Cổ phiếu giao dịch ở đây là mã ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu, một mã chứng khoán đã thăng hoa rất nhiều trong ít tháng qua.
Bên bán là Dragon Financial Holdings Limited. Quy mô bán ra, theo như đăng ký là 6.996.084 cổ phiếu, với thời gian giao dịch dự kiến là từ 08/03 đến 05/04/2018. Mục đích thực hiện giao dịch là nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Bên mua là Dragon Capital Markets Limited. Quy mô mua vào, theo như đăng ký cũng là 6.996.084 cổ phiếu, với thời gian giao dịch dự kiến cũng là từ 08/03 đến 05/04/2018. Mục đích thực hiện giao dịch được ghi rõ là “mua cổ phiếu”.
Với phương thức giao dịch mà cả hai cùng đăng ký áp dụng là “thỏa thuận”, hẳn nhiên, tất cả đều hiểu rằng, 6.996.084 cổ phiếu ACB sẽ được “đổi tay” từ Dragon Financial Holdings Limited sang cho Dragon Capital Markets Limited. Cả hai quỹ hiện đều do ông Dominic Scriven OBE – thành viên HĐQT ACB – làm Giám đốc.
Trước giao dịch, Dragon Financial Holdings Limited là cổ đông ngoại lớn nhất của ACB, với quy mô nắm giữ 69.960.757 cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ sở hữu 7,1%. Trong khi Dragon Capital Markets Limited chưa sở hữu cổ phiếu ACB nào.
Lưu ý rằng, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ACB hiện đã kín room 30%. Một quỹ ngoại sẽ không có cơ hội mua thêm cổ phiếu ACB, nếu các cổ đông nước ngoài hiện hữu ở ACB không thoái bớt sở hữu. Như trường hợp giữa hai quỹ của ông Dominic Scriven OBE vừa nêu là một ví dụ. Và thực tế là vì đã kín room, giao dịch của khối ngoại đối với cổ phiếu ACB không sôi động.
Trong một diễn biến liên quan, mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết nhận được đầy đủ tài liệu phát hành cổ phiếu để trả cổ tức của ACB vào ngày 1/3. Phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2016 với tỷ lệ chi trả 10% đã được cổ đông của ACB thông qua từ kỳ đại hội trước đó. Hoạt động này sẽ sớm đưa vốn điều lệ của ACB tăng lên mức 11.258,9 tỷ đồng./.