(?).
Vào ngày 24/3, khi giá cổ phiếu ngân hàng ở châu Âu sụt giảm, sự hoang mang càng tăng thêm. Đến cuối ngày, bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), tuyên bố rằng các ngân hàng châu Âu an toàn và đủ thanh khoản để vượt qua bất ổn thị trường.
Ngân hàng đầu tiên ở khu vực này chịu ảnh hưởng chính là Deutsche Bank, một ngân hàng Đức vốn đã có vấn đề suốt nhiều năm qua.
Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của nhà băng này đã tăng vọt lên mức gần kỷ lục. Điều này khiến các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu của Deutsche Bank, khiến giá cổ phiếu giảm tới 14%.
Sự hoang mang bắt đầu lây lan từ đó. Đến giữa ngày 24/3, chỉ số Euro Stoxx 600, bao gồm các ngân hàng lớn nhất khu vực, đã mất 5%. Sau sự sụp đổ của Credit Suisse, các nhà đầu tư hết sức lo ngại về một sự kiện tương tự sắp xảy đến.
Vậy tình hình hiện tại của Deustche Bank tệ đến mức nào?
Hãy bắt đầu bằng sự so sánh giữa Deutsche Bank và Credit Suisse.
Khoảng cách 300 km từ Frankfurt (Đức) cho tới Zurich (Thuỵ Sĩ) không phải là thứ duy nhất khác biệt giữa 2 tổ chức tài chính này. Ngân hàng Thuỵ Sĩ trước đó vốn làm ăn không có lợi nhuận và đối mặt với nhiều vấn đề pháp lý.
Nhưng nguyên nhân thực sự khiến Credit Suisse hứng chịu một đợt “bank run” (rút tiền hàng loạt) chính là bởi gần như tất cả các khoản tiền gửi của họ đều không được bảo đảm.
Ngược lại, sau một giai đoạn tái cấu trúc dai dẳng và đau đớn, Deutsche Bank làm ăn có lợi nhuận.
Khoảng 70% lượng tiền gửi cá nhân được bảo đảm, trong khi các doanh nghiệp gửi tiền ở ngân hàng này cũng dài hạn. Năm 2016, khi hàng loạt báo cáo về kết quả kinh doanh không thuận lợi cùng các vụ kiện tụng và bê bối làm rúng động ngân hàng này, lượng tiền gửi vẫn không suy giảm.
Điều này là do Deutsche Bank có nhiều tài sản thanh khoản chất lượng cao mà họ có thể đổi lấy tiền tại ECB. Credit Suisse là một trường hợp khác hẳn.
Tuy nhiên, Deutsche Bank lại đối diện với nhiều rủi ro khác, trong đó có lãi suất cao, vốn đã hạ gục Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB).
Những đợt nâng lãi suất xét về ngắn hạn là có lợi cho ngân hàng, bởi nguồn thu của họ từ lãi suất sẽ tăng lên. Thực tế cũng cho thấy, các ngân hàng của châu Âu đã báo cáo những khoản lợi nhuận khổng lồ. Lợi nhuận ròng của Deutsch Bank ước tính khoảng 5,7 tỉ euro (6,1 tỉ USD) trong năm 2022, tăng gấp đôi so với năm trước đó.
Nhưng khi chi phí vốn tăng lên, tài sản của ngân hàng, bao gồm trái phiếu dài hạn, mất giá trị. May mắn thay cho Deutsche Bank, các cơ quan quản lý của châu Âu đã yêu cầu các ngân hàng chuẩn bị sẵn để ứng phó với nguy cơ này. Năm ngoái, ECB báo cáo rằng nguy cơ để một ngân hàng sụp đổ nếu lãi suất tăng là thấp. Theo hãng phân tích Autonomous Research, kể cả khi Deutsche Bank sụp đổ thì mối đe doạ mà nó gây ra cũng không lớn.
Một mối đe doạ khác chính là tác động của vụ việc SVB đối với danh mục đầu tư ở Mỹ của Deutsche Bank. Tài sản thương mại dường như chịu tác động lớn, khi các ngân hàng tầm trung của Mỹ siết chặt tín dụng. Deutsche Bank sở hữu gần 17 tỉ USD các tài sản như vậy, và được đánh giá là dễ chịu ảnh hưởng nhất trong số các ngân hàng của châu Âu.
Tuy nhiên, danh mục tài sản thương mại của Deutsche Bank lại khá đa dạng, bao gồm khoản nợ hạn chế và tương đương với chỉ 35% vốn chất lượng cao.
Deutsche Bank có thể có nhiều tài sản phái sinh, mang lại nhiều nguy hiểm trên những thị trường dễ đổ vỡ, nhưng chúng lại được giao dịch công khai và thường đủ để giúp cho chúng không bị định giá nhầm một cách nghiêm trọng.
Có lẽ nguyên nhân khiến người ta quan ngại nhất về Deutsche Bank chính là chi phí huy động vốn, có thể tăng mạnh sau sự sụp đổ của Credit Suisse.
Mặc dù Deutsche Bank có nhiều vốn hơn so với ngưỡng quy định chặt chẽ của châu Âu, nhưng các nhà đầu tư vào trái phiếu AT1 vốn bị mất tiền sau thương vụ mua lại credit Suisse, giờ sẽ đòi hỏi mức lãi suất cao hơn.
Nhưng nguyên nhân xảy ra tình trạng bán tháo cổ phiếu của Deutsche Bank chưa phải điều mà người ta lo ngại nhất về ngân hàng này.
Thay vào đó, nó chính là “tình trạng bất trắc gây ra phản ứng thái quá đối với những tín hiệu suy yếu” của một ngân hàng, theo Corrado Passera, chuyên gia ngân hàng châu Âu.
Thị trường hoán đổi rủi ro vỡ nợ của Deutsche Bank thiếu thanh khoản, có nghĩa là một vài giao dịch có thể làm thay đổi giá nhanh chóng. Sau một tuần đầy biến động và mất mát, các nhà đầu tư chỉ muốn bán bất cứ thứ gì rủi ro để có một khoảng thời gian yên bình./.
Credit Suisse: Sự thất bại của 'too big to fail'
UBS "chốt" mua Credit Suisse với giá 3 tỉ USD
Cú sập của Credit Suisse, SVB và 'lỗ hổng' trong hệ thống tài chính toàn cầu
Theo The Economist