Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) vừa ban hành Quyết định số 487/TCQĐ-HĐQT.18 về việc triển khai thực hiện phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Quyết định được căn cứ trên Nghị quyết số 975/TCQĐ-HĐQT.17 ngày 10/4/2017 của Đại hội đồng cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ từ cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông; cũng như công văn chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tăng vốn điều lệ của ACB.
Theo đó, HĐQT ACB đã nhất trí thông qua phương án phát hành với hình thức là phát hành cổ phiếu phổ thông để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại sau khi phân phối lợi nhuận năm 2016.
Số lượng cổ phiếu tối đa dự kiến phát hành là 98.590.129 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ phát hành là 10%. Tức là tại ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền, cổ đông nắm giữ 10 cổ phiếu hiện tại sẽ nhận được 1 cổ phiếu phát hành thêm. Cổ phiếu phát hành thêm sẽ được tự do chuyển nhượng.
Đối tượng phát hành là các cổ đông hiện hữu có tên trong danh sách sở hữu cổ phiếu phổ thông đang lưu hành, tại thời điểm chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền nhận cổ phiếu. Cổ phiếu quỹ không được nhận cổ tức.
Mục đích phát hành, theo như quyết định, là tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Và thời gian thực hiện dự kiến là trong quý 1 năm 2018.
HĐQT ACB cũng nêu rõ phương án xử lý cổ phiếu lẻ. Đó là cổ phiếu phát hành phân phối cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền sẽ được làm tròn xuống hàng đơn vị. Phần lẻ thập phân phát sinh (nếu có) sẽ được phân phối cho Công đoàn ACB, làm nguồn cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên ACB.
Liên quan đến việc trả cổ tức, thông thường, cổ đông và các nhà đầu tư thường có xu hướng thích nhận cổ tức bằng tiền mặt hơn. Tuy nhiên với riêng trường hợp của các cổ đông ACB lần này, họ hẳn sẽ rất vui mừng khi ban lãnh đạo ngân hàng đã lựa chọn trả cổ tức bằng cổ phiếu – nhất là “cổ phiếu phát hành thêm sẽ được tự do chuyển nhượng”.
Bởi lẽ nếu trả cổ tức 10% bằng tiền mặt thì với mỗi cổ phiếu ACB nắm giữ, cổ đông chỉ được nhận 1.000 đồng. Còn đây, với việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ phát hành 10%) thì với mỗi cổ phiếu ACB nhận về, họ có thể đem giao dịch ngay trên HNX – mà ACB thì lại đang được giao dịch trong vùng giá tới 40.000 đồng/cổ phiếu. Có nghĩa rằng, việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu đang lợi hơn nhận tiền mặt tới 4 lần.
Còn về phía ACB, hẳn các lãnh đạo ngân hàng cũng muốn trả cổ tức bằng cổ phiếu hơn. Trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp ngân hàng giữ lại được lợi nhuận để tăng vốn điều lệ, qua đó làm dày hơn nguồn vốn tự có của ngân hàng, gia tăng tính an toàn cho các hệ số an toàn vốn (CAR), đặc biệt là trước áp lực tăng vốn để đáp ứng Basel II mà NHNN đang đề ra cho các thành viên hệ thống./.